Vladimir Putin
Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên thệ nhận chức tổng thống ngày 7/5/2012
Không vòng vo chút nào, bộ phim tài liệu Nga Trật tự Thế giới là lời phê phán nặng nề đối với những gì Hoa Kỳ đã làm với tư cách bá chủ toàn cầu trong việc thúc đẩy dân chủ và nhân quyền kể từ khi Liên Xô sụp đổ vào năm 1992.

Nó trùng khớp với sự phủ nhận trật tự thế giới đơn cực của Hoa Kỳ mà Tổng thống Nga Vladimir Putin lần đầu tiên đưa ra trong bài phát biểu của ông tại Hội nghị An ninh Munich vào tháng 2/2008, và những bài phát biểu sau đó mà ông liên tiếp phơi bày ngày càng rõ hơn những biểu hiện cụ thể của "chủ nghĩa ngoại lệ Hoa Kỳ".

Thông qua những thước phim rất ấn tượng và những đoạn phỏng vấn các nhà lãnh đạo độc lập trên thế giới, Trật tự Thế giới minh họa hậu quả bi thảm cùng sự hỗn loạn và đau khổ lan tràn do các cuộc thay đổi chế độ và cách mạng màu mà Hoa Kỳ hậu thuẫn gây ra, trong đó vụ lật đổ bạo lực chế độ Yanukovich tại Ukraine vào tháng 2/2014 chỉ là ví dụ gần đây nhất.


Nhan đề bộ phim dựa theo bài phát biểu của Putin trước Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc vào tháng 9/2015 nhân dịp kỷ niệm 70 năm ngày thành lập tổ chức này, trong đó thông điệp trung tâm là trật tự thế giới phải dựa vào luật pháp quốc tế, thứ đến lượt nó có nền tảng trong Hiến chương Liên Hiệp Quốc.

Bằng việc coi thường Hiến chương và tiến hành chiến tranh mà không có sự phê chuẩn của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, bắt đầu với cuộc tấn công của NATO vào Serbia năm 1999 và tiếp tục với cuộc xâm lược Iraq vào năm 2003 cho tới chiến dịch ném bom bất hợp pháp tại Syria hiện nay, Hoa Kỳ và các đồng minh NATO đã làm lung lay nền tảng của luật pháp quốc tế.

Như được trình bày trong Trật tự Thế giới, Putin xác định nguyên nhân gốc rễ tại sao trong suốt thời gian này, cả thế giới không thể làm Hoa Kỳ tỉnh lại. Nguyên nhân đó không nằm ở một số cá nhân cụ thể, như Barack Obama hay George W. Bush, mà nằm ở cách suy nghĩ của giới lãnh đạo phương Tây, đặc biệt là Hoa Kỳ. Nó hình thành do từ trước đến nay họ luôn luôn có thể phủi tay bước đi khỏi những thảm họa do chính sách của họ gây ra mà không có bất cứ cảm giác trách nhiệm nào, và cũng không ai buộc họ phải chịu trách nhiệm. Sự trốn tránh trách nhiệm và không học hỏi được từ lỗi lầm này đến từ vị thế là quốc gia giàu có và hùng mạnh nhất trên Trái Đất.


Nhận xét: Chính xác hơn, nó là chứng thái nhân cách trong giới lãnh đạo phương Tây đã tạo ra cách suy nghĩ của họ. Quyền lực không làm hư hỏng con người, quyền lực chỉ thu hút những kẻ hư hỏng.


Trật tự Thế giới đưa ra những bằng chứng khủng khiếp về sự tàn bạo của chính sách Hoa Kỳ, khi mà những quốc gia bình thường, mặc dù không hoàn thiện, bị biến thành những quốc gia tan nát thông qua cách mạng màu, như đã xảy ra trên khắp Trung Đông và Bắc Phi kể từ đầu thiên niên kỷ này. Chúng ta được thấy khoảnh khắc cuối cùng của Saddam Hussein trước khi bị xử tử, rồi đến việc lên án hành vi giết người này bởi Muammar Gaddafi trước các đại biểu cười cợt của Liên đoàn Ả Rập, rồi đến chính Gaddafi bị hành hình một cách man rợ bởi đám đông, tiếp theo là khuôn mặt hân hoan của Hillary Clinton trước chiến thắng này của chính sách đối ngoại Hoa Kỳ.

