Putin i Trump
© Mikhail Klimentiev/AFP/Getty Images
Tổng thống Putin đề xuất thành lập Uỷ ban hỗn hợp kinh tế - công nghệ Mỹ - Nga

Trong cuộc gặp Thượng đỉnh Nga-Mỹ ngày 16/7 tại Helsinki, Tổng thống Putin và Tổng thống Trump đã bàn bạc về nhiều vấn đề quan trọng liên quan tới quan hệ giữa hai nước và các vấn đề mang tính toàn cầu.

Từ Hiệp ước Chống tên lửa đạn đạo (ABM), Hiệp ước Cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược mới (START mới), đến tình hình nội chiến tại Syria, Thoả thuận hạt nhân Iran hay vấn đề hạt nhân Triều Tiên... đều được đề cập trong chương trình nghị sự.

Mặc dù vậy, khi kết thúc cuộc gặp Thượng định Nga-Mỹ lần đầu tiên dưới triều đại Trump, dư luận hầu hết cho rằng chưa hề có sự đột phá nào cả từ phía Washington lẫn Moscow cho quan hệ Nga-Mỹ sau sự kiện lịch sử này.

Tuy nhiên, theo giới phân tích, thực tế không hẳn như vậy, mà đã có đột phá từ phía Nga, đó đề xuất của Tổng thống Putin về việc tái thành lập Uỷ ban hỗn hợp kinh tế- công nghệ Mỹ-Nga.

Ý tưởng của nhà lãnh đạo Nga ngay lập tức được giới doanh nghiệp Mỹ rất quan tâm. Ông Alexis Rodzianko, Đại diện Phòng Thương mại Mỹ (AmCham) ở Nga, cho biết AmCham rất hoan nghênh đề xuất của ông Putin và xem đây là sự đột phá.

"Đó là đề nghị rất tuyệt, nhằm tái lập định dạng như Hội đồng Tổng thống hay Ủy ban Gore-Chernomyrdin - một định chế hỗn hợp giữa chuyên gia và quan chức hai chính phủ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp hoạt động và khuyến khích đầu tư".

Giám đốc điều hành của AmCham tại Nga hào hứng: "Tôi thực sự khá tò mò và chờ đợi phản ứng của Mỹ đối với những gì tôi hiểu là đề nghị của Tổng thống Putin nhằm tái lập các định dạng đó".

"Tôi chịu trách nhiệm đại diện cho hệ thống doanh nghiệp Mỹ ở Nga, xin chào đón ý tưởng này. Tôi mong hai chính phủ sớm tái lập các định dạng đó. Tôi tin các doanh nghiệp sẽ rất hài lòng khi tham gia vào cơ chế đó", ông Rodzianko khẳng định.

Theo đại diện của AmCham tại Nga: "Thật không may, quan hệ kinh tế Mỹ-Nga bị hạn chế bởi các lệnh trừng phạt, nhưng quan hệ kinh tế giữa các doanh nghiệp hai nước vẫn diễn ra trong suốt thời kỳ khó khăn của quan hệ Moscow-Washington".

Và "theo quan điểm của tôi, lợi ích trong quan hệ kinh tế luôn là ưu tiên hàng đầu trong các mối quan hệ quốc tế, vì vậy các vấn đề chính trị có thể phải xoay chuyển cho phù hợp", Giám đốc điều hành AmCham tại Nga luận giải.

Cũng xin nhắc lại Ủy ban hỗn hợp kinh tế - công nghệ Mỹ-Nga là một định chế hỗn hợp, được thiết lập nhằm thúc đẩy sự phát triển và hợp tác giữa Mỹ và Nga trong các lĩnh vực có trọng điểm.

Ủy ban này được thành lập dựa trên sự thống nhất giữa Tổng thống Mỹ Bill Clinton và Tổng thống Nga Boris Yeltsin tại Hội nghị Thượng đỉnh Nga-Mỹ ở Vancouver, Canada vào tháng 4/1993.

