Trump i Putin
© Sputnik/AFP/Mikhail Klimentyev
Tặng quà trước hội nghị

Ngày 28/6, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã lên tiếng bênh vực Nga và công kích phe Dân chủ trong cuộc điều tra Moscow can thiệp vào bầu cử Mỹ.

Trên trang Twitter, ông Trump cho hay: "Nga tiếp tục nói rằng họ không liên quan gì đến chuyện can thiệp vào cuộc bầu cử của chúng ta! Còn chuyện máy chủ của DNC (bê bối thư điện tử của Ủy ban Quốc gia đảng Dân chủ bị rò rỉ) sao không được nhắc đến, và tại sao James Comey (cựu Giám đốc FBI bị ông Trump cách chức) mờ ám và các đặc vụ FBI đáng hổ thẹn không xem xét chặt chẽ vụ việc này? Tại sao vụ việc Hillary/Nga không được xem xét? Có quá nhiều câu hỏi, quá nhiều sự tham nhũng!".

Tổng thống Mỹ cũng khẳng định, không hề có sự thông đồng nào giữa đội ngũ tranh cử của ông và Nga. Ông cáo buộc: "Cuộc săn phù thủy, cầm đầu là 13 kẻ giận dữ phe Dân chủ và những người khác hoàn toàn có xung đột (lợi ích), là gian lận!".

Cũng trong ngày 28/6, Điện Kremlin đã chính thức công bố thời gian và địa điểm diễn ra cuộc gặp thượng đỉnh Nga- Mỹ giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Mỹ Donald Trump. Theo thông báo chính thức, sự kiện sẽ diễn ra ngày 16/7 tới tại thủ đô Helsinki của Phần Lan. Nhà Trắng cũng đã xác nhận thông tin này.

Trước đó, Tổng thống Trump đã để ngỏ khả năng cuộc gặp giữa ông và nhà lãnh đạo Nga có thể diễn ra tại Helsinki (Phần Lan) sau hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) diễn ra từ ngày 11-12/7 ở Brussels (Bỉ).

Theo ông chủ Nhà Trắng, nội dung thảo luận giữa hai bên xoay quanh cuộc chiến ở Syria, cũng như cuộc xung đột tại miền Đông Ukraine.

Việc Nga và Mỹ tiến hành cuộc gặp thượng đỉnh là kết quả sau chuyến thăm Moscow của Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ John Bolton diễn ra trước đó.

Lần gần đây nhất hai nhà lãnh đạo này gặp nhau là hồi tháng 11/2017 tại Việt Nam bên lề Hội nghị Cấp cao Diễn dàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC). Quan hệ Nga -Mỹ ở mức thấp nhất chưa từng thấy kể từ Chiến tranh Lạnh sau khi Moskva quyết định sáp nhập trở lại Bán đảo Crimea, cũng như bất đồng liên quan đến tình hình miền Đông Ukraine và cuộc xung đột tại Syria.

Một "món quà" bất ngờ khác được Nga đưa ra thể hiện thiện chí là tuyên bố tiếp tục rút quân khỏi Syria. Theo Tổng thống Putin ngày 28/6, trong những ngày qua, Nga đã rút 13 máy bay chiến đấu, 14 trực thăng và 1.140 quân nhân từ Syria về nước.

Phát biểu tại một buổi lễ ở Điện Kremlin, ông Putin nói: "Như các bạn đã biết, chúng ta đã bắt đầu rút các lực lượng của Nga trong chuyến thăm của tôi tới căn cứ Hmeimim. Hoạt động này vẫn đang tiếp tục. Trong những ngày qua, 13 máy bay chiến đấu, 14 trực thăng và 1.140 quân nhân đã được rút về".

Cùng ngày, Mỹ cũng có "quà" đáp lễ khi Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tuyên bố Tổng thống Donald Trump cho rằng việc Nga quay lại Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) là điều "tất yếu phải xảy ra" và "thỏa hiệp" đó có thể cho phép Moscow tái gia nhập G7 trong khi vẫn đảm bảo chủ quyền đối với Bán đảo Crimea.

Theo ông Pompeo, Tổng thống Trump thực sự tin tưởng rằng sự tham gia của Nga trong các cuộc thảo luận địa chiến lược quan trọng là điều "tất yếu". Ông cho hay có thể hình dung ra một loạt thỏa hiệp với Nga mà Mỹ và các nước khác đều có thể chấp nhận được, cũng như việc Moscow quay lại G7.

Tuy nhiên, người đứng đầu Bộ Ngoại giao Mỹ vẫn khẳng định quan điểm của Washington phản đối việc Bán đảo Crimea sáp nhập trở lại Nga, động thái dẫn đến việc Moscow bị đình chỉ tư cách thành viên G7.

Người Mỹ sợ đối mặt Putin

Bình luận về cuộc gặp thượng đỉnh Nga-Mỹ sắp tới, giới phân tích Mỹ cảnh báo Tổng thống Trump sẽ phải đối mặt với "một cựu điệp viên KGB", là người có những suy nghĩ chiến lược và lên các kế hoạch kỹ tới từng chi tiết, trái ngược hẳn với cá tính bốc đồng và chỉ tập trung vào những gì trong ngắn hạn của ông.