Chúng ta cũng được nghe lời tiên tri của Gaddafi về cơn lũ người tị nạn và sự lan truyền của đám chiến binh thánh chiến tại Bắc Phi nếu chế độ của ông bị lật đổ. Và rồi chúng ta được thấy những thước phim về dòng người tị nạn năm 2015 đổ vào châu Âu với những cảnh bạo loạn tại biên giới chứng tỏ sự đúng đắn của lời cảnh báo trên.

Góc nhìn đa dạng

Những người ngoại quốc được phỏng vấn trong Trật tự Thế giới bao gồm một nhóm đa dạng và đầy ấn tượng các lãnh đạo trong nhiều lĩnh vực khác nhau, bao gồm đạo diễn phim người Mỹ Oliver Stone, cựu giám đốc Hội đồng An ninh Quốc gia phụ trách về Nga dưới thời George W. Bush và hiện giờ là giám đốc điều hành công ty Kissinger Associates Thomas Graham, cựu giám đốc IMF Dominique Strauss-Kahn, cựu tổng thống Pakistan Perwez Musharraf, cựu bộ trưởng ngoại giao và thủ tướng Pháp từ 2005 - 2007 Dominique Villepin, cựu tổng thống Israel Shimon Perez, người sáng lập Wikileaks Julian Assange, phó chủ tịch đảng Die Linke trong Quốc hội Đức Sahra Wagenknecht. Đây là những người đưa ra những tuyên bố đáng kể. Những người khác như Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki Moon xuất hiện trước ống kính.

Strauss-Kahn, Perwez Musharraf và những người khác cáo buộc rằng Hoa Kỳ bí mật chống lại và hủy diệt những nhà lãnh đạo quốc tế dám phản đối sự kiểm soát toàn diện của Hoa Kỳ đối với dòng chảy vốn, hàng hóa và nhân lực trên thế giới. Wagenknecht nói về sự phục tùng của Đức đối với các yêu cầu của Hoa Kỳ, và về chủ quyền bị hạn chế trên thực tế của họ. Những lời tuyên bố này hỗ trợ lập luận từ trước tới nay của Putin, được nhắc lại trong bộ phim, rằng các đồng minh Tây Âu của Hoa Kỳ chẳng qua chỉ là những nước chư hầu.

Chúng ta không thể bỏ qua nhận xét vào cuối phim của Putin về vị trí của vũ khí hạt nhân trong học thuyết quân sự Nga. Nói ra lời rằng Nga chưa từng và sẽ không vung chiếc dùi cui hạt nhân của họ, trên thực tế đang làm đúng như vậy. Nó cũng ăn khớp với cách mà lực lượng không quân vũ trụ của Nga tiến hành các cuộc tấn công của họ tại Syria lên Nhà nước Hồi giáo và lên nhóm vũ trang đối lập với Tổng thống Syria Bashar al-Assad trong hai tháng qua.

Việc sử dụng máy bay ném bom hạng nặng từ bán đảo Kola bay 15.000 km và được tiếp nhiên liệu trên không trong đêm tối; việc sử dụng tên lửa hành trình phóng từ tàu khu trục tại Biển Caspian ở khoảng cách 1300 km; việc sử dụng tên lửa hành trình phóng từ tàu ngầm tại Địa Trung Hải, tất cả đều mang khía cạnh chính trị vượt xa sự cần thiết về mặt quân sự tại chiến trường Syria: Nó chứng minh khả năng tiến hành chiến tranh toàn cầu, bao gồm cả chiến tranh hạt nhân toàn cầu của Nga. Những hành động này cũng được mô tả trong bộ phim.

Trật tự Thế giới có phải là một sản phẩm tuyên truyền không? Chắc chắn nó là như vậy. Có phải nó được nhắm chủ yếu vào khán giả trong nước của Nga, như tờ Telegraph khẳng định? Không. Giống như tất cả các bài phát biểu về chính sách đối ngoại của Putin, cho dù phát biểu ở nước ngoài hay trong nước, như tại Câu lạc bộ Thảo luận Valdai, cho dù được đưa ra với phụ đề tiếng Anh hay không, khán giả chính của nó ngồi tại Washington, D.C. và nhóm khán giả phụ hơn ngồi tại Brussels.

