Chinese high-speed rail
Chỉ trong 10 năm, công nghệ đường sắt cao tốc Trung Quốc đã có bước tiến vượt bậc, được thị trường hóa và là rất nhanh, giá thành rẻ.

Kỹ sư cao cấp (KSCC) Hà Ngọc Trường, người đã có nhiều năm nghiên cứu về đường sắt cao tốc Trung Quốc chia sẻ với Đất Việt về lý do phát triển và thành công của Trung Quốc trong lĩnh vực này.

Tiến bộ vượt bậc

KSCC Hà Ngọc Trường không hề tỏ ra bất ngờ khi Trung Quốc trúng thầu hợp đồng xây dựng đường sắt cao tốc ở Mỹ, Indonesia, Thái Lan... bởi ông là người đã được chứng kiến sự phát triển vượt bậc của ngành đường sắt cao tốc Trung Quốc.

Khoảng năm 2004, ông làm nghiên cứu sinh ở Trung Quốc, sau đó sang Nhật và châu Âu. 10 năm sau, vào năm 2014, ông trở lại Trung Quốc khi dẫn một đoàn công tác của trường Đại học GTVT TP.HCM sang thăm công nghệ đường sắt cao tốc của nước này. KSCC Hà Ngọc Trường vô cùng ngạc nhiên trước tốc độ phát triển đường sắt nói chung và đường sắt cao tốc nói riêng của Trung Quốc.

"Không thể tưởng tượng được 1 năm chỉ riêng thành phố Thượng Hải đã xây dựng được 35km tàu điện ngầm, còn đường sắt cao tốc từ Thượng Hải đi Bắc Kinh họ làm 2 đường. Tôi đã đi một đoạn từ Bắc Kinh đến Hàng Châu thì thấy rằng công nghệ đường sắt cao tốc của Trung Quốc tiến bộ một cách vượt bậc.

Nó tiến bộ ở chỗ: công nghệ ấy đã được Trung Quốc nghiên cứu và phát triển đến mức thị trường hóa, làm rất nhanh và giá thành rẻ. Mà trong đấu thầu quốc tế chỉ có 2 yếu tố: công nghệ và giá thành. Chính vì thế, đi đấu thầu các nước, Trung Quốc trúng thầu là chuyện đương nhiên. Giá thành của họ rất rẻ, chế tạo đầu máy, toa xe... làm rất nhanh, nói cách khác Trung Quốc đã thị trường hóa công nghệ đường sắt cao tốc ở mức độ cao.

Trung Quốc cũng xảy ra những tai nạn đường sắt cao tốc xảy ra nhưng đó chỉ là thiểu số. Thực ra mà nói công nghệ xây dựng của Trung Quốc có thể hiện đại nhưng có những lúc thông tin tín hiệu chạy tàu gặp trục trặc do người lao động không được huấn luyện kỹ, trình độ tay nghề không cao nên xảy ra tai nạn. Tôi đã nghiên cứu và có danh sách liệt kê tai nạn đường sắt cao tốc ở Trung Quốc hàng chục năm nay thì thấy tỷ lệ này rất ít.

Còn Nhật Bản, đúng là công nghệ đường sắt cao tốc của họ thuộc loại cao, đặc biệt độ an toàn có thể đứng số 1 thế giới, người Nhật lại rất kỷ luật nhưng nếu nhìn nhận ở góc độ thị trường, Trung Quốc chiếm lĩnh thị trường thế giới là điều dễ hiểu", KSCC Hà Ngọc Trường chỉ rõ.

Cũng theo ông Trường, hiện nay đất nước Trung Quốc rộng lớn như thế nhưng chỗ nào cần làm đường sắt cao tốc, hoặc làm cầu, đường công nghệ cao họ đều đã làm hết. Chính vì thế, Trung Quốc chỉ còn cách xuất công nghệ đường sắt cao tốc của mình ra nước ngoài, mà muốn xuất ra nước ngoài thì họ phải đảm bảo 2 yêu cầu: thứ nhất là làm phải nhanh, công nghệ cao, thứ hai giá thành phải rẻ.

Vì sao Mỹ chọn?

Một lần nữa, KSCC Hà Ngọc Trường nhấn mạnh chính việc Trung Quốc "thị trường hóa" công nghệ đường sắt cao tốc để người giàu, người nghèo đều có thể chấp nhận được nên họ có thể thắng thầu ở nhiều quốc gia, kể cả những quốc gia khó tính nhất.

Ở Trung Quốc, đường sắt tốc độ cao rất phổ biến. Tàu đi từ Thượng Hải đến Hàng Châu chạy trên dưới 200km/h, tuyến Thượng Hải-Bắc Kinh cũng thế, làm rất nhanh. Vì thế không lạ gì khi Mỹ chọn đường sắt cao tốc Trung Quốc.

Theo ông Trường, Mỹ không thiên về đường sắt cao tốc, bởi người Mỹ thực dụng nên họ thích loại đường sắt tốc độ cao nhưng giá phải rẻ, làm nhanh.

"Khi sang Mỹ tôi thấy họ không dùng công nghệ Shinkansen, vận tốc có thể đạt 35km/h nhưng giá thành 1 cây số rất đắt, 1 cây số này bằng 2-3 cây số đường sắt tốc độ cao. Chính vì nắm trong tay ưu thế đường sắt tốc độ cao nên Trung Quốc đã "thị trường hóa" công nghệ này và ai cũng có thể chấp nhận được", KSCC Hà Ngọc Trường phân tích.

Dù vậy, từ nghiên cứu của mình, vị chuyên gia về metro thấy có một điều đáng buồn rằng: Trung Quốc xây dựng đường sắt ở trong nước rất tốt, hiện đại và an toàn nhưng khi công nghệ ấy được đưa ra nước ngoài thì chưa chắc.

Nguyên nhân là đơn vị thi công không phải là nhà thầu gốc mà là những nhà thầu đã được "sàng đi, bán lại", thậm chí trong đó có thể mang cả hàm ý chính trị nữa.

Trong đấu thầu quốc tế, nhà thầu làm rẻ, công nghệ tốt thì trúng thầu, vấn đề là chủ đầu tư phải có chính sách để hạn chế những khó khăn, nguy cơ mà phía nhà thầu gây ra cho mình.