Ông Al Gore, khi đó là Phó Tổng thống Mỹ và ông Victor Chernomyrdin, khi đó là Thủ tướng Nga, được bổ nhiệm làm đồng Chủ tịch Ủy ban, nên ủy ban này lấy tên từ hai cá nhân đó - Ủy ban Gore-Chernomyrdin.

Theo lịch sử ghi nhận, Ủy ban Gore-Chernomyrdin được cho là đã giúp cho quan hệ hợp tác Nga-Mỹ phát triển nhanh chóng và thực chất hơn, cho đến khi Tổng thống Putin lên nắm quyền thì định dạng này chấm dứt sự tồn tại.

Nguyên nhân khiến Tổng thống Putin giải thể định dạng Gore-Chernomyrdin là do lợi dụng cơ chế này, nhiều cá nhân tại Nga đã biến mình thành siêu quyền lực, cấu kết với người Mỹ làm hại nước Nga, trong đó đặc biệt là chương trình tư nhân hóa.

Định dạng Gore-Chernomyrdin phù hợp và cần thiết cho quan hệ Nga - Mỹ thời cấm vận?

Tại sao đã giải thể và một thời gian dài không tái lập định dạng Gore-Chernomyrdin vì đây là cơ chế bị nhiều thể nhân, cá nhân có thể lợi dụng để làm hại nước Nga, nay Tổng thống Putin lại đề xuất tái thành lập định chế này?

Có thể thấy rằng, nhiều thực thể có thể lợi dụng Uỷ ban Gore-Chernomyrdin để làm hại nước Nga, là do dưới chính quyền Yeltsin, nước Nga là nơi tội phạm có tổ chức được chính quyền dung túng. Chính Tổng thống Putin đã phải giải quyết hậu quả đó.

Còn việc chính quyền Putin không tái lập định dạng Gore-Chernomyrdin thì có nhiều lý do, mà quan trọng nhất là sức mạnh Nga được Tổng thống Putin tái sinh đã khiến quan hệ Nga-Mỹ giảm tầm, Nga bị xem thực thể đối nghịch, việc hợp tác khó khăn.

Nay quan hệ Nga-Mỹ còn được cho đang nằm ở mức thấp nhất kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, đặc biệt là Nga đang bị Mỹ cấm vận, vậy thì làm sao có đủ điều kiện cho việc tái lập định dạng Gore-Chernomyrdin?

Theo giới phân tích, việc trừng phạt-cấm vận Nga chủ yếu là do giới chính trị truyền thống Mỹ, chứ đó không phải là mong muốn của người dân và doanh nghiệp Mỹ, và đó cũng không hẳn là quan điểm của Tổng thống Trump.

Việc tái lập định dạng Gore-Chernomyrdin như một cách giúp phá "lồng nhốt quyền lực Trump" và qua đó giúp "biến rào cản trừng phạt Nga thành cây cầu lợi ích Mỹ-Nga", mang lại lợi ích cho người dân và doanh nghiệp hai nước.

Vậy với việc luật hoá trừng phạt Nga của Mỹ, liệu đề xuất của Tổng thống Putin có thực tế? Có thể nhận diện đề xuất của người đứng đầu điện Kremlin dù mang tính đột phá nhưng hoàn toàn có khả năng thực hiện.

Trước khi phân tích khả năng hiện thực hoá đề xuất của Tổng thống Putin, xin nêu lại các Hiệp định và Tuyên bố đã ký tại Hội nghị thường niên lần thứ 6, của Uỷ ban Gore-Chernomyrdin, diễn ra từ ngày 29/1đến 30/1/1996 ở Washington.

Thuộc trách nhiệm trực tiếp của chính phủ:

(1) Tuyên bố chung về Sáng kiến ​​môi trường đặc biệt của Hoa Kỳ-Nga. (2) Hiệp định về thương mại quốc tế trong các dịch vụ phóng không gian thương mại. (3) Hoạt động Nga-Mỹ theo chương trình tàu con thoi-MIR năm 1996.