Xuất phát từ đánh giá này, giới phân tích Mỹ lo ngại rằng Tổng thống Trump có thể sẽ nhượng bộ và "cho không biếu không" người đồng cấp Putin.

Theo báo chí Mỹ, về nguyên tắc, việc hai nhà lãnh đạo Nga và Mỹ gặp gỡ là điều không có gì phải băn khoăn, bởi các cuộc gặp như vậy đã diễn ra trong suốt nhiều thập kỷ qua. Có rất nhiều vấn đề quan trọng có thể sẽ được đưa vào nội dung đàm phán, từ vấn đề Ukraine, Syria, kiểm soát vũ khí, cho tới Triều Tiên...

Tuy nhiên, người Mỹ bày tỏ lo lắng khi Tổng thống Trump ngày càng bày tỏ thái độ "thân thiện" với Nga. Ví dụ như tại Hội nghị thượng đỉnh G7 ở Canada, ông Trump nhấn mạnh rằng Nga cần phải được mời trở lại G8.Gần đây, Tổng thống Trump cũng nói với báo giới rằng việc Ukraine để mất Crimea là lỗi của Tổng thống Barack Obama.

Cũng theo báo chí Mỹ, Tổng thống Trump còn tự tin vào khả năng đàm phán của mình tới mức tuyên bố trong cuộc trả lời phỏng vấn của Fox News gần đây rằng "nếu Vladimir Putin ngồi cạnh tôi, tôi sẽ hỏi 'Liệu Ngài có thể giúp tôi một việc là rời khỏi Syria hay không? Liệu ngài có thể vì tôi mà rút quân khỏi Ukraine hay chăng".

Giới phân tích Mỹ cho rằng điều cần quan tâm hiện nay là mục tiêu của nhà lãnh đạo Nga khi đồng ý tham dự cuộc gặp cấp cao với Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Nhà phân tích người Nga Vladimir Frolov cho rằng: "Mong muốn thực tế của Tổng thống Putin là tỏ ra thân thiện, đưa ra những tuyên bố tốt đẹp về tầm quan trọng của mối quan hệ đối với hòa bình thế giới và thỏa thuận nhằm khôi phục đối thoại".

Theo Frolov, bản thân việc ông Trump lên nắm quyền đã là một lợi ích cho Nga, và một bằng chứng là từ lâu ông Trump vẫn xem vấn đề Crimea là vấn đề đã cũ và là sai lầm của người tiền nhiệm Obama. Nhà phân tích này nhấn mạnh đây chính là điều Tổng thống Putin muốn nghe.

Còn ông Fyodor Lukyanov, Tổng biên tập tờ Russia in Global Affairs, cho rằng Tổng thống Putin muốn qua cuộc gặp này "hiểu các ý định và cách suy nghĩ của Tổng thống Trump, nhất là khi đó là một nhà lãnh đạo phi truyền thống".

Nhiều nhà phân tích Nga có chung nhận định rằng khó có một thỏa thuận mang tính đột phá trong cuộc gặp thượng đỉnh Nga-Mỹ, nhất là về vấn đề Ukraine và Syria.

Ông Frolov nhận định: "Tổng thống Putin có thể nhượng bộ một số yêu cầu của Israel như đưa các lực lượng ủy nhiệm của Iran cách xa biên giới với Israel", song Tổng thống Trump có thể sẽ bị đánh lừa và đưa ra những nhượng bộ thiếu sáng suốt như vội vã rút quân Mỹ, hành động bị xem là "phản bội" người Kurd và càng có lợi cho Iran.

Về vấn đề kiểm soát vũ khí, giới chuyên gia nhận định hai bên cần thảo luận các nội dung xung quanh chủ đề hạt nhân, song nguy cơ là Tổng thống Trump và các phụ tá chưa chuẩn bị đủ cho đề tài này.

Ông Lukyanov nói: "Tổng thống Trump hoàn toàn không hiểu rõ vấn đề chiến lược này và không hề nghe lời khuyên của bất kỳ ai. Trong khi đó, Nga rõ ràng là chuyên gia về vấn đề đó".

Tổng thống Putin được dự đoán sẽ là người đạt được nhiều mục tiêu nhất sau cuộc gặp với việc đặt Nga vào vị thế siêu cường, ngồi ngang hàng đàm phán với Mỹ. Những thành quả này càng lớn hơn nếu Tổng thống Trump tranh cãi với các đồng minh NATO trước cuộc gặp Tổng thống Putin.

Trong khi đó, Viện nghiên cứu chính sách Eurasia Group bình luận: "Cuộc gặp Trump-Putin có thể sẽ tạm thời xoa dịu căng thẳng Mỹ-Nga, song Mỹ nhiều khả năng vẫn sẽ ra các đòn trừng phạt mới".