serbia nato bombing
Belgrade, Serbia chìm trong biển lửa từ chiến dịch ném bom của NATO tháng 4/1999
Serbia điều tra về ảnh hưởng từ bom đạn của NATO tới sức khoẻ cộng đồng

Balkan Insight ngày 30/7 cho hay, Ủy ban điều tra ảnh hưởng từ uranium nghèo có trong bom đạn mà NATO ném xuống Nam Tư năm 1999 tới sức khoẻ cộng đồng, đã được Quốc hội Srebia thành lập và sẽ bắt đầu hoạt động vào cuối tháng 8/2018.

Trao đổi với báo giới, Chủ tịch Ủy ban Darko Laketic cho biết, cuộc điều tra về cáo buộc NATO sử dụng bom đạn trong cuộc Chiến tranh Nam Tư chứa uranium nghèo gây tổn hại cho sức khỏe cộng đồng trong 19 năm qua sẽ bắt đầu tại thị trấn Vranje.

Khi được hỏi liệu việc điều tra có cần thiết không bởi uranium nghèo được các nước phương Tây khẳng định không gây tác hại cho sức khoẻ con người, ông Laketic đã đặt ngược lại vấn đề :

"Nếu người ta cho rằng uranium nghèo không có hại cho sức khoẻ, vậy thì tại sao họ lại phải tốn quá nhiều tiền cho việc cất giữ nó, tại sao họ không ném ra môi trường?", Balkan Insight tường thuật.

Được biết gần đây truyền thông Serbia đã liên tục đang tải phân tích của các chuyên gia về sự gia tăng bệnh nhân ung thư tại nước này có liên quan tới uranium nghèo có trong bom đạn NATO ném xuống NAM Tư năm 1999.

Tháng 12/2017, một nhóm gồm các luật sư, bác sĩ người Serbia và cả nước ngoài đã chuẩn bị hồ sơ khởi kiện 19 quốc gia thành viên NATO, vì đã cho sử dụng bom đạn có chứa uranium nghèo trong cuộc Chiến tranh Nam Tư.

"Số liệu thống kê hiện tại cho thấy số lượng lớn các bệnh ác tính và dị thường xuất đã hiện nhiều ở vùng hứng chịu bom đạn của NATO, nhất là thế hệ con cái", chuyên gia về độc chất học thuộc Viện Y tế và Bảo vệ X quang, Radomir Kovacevic, cho biết.

Theo các tổ chức phi chính phủ ở châu Âu, việc sử dụng vũ khí có uranium nghèo gây ra ung thư được cho là đã giết chết hàng chục binh lính Italy thực hiện nhiệm vụ ở nước ngoài. Quốc hội Italy cũng từng thực hiện một cuộc điều tra về vụ việc này.

Tuy nhiên, ông Milan Antonijevic, thành viên Ủy ban Nhân quyền của Liên đoàn Luật sư Serbia, cho rằng vụ kiện - nếu được nhóm các luật sư và bác sĩ Serbia và đồng nghiệp nước ngoài thúc đẩy - khó có cơ hội thành công.

Antonijevic lý giải : "Chúng ta không thể nhận thấy cảm giác tội lỗi từ các thủ phạm. Hơn nữa vấn đề có thể bị đảo ngược bằng chiêu trò luật pháp hoá chính trị. Do vậy, chúng ta nên chiến đấu bằng phương tiện chính trị thay vì phương tiện pháp lý".

Nhận định của ông Antonijevic là rất có cơ sở, bởi chính Đại sứ Mỹ tại Serbia Kyle Scott đã khẳng định Tổ chức Y tế Thế giới và Liên Hiệp Quốc đã xác định uranium nghèo không gây ra rủi ro nghiêm trọng cho sức khỏe con người.

Khẳng định ấy càng khiến chính giới, các tổ chức nghề nghiệp và truyền thông Serbia hoài nghi về tác hại của urainum nghèo có trong bom đạn NATO rải xuống Nam Tư và mưu đồ của Mỹ-phương Tây khi can thiệp vào tình hình Nam Tư lúc bấy giờ.

Nghị sĩ Quốc hội Serbia Maja Gojkovic yêu cầu cần có một ủy ban thực hiện nhiệm vụ chứng minh mối liên hệ giữa uranium nghèo có trong bom đạn NATO với việc gia tăng bệnh nhân ung thư tại Serbia.

Luật sư Toma Fila, người từng bảo vệ cố Tổng thống Nam Tư Slobadan Milosevic tại Tòa án The Hague, cũng cho rằng nhà nước nên thành lập một ủy ban để ghi lại tất cả hậu quả từ việc NATO ném bom xuống đất nước này.

"Ủy ban nên đánh giá tất cả những gì mà NATO đã gây ra cho đất nước chúng ta, mô tả chi tiết bằng tài liệu gắn với hình ảnh và lịch sử, trong đó có những bệnh lý gây ra bởi các vụ đánh bom, rồi chờ đợi thời điểm thích hợp sẽ sử dụng", theo ông Fila.