Mục đích của nó dường như không phải để bắt đầu hay thúc đẩy một cuộc chạy đua vũ trang mà, ngược lại, để làm thức tỉnh phe bên kia và thuyết phục họ rằng 1) Nước Nga rất nghiêm túc về việc bảo vệ bằng quân sự những gì nó coi là lợi ích quốc gia tối hậu; và 2) khả năng mang đến sự hủy diệt khủng khiếp cho kẻ thù ngay cả trong trường hợp bị tấn công trước bằng vũ khí hạt nhân, thông qua đó khôi phục lại khái niệm răn đe Đảm Bảo Cùng Hủy Diệt mà hệ thống phòng thủ tên lửa toàn cầu của Hoa Kỳ hy vọng phá bỏ.

Xung đột nguy hiểm

Trong Trật tự Thế giới, Vladimir Putin liệt kê nhiều lĩnh vực quan tâm chung mà Nga sẵn sàng hợp tác với phương Tây. Chính những lĩnh vực hợp tác tiềm năng này cũng xuất hiện nhiều lần trong các bài phát biểu và bài viết của số ít những "chiến sĩ vì hòa bình", những người đang cố kéo cộng đồng thế giới rời khỏi miệng vực xung đột đến một sự hòa hợp nào đó.

Tuy nhiên, chỉ nhặt miếng nho khô đó ra khỏi cái bánh là đã hiểu sai một cách nghiêm trọng thông điệp chủ đạo rất rõ ràng từ nước Nga: rằng sự hủy diệt trật tự thế giới do việc "thúc đẩy dân chủ" và lan truyền "các giá trị phổ quát" mà Hoa Kỳ đang tiến hành sẽ không được chấp nhận, và rằng nước Nga đã vạch ra những giới hạn đỏ nhất định, như là chống lại việc mở rộng NATO đến Ukraine hay Georgia, và họ sẽ chiến đấu đến chết với tất cả lực lượng trong tay để duy trì những giới hạn đỏ ấy. Chúng ta tự chuốc lấy sự nguy hại vào thân khi bỏ qua thông điệp đó.

Chúng ta đang đi vào mùa bầu cử tổng thống Hoa Kỳ và một số lượng khổng lồ các cố vấn chính sách đối ngoại và quân sự đang xuất hiện để đưa ra đề xuất về quan hệ với nước Nga và các cường quốc khác, với hy vọng đảm bảo được một vị trí làm cố vấn cho các ứng cử viên và giành được ghế tốt trong chính phủ sắp tới. Trong điều kiện đó, chúng ta nên xem xét lại bài học của mùa hè và mùa thu năm 2008, khi mà chính sách "khởi động lại" được hình thành để rồi được công bố và bắt đầu vào tháng 4/2009.

Sáng kiến đó được hình thành lần trước khi Hoa Kỳ và Nga đang ở trong một quá trình đối đầu có thể dẫn tới xung đột vũ trang. Bối cảnh là cuộc chiến tranh Nga - Georgia và việc triển khai lực lượng hải quân Hoa Kỳ ngoài khơi Abkhazia, sẵn sàng tấn công các lực lượng mặt đất gần đó của Nga.

Mối đe dọa chiến tranh và chiến dịch vận động đang diễn ra cho cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 11 tạo ra một tình huống không khác nhiều so với hiện nay khi mà không quân của Hoa Kỳ và đồng minh đang cạnh tranh trên bầu trời Syria với một lực lượng đáng kể của Nga, bao gồm cả máy bay chiến đấu, máy bay ném bom và hệ thống phòng không tiên tiến nhất trong kho vũ khí của Nga.

Tôi đã trình bày nguồn gốc chính sách khởi động lại trong một chương 15 trang với tựa đề "Obama thay đổi quan hệ Nga - Mỹ" trong cuốn sách năm 2013 "Bước ra khỏi hàng" (Stepping Out Of Line) của tôi mà bạn đọc nên xem để biết đầy đủ chi tiết. Ở đây tôi sẽ chỉ giới hạn trong một số sự kiện và kết luận chính có liên quan đến tình hình hiện tại của chúng ta.

Đầu tiên trong số những sự kiện quan trọng này là lời kêu gọi giới tinh hoa chính trị và khoa học để tạo ra một thay đổi trong chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ nhằm đưa chúng ta rời khỏi bờ vực thẳm chiến tranh. Nhiều tên tuổi có liên quan khi đó một lần nữa lại được các chiến sĩ chiến đấu cho hòa bình kêu gọi gia nhập hàng ngũ của họ.

