dollar
Nga không còn là một trong 33 chủ nợ lớn nhất của Mỹ, liên tục bán nợ Mỹ trong vài tháng qua với con số rất lớn. Theo thống kê mới nhất của Bộ Tài chính Mỹ, Nga đã ra khỏi danh sách các chủ nợ nước ngoài lớn nhất của Mỹ.

Dòng cuối cùng trong danh sách 33 chủ nợ là Chile với 30 tỷ USD.

Số liệu của Bộ Tài chính Mỹ vào tháng 5 cho thấy, Nga đã giảm ít nhất 1/3 trái phiếu chính phủ mà họ nắm giữ ở Mỹ. Vào tháng 4, Nga đứng thứ 22 trong danh sách quốc gia sở hữu trái phiếu lớn nhất của Mỹ với 48,7 tỷ USD.

Trong khi vào tháng 3, số lượng trái phiếu Mỹ mà Nga nắm giữ ở con số gấp đôi và xếp hạng thứ 16. Tại thời điểm đó, tổng số nợ mà Nga nắm giữ của Mỹ lên tới 96 tỷ USD.

Dẫu có sự thay đổi này, người phát ngôn Bộ Tài chính Mỹ nhấn mạnh thị trường trái phiếu chính phủ Mỹ là có tính thanh khoản lớn nhất trên thế giới và nhu cầu vẫn ở mức mạnh.

Trước đó người đứng đầu Ngân hàng Trung ương Nga Elvira Nabiullina đã trả lời câu hỏi của đại biểu Duma (Quốc hội Nga) về việc bán gần một nửa số nợ quốc gia của Mỹ vào tháng 3 và nhấn mạnh rằng Ngân hàng Trung ương theo đuổi chính sách đa dạng hóa dự trữ quốc tế.

Nga đã xem xét tất cả các rủi ro, bao gồm rủi ro tài chính, kinh tế và địa chính trị khi ra quyết định này.

Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Siluanov hồi tháng 4 cho hay, Nga không bám vào nợ Mỹ và có thể thay thế phương án nếu tìm được khoản đầu tư tương xứng ở chỗ khác.

"Chúng tôi sẵn sàng đầu tư vào chứng khoán phát hành bởi các quốc gia, điều quan trọng là nó phải có rủi ro thấp và mang lại thu nhập" - ông Siluanov nói.

Việc Nga bán tháo nợ Mỹ có thể do họ đang cần tiền mặt để trang trải cho các chi phí và tiếp tục đầu tư vào kinh tế.


Nhận xét: Tỷ lệ nợ công của Nga đứng vào hàng thấp nhất trong số các nước phát triển. Rõ ràng họ không cần bán tháo trái phiếu chính phủ Mỹ để có tiền.


Theo bản tin Bình luận về nhà nước và doanh nghiệp của Trường kinh tế cao cấp Nga, do trang Gazeta.ru tóm lược, nếu không có những cú sốc mới, các biện pháp trừng phạt mới đây của Mỹ sẽ ngưng tác động đến Nga trong vòng 1-2 năm, song chúng vẫn sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến đà tăng trưởng của kinh tế Nga, hạn chế dòng đầu tư nước ngoài, cản trở nước này tiếp cận các thị trường bên ngoài và ảnh hưởng đến sức cạnh tranh của đất nước.

Vì lẽ đó, Nga phải tính toán hỗ trợ tài chính cho các công ty bị trừng phạt, cũng như cho các mục tiêu dài hạn là phát triển hạ tầng và nhân lực.

Chưa kể, nước này cũng đang trong quá trình bổ sung các nguồn lực nhằm tái thiết Syria. Đây là một công tác cần những khoản tài chính khổng lồ mà theo tính toán sơ bộ của LHQ cách đây 2 năm là vào khoảng 2.000 tỷ USD.