Trước bối cảnh đó, Ủy ban điều tra về ảnh hưởng từ uranium nghèo có trong bom đạn NATO tới sức khoẻ cộng đồng đã được thành lập vào tháng 5/2018. Theo Chủ tịch Ủy ban Laketic, báo cáo sơ bộ sẽ có thể được hoàn tất vào cuối năm 2020.

Người dân Serbia quyết không để NATO quên lãng tội ác

Còn nhớ ngày 2/4/2017, khi đương kim Thủ tướng Aleksandar Vucic chiến thắng vang dội trong cuộc bầu cử Tổng thống Serbia, hãng tin Reuters từng bình luận rằng kết quả này là một sự sỉ nhục với các đảng đối lập - thân phương Tây - tại Serbia.

"Bởi các đảng đối lập luôn cho rằng phương cách lãnh đạo của Vucic ngày càng trở nên độc đoán và mất lòng dân. Vucic đã thay đổi cân bằng địa chính trị của Serbia giữa EU và Nga - nước mà Serbia có chung niềm tin Kitô giáo và văn hoá Slave".

Theo Reuters, mặc dù tăng trưởng kinh tế ổn định và có nền tài chính vững mạnh, nhưng đất nước Serbia vẫn còn nghèo, song những người ủng hộ ông Vucic tin rằng với cương vị mới, nhà chính trị trẻ tuổi này có thể giúp vực dậy đất nước Serbia.

"Tôi bỏ phiếu bầu cho ông Vucic là bầu chọn cho sự ổn định, bởi chúng tôi đã có đủ các cuộc chiến tranh rồi", ông Bozica Ivanovic, một người dân Serbia cho biết quan điểm của mình.

Đáng nói là Thủ tướng Aleksandar Vucic giành chiến thắng vang dội - với số phiếu ủng hộ gấp gần 4 lần đối thủ tiếp theo - chỉ 10 sau khi ông dự lễ tưởng niệm 18 năm NATO không kích Nam Tư, mà ở đó nhà chính trị Serbia đã lên án gay gắt NATO.

nato poster serbia
Áp phích chống NATO tại Serbia. Xét những gì đã xảy ra trong lịch sử, nó không hề thái quá chút nào.
"NATO muốn tiêu diệt dân tộc Serbia, bắt đất nước Serbia phải quỳ gối, rồi không bao giờ có thể hồi sinh. Serbia không bao giờ gia nhập NATO, nhưng NATO sẽ thể tái diễn hành động xâm lược như vậy đối với Serbia", Ông Vucic phẫn nộ.

Dư luận sẽ không bao giờ quên một sự kiện bi thảm trong lịch sử thế giới, thời hậu Chiến tranh Lạnh, đó là ngày 24/3/1999, NATO đã tiến hành chiến dịch không kích Nam Tư cũ với lý do "ngăn chặn thảm họa diệt chủng người Albania tại Kosovo".

Khoảng hơn 1.000 máy bay chiến đấu đã được huy động cho chiến dịch không kích trong 78 ngày đêm của không lực NATO, đã thực hiện 38.000 chuyến cất cánh, với hơn 10.000 trong số đó có nhiệm vụ không kích Nam Tư.

Chiến dịch không kích của NATO đã phá hủy hoàn toàn hạ tầng công nghiệp quân sự của Serbia, phá huỷ hơn 1.500 điểm dân cư, 60 cây cầu, 30% trường học, gần 100 tượng đài trên dất nước Serbia.

Ngoài ra, các cuộc ném bom vào nhà máy lọc dầu và hóa dầu còn làm hệ thống cấp nước của Serbia bị nhiễm độc nghiêm trọng. Điều đáng nói là cuộc không kích của NATO đối với Nam Tư khi đó không được LHQ cho phép.

Trong bài phát biểu của mình, nhà lãnh đạo Serbia đã đau đớn nhắc lại rằng, trong 78 ngày đêm không kích đẫm máu năm 1999, 50.000 quả tên lửa đã được NATO rải xuống 88.000 km2 lãnh thổ Serbia.

Thiệt hại mà Serbia phải hứng chịu ước tính từ 80 - 100 tỷ USD, song cái mất lớn nhất là gần 1.000 binh sĩ và cảnh sát, hơn 2.000 dân thường, trong đó có 79 trẻ em đã thiệt mạng trong các cuộc không kích tàn bạo ấy.

Đây từng được xem là một vết nhơ trong lịch sử gần 70 năm tồn tại của NATO, do vậy khi lựa chọn người đã lên án NATO, làm người đứng đầu nhà nước Serbia, người dân Serbia cho thấy họ vẫn chưa cho NATO cơ hội để gột rửa vết nhơ.

Nay Serbia thành lập Uỷ ban điều tra tác hại từ uranium nghèo có trong bom đạn NATO ảnh hưởng tới sức khoẻ cộng đồng - thực ra là lật lại tội ác của NATO với các dân tộc vùng Balkan - cho thấy người Serbia vẫn quyết không cho NATO lãng quên tội lỗi mình.