Vấn đề là ở chỗ những người đã tạo ra cách suy nghĩ thông thường về vai trò của Hoa Kỳ trên thế giới khó có thể đi xa hơn trong việc thay đổi hoàn toàn cách suy nghĩ đó, khiến sáng kiến này không đi được đến cội nguồn của cuộc tranh chấp với Nga và cuối cùng chỉ tạo ra những giọt nước mắt hối tiếc cho tất cả các bên liên quan.

Sự khởi động lại không hoàn chỉnh

Điểm khởi đầu của sáng kiến "khởi động lại" là việc thành lập Ủy ban Chính sách Hoa Kỳ Đối với Nga vào ngày 1/8/2008 dưới sự bảo trợ của cựu thượng nghị sĩ Chuck Hagel (Cộng hòa) và Gary Hart (Dân chủ). Những đối tác ủng hộ nó bao gồm Trung tâm Nixon ở Washington, một trung tâm cố vấn mà Chủ tịch Danh dự là cựu ngoại trưởng Henry Kissinger, và Trung tâm Khoa học và Vấn đề Quốc tế Belfer, một trung tâm nghiên cứu thuộc trường Quản lý Chính phủ John F. Kennedy, Đại học Harvard.

Thành viên ủy ban bao gồm các cựu đại sứ Hoa Kỳ tại Liên Xô hoặc Nga James Collins, Jack Matlock và Thomas Pickering, cũng như các cựu quan chức của Hội đồng An ninh Quốc gia và Bộ Quốc phòng cùng các lãnh đạo doanh nghiệp hàng đầu, như cựu chủ tịch công ty bảo hiểm lớn nhất thế giới, Maurice Greenberg. Trong số những người làm việc chặt chẽ với ủy ban có cựu ngoại trưởng George Schultz, cựu bộ trưởng bộ quốc phòng William Perry và cựu thượng nghị sĩ Sam Nunn.

Cuối cùng ủy ban phát hành một bản báo cáo 17 trang với tựa đề "Hướng đi đúng đắn cho chính sách của Hoa Kỳ đối với Nga". Nó chứa nhiều điểm sau này được đưa vào các văn kiện mà đoàn đại biểu của Tổng thống Obama ký với phía Nga khi họ gặp gỡ tại London ngày 1/4/2009, bên lề hội nghị thượng đỉnh đầu tiên giữa Obama và Tổng thống Nga Dmitry Medvedev.

Tâm điểm của chính sách "khởi động lại" - như được thiết lập trong các văn kiện chính thức ký tại London - là việc gia hạn Hiệp ước Hạn chế Vũ khí Chiến lược năm 1994 (START) mà lẽ ra hết hạn vào tháng 12/2009. Nó cũng kêu gọi thiết lập "giao lưu giữa hai chính phủ một cách thường xuyên và có tổ chức hơn", và tăng cường hợp tác xã hội giữa hai bên: trao đổi văn hóa, trao đổi sinh viên, hợp tác khoa học và hợp tác giữa các tổ chức phi chính phủ.

Gia hạn hiệp định START được xác định là một ưu tiên trong chính sách đối ngoại của chính quyền Obama, mà mục tiêu chung là ngừng và đảo ngược việc triển khai vũ khí hạt nhân và thực thi không phổ biến vũ khí hạt nhân. Cuối cùng, mục tiêu đó đã đạt được. Nhưng điều đó không ngăn chặn được sự bùng nổ của một cuộc chạy đua vũ trang mới và nguy cơ chiến tranh hạt nhân còn lớn hơn giữa các cường quốc như chúng ta thấy hiện nay.

Một lý do chính cho sự thất bại này là sự rụt rè của những người kêu gọi một chính sách mới đối với Nga. Bản báo cáo của Ủy ban giả định rằng Hoa Kỳ vẫn sẽ là bá chủ trong các vấn đề trên thế giới. Nó ủng hộ chính sách tiếp tục mở rộng thành viên NATO, bao gồm cả Ukraine và Georgia, và nhượng bộ duy nhất chỉ là kéo dài thời gian biểu. Nó kêu gọi tiếp tục triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa toàn cầu.

Trong khi các tác giả bản báo cáo kêu gọi chấm dứt hạn chế thương mại của Hoa Kỳ đối với Nga và việc nước này gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới, họ vẫn tán thành quan niệm thông thường về sự nguy hiểm trong việc Nga là nhà cung cấp năng lượng thống lĩnh cho châu Âu, và tán thành xây dựng đường ống khí đốt tới châu Âu vòng tránh lãnh thổ Nga, thông qua đó hạn chế vai trò của Nga.

