Putin Ukraine IMF lagarde
Tổng giám đốc IMF Christine Lagarde mời chào Nga vay tiền nhiều hơn
Nga từ chối vay tiền của các tổ chức tài chính quốc tế, dù có lời mời

Sputnik ngày 12/6 đưa tin, khi phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Quốc tế St Petersburg gần đây, Tổng Giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Christine Lagarde đã mô tả nợ nước ngoài của Nga là quá ít ỏi và khuyên Nga nên vay tiền nhiều hơn.

Tuy nhiên, đại diện Ngân hàng Trung ương Nga đã từ chối vì cho rằng đầu tư cho tăng trưởng kinh tế đất nước bằng gia tăng nợ vay không phải là con đường tốt nhất, bởi nợ càng lớn thì vấn đề phát sinh cần giải quyết càng lớn.

Tổng nợ nước quốc gia của Nga tính đến ngày 1/1/2018 đạt 525 tỷ USD, quá nhỏ so với 7,5 nghìn tỷ USD của Anh, 5 nghìn tỷ USD của Pháp, 4,8 nghìn tỷ USD của Đức và con số khổng lồ 21 nghìn tỷ USD của Mỹ.

Tổng nợ quốc gia của Nga tính đến đầu quý I/2018 chỉ chiếm 33% GDP, giảm 7% so với cùng kỳ của năm 2017. Phần lớn nghĩa vụ nợ của Nga thuộc về lĩnh vực tư nhân, chiếm khoảng 85,4%, với tổng số nợ là 448,6 tỷ USD.

Tổng số nợ của các cơ quan chính phủ và Ngân hàng Trung ương Nga đạt 76,4 tỷ USD, trong đó 14,5 tỷ USD là nợ của Ngân hàng Trung ương, còn lại 61,9 tỷ USD là nợ của các cơ quan chính phủ, trong đó nợ nước ngoài là 38 tỷ USD.

Theo quan điểm của chính phủ Nga, nợ quốc gia lớn có thể trở thành một vấn đề nghiêm trọng nếu nền kinh tế đột nhiên thay đổi, chẳng hạn như suy thoái hay khủng hoảng. Do đó, nợ càng nhỏ, sự nguy hiểm càng thấp.

Giới chuyên gia tài chính cho rằng, tổng nợ quốc gia của Nga tương đương với dự trữ vàng và ngoại tệ của nước này. Điều đó có nghĩa là hệ thống tài chính của Nga có thể giải quyết vấn đề nợ quốc gia ngoài bất cứ lúc nào, nếu tình hình biến chuyển xấu.

Bên cạnh đó, nợ nước ngoài của chính phủ Nga quá nhỏ khiến cho việc trả nợ có thể diễn ra nhanh chóng, từ đó giúp cho Nga ít phụ thuộc vào tài chính nước ngoài, mà có thể gắn với nhiều hệ luỵ.

"Các quốc gia đang phát triển đã có hướng đi không an toàn khi chọn tăng trưởng bằng gia tăng nợ nước ngoài, điều này có tác động tiêu cực đến nền kinh tế. Ở Nga nguy cơ này không tồn tại", chiến lược gia tiền tệ Alexander Yegorov phân tích.

Còn một lý do nữa khiến chính phủ Nga từ chối vay nợ nước ngoài, đó là khả năng cần bằng ngân sách cân. Năm nay, Nga sẽ có thặng dư ngân sách - lần đầu tiên trong vòng 7 năm - dự kiến lên tới 16 tỷ USD.

Không gia tăng nợ công có một nhược điểm là thiếu vốn cần thiết cho tăng trưởng kinh tế. Về điều này, chính phủ Nga chủ trương chỉ vay phục vụ cho các dự án hữu ích và có hiệu quả, để dễ dàng đáp ứng các nghĩa vụ tài chính.

Mặc dù vậy, Nga vẫn từ chối vay tiền của các định chế tài chính quốc tế, nhất là WB và IMF, mà thực hiện phát hành trái phiếu chính phủ, như đã phát hành trái phiếu châu Âu - Russian Eurobonds - trong quý đầu tiên của năm 2018.