Thuộc trách nhiệm của Bộ trưởng và tương đương:

(4) Tuyên bố về hợp tác trong việc giải quyết các tội ác chống lại kinh doanh. (5) Tuyên bố về hợp tác trong phát triển kinh doanh nhỏ. (6) Bộ đếm tỷ lệ tương đương mô (trên các phép đo bức xạ trên sứ mệnh Mars của Nga).

(7) Tuyên bố về bảo vệ, kiểm soát và kế toán tài liệu. (8) Bản ghi nhớ giữa các thành phần của Nga và US OPIC (Tổng công ty Đầu tư tư nhân nước ngoài) về chương trình chuyển đổi quốc phòng.

(9) Thỏa thuận khung của Eximbank-Roslesprom về tài chính cho ngành lâm nghiệp.

(10) Biên bản ghi nhớ về hợp tác kỹ thuật và trao đổi thông tin về an toàn thực phẩm. (11) Tuyên bố về phụ lục thủ tục sửa đổi về dược phẩm.

(12) Tuyên bố về thiết bị y tế. (13) Tuyên bố về an toàn hạt nhân (các trung tâm an toàn hạt nhân chung). (14) Tuyên bố hợp tác tế bào nhiên liệu. (15) Tuyên bố chung về nguyên tắc hướng dẫn kiểm soát, trách nhiệm giải trình và bảo vệ vật liệu hạt nhân.

(16) Một giao thức tài chính cho các dự án chuyển đổi quốc phòng (17) Tuyên bố chung về hợp tác địa chấn. (18) Báo cáo chung của Ủy ban Nông nghiệp. (19) Báo cáo của ba nhóm làm việc nông nghiệp.

(20) Báo cáo của ủy ban y tế. (21) Tuyên bố chung về giáo dục sức khỏe trường học. (22) Biên bản ghi nhớ về đối thoại thuế thương mại Mỹ-Nga. (23) Thư chuyển cho cơ sở lưu trữ về an ninh vật liệu hạt nhân.

(24) Tuyên bố chung về hợp tác trên quang phổ kế từ trường Alpha trong không gian. (25) Tuyên bố về nền tảng nghiên cứu và phát triển dân sự. (26) Tuyên bố chung về an ninh môi trường ở Bắc Cực.

(27) Tuyên bố chung về hợp tác về biến đổi khí hậu. (28) Tuyên bố chung về chuyến bay không gian con người. (29) Tuyên bố chung về hợp tác hàng không- không gian. (30) Tuyên bố chung về phòng ngừa-kiểm soát bệnh truyền nhiễm - bạch hầu.

Có thể thấy, điều đáng lưu ý nhất trong các Hiệp định và Tuyên bố của Ủỷ ban Gore - Chernomyrdin là chia nhỏ các lĩnh vực trong quan hệ hợp tác Mỹ-Nga và đây là điều có thể giúp phá rào Luật trừng phạt Nga, nếu định chế này được tái lập.

Bởi dù cấm vận, nhưng năm 2017 các doanh nghiệp Nga đã xuất khẩu 12,5 tỷ USD hàng hoá vào thị trường Mỹ, theo số liệu chính thức của hải quan Nga. Trong đó bao gồm máy bay, máy móc, dược phẩm và các sản phẩm hóa học.

Trong khi đó, các công ty niêm yết công khai của Mỹ năm 2017 đã tạo ra hơn 90 tỷ USD doanh thu từ Nga, nhiều nhất là các doanh nghiệp chế biến thực phẩm và đồ uống, công nghệ và dược phẩm, theo Reuters.

Rõ ràng, Mỹ cấm vận-trừng phạt Nga, nhưng hoạt động giao thương và hợp tác đầu tư của hệ thống doanh nghiệp Nga-Mỹ vẫn diễn ra. Như vậy, chỉ cần tìm ra cơ chế khai thác không bị "dính" rào trừng phạt là có thể thúc đẩy sự phát triển.

Có thể nhận diện, luật hoá trừng phạt giống như tấm lưới có mắt lưới lớn, mà để không phải xé lưới thì cần thu nhỏ, chia nhỏ để lọt qua mắt lưới. Và đó chính là mục đích của việc Tổng thống Putin đề xuất tái lập định dạng Gore - Chernomyrdin.