Một cấu trúc an ninh mới

Mối quan tâm chính của Nga về việc thiết lập một cấu trúc an ninh mới tại châu Âu để họ không bị bỏ ngoài rìa nhận được phản ứng tích cực nhưng mơ hồ từ Ủy ban. Họ nói đề xuất về vấn đề này đưa ra bởi Tổng thống Medvedev vào tháng 4/2008 cần được xem xét một cách chính thức, nhưng không có bất cứ kiến nghị cụ thể nào.

Về chuyện "thúc đẩy dân chủ" ở Nga, thành viên Ủy ban kêu gọi giảm bớt những lời chỉ trích nhắm vào Nga trong vấn đề này. Họ cũng kêu gọi phía Mỹ tỏ ra lịch sự hơn trong các giao dịch với Nga.

Cuối cùng, ngoài hiệp ước cắt giảm vũ khí chiến lược, sáng kiến khởi động lại của Obama không đạt được gì hết.

Cần nhấn mạnh là tình hình ngày nay còn nguy hiểm hơn so với năm 2008. Trong bối cảnh cuộc chiến thông tin chói tai giữa Nga và phương Tây, sự phỉ báng các nhà lãnh đạo Nga và cả đất nước này nói chung từ người cư ngụ Nhà Trắng và các thành viên hàng đầu của Quốc hội đã lên đến mức vượt trội cả những ngày tồi tệ nhất của cuộc chiến tranh lạnh.

Trong khi đó, khả năng quân sự chiến lược của Nga cả trong vũ khí hạt nhân lẫn vũ khí thông thường đã phát triển đến mức không thể tin được so với năm 2008, khi mà các quan sát viên quân sự phương Tây hài lòng cho rằng quân đội Nga dường như không cải thiện mấy so với thời chiến tranh Afghanistan, cuộc chiến đã làm sụp đổ Liên Xô. Ngày nay, nếu chúng ta muốn thoát khỏi cái vòng luẩn quẩn của những sáng kiến "khởi động lại" - từ thất vọng cay đắng về rạn nứt trong quan hệ giữa hai nước cho đến nguy cơ chiến tranh hạt nhân gia tăng - chúng ta phải tự vận động và giải quyết những vấn đề gốc rễ trong quan hệ quốc tế mà giới lãnh đạo Nga chỉ ra, gần đây nhất là trong bộ phim Trật tự Thế giới.

Sự lắng dịu, tức là giảm bớt căng thẳng và cải thiện bầu không khí, chỉ là bước khởi đầu chứ không phải tất cả.

Cũng nên nói thêm rằng đạo diễn và đồng tác giả của bộ phim này là một trong những diễn giả thông minh và vô tư nhất trên truyền hình Nga, Vladimir Soloviev, người hiện nay được biết đến nhiều nhất trong những buổi tranh luận vào giờ cao điểm buổi tối về những đề tài nóng bỏng trong nước và quốc tế, trong đó phe "bên kia", cho dù là người Ukraine hay Mỹ hay phe đối lập Nga trong Duma, luôn được hiện diện trong không khí thảo luận cởi mở thẳng thắn đến kinh ngạc trên truyền hình trực tiếp, ngoại trừ những lúc buổi thảo luận biến thành cuộc thi ai hét to hơn.

Soloviev có bằng tiến sĩ kinh tế từ Viện Kinh tế Thế giới và Quan hệ Quốc tế của Học viện Khoa học Liên Xô. Ông là một doanh nhân tích cực trong những năm 1990 và sống một thời gian ở Hoa Kỳ, nơi mà hoạt động của ông bao gồm giảng dạy kinh tế tại trường Đại học Alabama. Nếu ông là tác giả một sản phẩm tuyên truyền, chúng ta có thể chắc chắn rằng nó không tầm thường và phục vụ một số giá trị triết học và đạo đức nhất định, chứ không chỉ phục vụ một số cá nhân hay quyền lực nào đó.

Bộ phim tài liệu được phát hành bởi đài truyền hình quốc gia Pervy Kanal vào ngày 20/12.

Dịch bởi Sott.net
Lời phim dịch và phụ đề bởi Dmitri Tran tại tiengnga.net