Dường như Moscow ngày càng tránh xa những đồng tiền của các tổ chức tài chính quốc tế, ngay cả khi nền kinh tế cần những dòng vốn từ nước ngoài đổ vào để thúc đẩy tăng trưởng, như lời Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nga, Elvira Nabiullina.

Tại sao Nga thận trọng với các tổ chức tài chính quốc tế?

Điều đáng lưu ý là Nga không chỉ từ chối vay tiền các tổ chức tài chính quốc tế, mà Nga còn không tích cực tham gia vào việc bổ sung vốn nhằm gia tăng khả năng cho vay của các định chế tài chính quốc tế mà Nga là cổ đông.

Ngày 21/4 vừa qua, các cổ đông của Ngân hàng Thế giới (WB) đã quyết định tăng cường khả năng cho vay của tổ chức này thêm 13 tỷ USD, để giải quyết các thách thức mới, như biến đổi khí hậu, khủng hoảng tị nạn và đại dịch. Song Nga từ chối.

Lý giải về vấn đề này, ông Vasily Koltashov, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Xã hội Nga cho rằng tài sản của WB đang được tài trợ các cải cách có lợi cho các tập đoàn xuyên quốc gia, bao gồm cả những thực thể của Mỹ.

Nghĩa là đồng tiền của WB chạy vòng vòng rồi cuối cùng cũng chảy vào túi người Mỹ. Điều này là trái với mục đích và tôn chỉ của WB, vì vậy Nga từ chối bổ sung vốn cho WB là hợp lý.

Mặt khác, Ngân hàng Thế giới cũng như các tổ chức khác của hệ thống kinh tế tài chính - thương mại thế giới, như Quỹ Tiền tệ Quốc tế và Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), được thành lập theo nguyên tắc tự do thương mại.

Nghĩa là yếu tố chính trị sẽ không bao giờ can thiệp vào nền kinh tế theo bất kỳ cách nào và các nước thông qua nguyên tắc mở cửa kinh tế để hợp tác với nhau, còn IMF và WTO sẽ giúp họ thực hiện các cải cách thích hợp.

Song thực tế cho thấy cả IMF và WB đều là công cụ của Washington để đảm bảo sự thống trị về kinh tế và chính trị của Mỹ. Họ gây áp lực với các quốc gia yếu kém phải chấp nhận quy tắc Washington Consensus - Sự đồng thuận của Washington.

Trong khi đó Mỹ lại không tuân thủ bất kỳ quy tắc nào. Gần đây, Mỹ đã áp dụng cách tiếp cận bảo hộ, vi phạm nguyên tắc thương mại tự do và gây ra một cuộc chiến thương mại với Trung Quốc. Trong những trường hợp này, WB và IMF bất lực.

Vì vậy, "Nga nên sử dụng tiền của mình để giải quyết các vấn đề của chính mình. Sẽ là một sự điên rồ nếu Nga dùng tiền để tài trợ cho các tổ chức quốc tế, không làm tròn nghĩa vụ, mà còn giúp sức cho thế lực thù địch với Nga", theo ông Koltashov.

Ông Mikhail Belyaev, chuyên gia kinh tế tại Viện thị trường chứng khoán và quản lý (ISMM) cũng cho rằng: "Nếu Nga bổ sung vốn cho WB thì đó là một cách hỗ trợ tổ chức thúc đẩy chính sách của Mỹ, giúp gia tăng trừng phạt Nga".

Không những vậy, chính Mỹ cũng cho thấy không sẵn sàng tham gia bổ sung nguồn vốn cho WB, khi Washington xoáy sâu vào vấn đề hiệu quả đạt được rất thấp của các dự án được tài trợ bởi tổ chức tài chính quốc tế này.

Rõ ràng, WB và IMF chẳng khác nào là một công cụ huy động vốn cho Mỹ sử dụng để mang lại lợi ích cho người Mỹ và trong nhiều trường hợp còn được sử dụng vào việc trừng phạt những thực thể đối nghịch với Mỹ.

Do vậy, Nga từ chối vay tiền của các định chế tài chính quốc tế và thận trọng trong việc giúp gia tăng sức mạnh cho những định chế tài chính quốc tế này, bởi trong cả hai trường hợp, Nga đều như tự lấy dây trói mình, rồi đưa mặt ra cho người ta đánh.