trump trade war china us
Chiến trường không tiếng súng

Mỹ có kế hoạch nâng mức thuế suất từ 10% lên đến 25% đối với tổng giá trị 200 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc. Đáng chú ý, Cục An ninh công nghiệp Bộ thương mại Mỹ (BIS) mới đây đã đưa 44 doanh nghiệp của Trung Quốc vào "Danh sách thực thể quản chế xuất khẩu", trong đó có không ít doanh nghiệp trong lĩnh vực khoa học công nghệ cao.

Lý do của phía Mỹ vẫn là vấn đề "an ninh quốc gia và lợi ích ngoại giao" vốn đang được sử dụng trong cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới.

Ngày 1/8, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, ông Cảnh Sảng nêu rõ lập trường của Trung Quốc trong chiến tranh thương mại với Mỹ là kiên định, rõ ràng và không thay đổi, việc Mỹ gây sức ép sẽ không có tác dụng.

Ông Cảnh Sảng nhấn mạnh phía Trung Quốc luôn chủ trương thông qua đối thoại và đàm phán để xử lý va chạm thương mại giữa hai nước và Trung Quốc đang nỗ lực theo phương hướng này.

Bắc Kinh luôn nhấn mạnh đối thoại cần dựa trên cơ sở cùng tôn trọng, theo quy tắc và tin cậy lẫn nhau, bất kể bên nào đơn phương đe dọa và gây sức ép đều không có tác dụng.

Giới phân tích Trung Quốc đặc biệt chú ý tới việc Mỹ mở ra "chiến tuyến" mới trong chiến tranh thương mại với Trung Quốc, đưa 44 doanh nghiệp của Trung Quốc vào "Danh sách thực thể quản chế xuất khẩu".

Trong số những doanh nghiệp này bao gồm Viện Nghiên cứu số 2 thuộc Công ty TNHH Khoa học công nghệ vũ trụ Trung Quốc và các viện nghiên cứu trực thuộc; Viện Nghiên cứu số 13, số 14, số 35 và số 38 thuộc Tập đoàn công nghệ điện tử Trung Quốc và các đơn vị trực thuộc; Tập đoàn xuất nhập khẩu kỹ thuật công nghiệp Trung Quốc; Công ty TNHH công nghiệp Hoa Đằng Trung Quốc và Tập đoàn Viễn thông Viễn Đông (Hà Bắc) Trung Quốc.

Đây đều là những doanh nghiệp khoa học công nghệ cao, trong đó có những doanh nghiệp liên quan đến lĩnh vực vũ trụ và công nghiệp quân sự của Trung Quốc.

Giới phân tích Trung Quốc cho rằng Mỹ đã chính thức "bao vây" lĩnh vực khoa học công nghệ cao của Trung Quốc và đặc biệt, Tập đoàn công nghệ điện tử Trung Quốc cùng các đơn vị trực thuộc đã trở thành "vùng bao vây" trọng điểm của phía Mỹ.

Theo đó, mục tiêu trước mắt của Mỹ là kết hợp khai hỏa chiến tranh thương mại với Trung Quốc để kìm hãm kế hoạch "Sản xuất ở Trung Quốc 2025" của nước này. Còn mục đích lâu dài của Mỹ là đề phòng và ngăn chặn Trung Quốc triển khai cạnh tranh toàn diện với Mỹ trong lĩnh vực chế tạo mũi nhọn và khoa học công nghệ cao.

Trước mắt, chính sách của Mỹ có thể sẽ ảnh hưởng tiêu cực và nhất định đối với một số doanh nghiệp trong lĩnh vực khoa học công nghệ cao của Trung Quốc, nhất là những doanh nghiệp phụ thuộc ở mức độ lớn vào nhập khẩu bản quyền và kỹ thuật từ thị trường Mỹ.

Tham vọng của Trung Quốc

Cho đến nay, Mỹ và Trung Quốc đã tiến hành hai vòng đàm phán thương mại. Những yêu cầu đáng chú ý của Mỹ gồm Trung Quốc lập tức cắt giảm thặng dư thương mại với Mỹ khoảng 200 tỷ USD trước năm 2020, chấm dứt trợ giá cho mặt hàng công nghệ tiên tiến và ngừng đáp trả những biện pháp trừng phạt mà Mỹ đang áp đặt đối với nước này.

Ngay cả giới phân tích phương Tây cũng nhận định rằng, cuộc tranh chấp thương mại đang diễn ra giữa Mỹ và Trung Quốc với các mặt hàng nhôm, thép hay nông sản chỉ là bề nổi, thực tế cuộc chiến thực sự sâu rộng và nan giải hơn nhiều, đó là cuộc cạnh tranh giành vị trí hàng đầu về công nghệ và kỹ thuật trong tương lai.

Hãng Reuters thậm chí còn bình luận rằng cuộc chiến này đang phủ bóng đen lên các ngành công nghệ của Trung Quốc.

Trong một phóng sự, Reuters cho biết Phòng thí nghiệm công nghệ cao của Tập đoàn Công nghệ sinh học Beike (Beike Biotech) của Trung Quốc, có trụ sở tại Thâm Quyến, chuyên nghiên cứu, phát triển dòng robot y tế có thể giúp điều trị bệnh ung thư. Kế hoạch đầy tham vọng của Tập đoàn Beike Biotech là xuất khẩu sản phẩm robot này sang thị trường đầy tiềm năng Mỹ.

Tuy nhiên, kế hoạch này hiện đang phải đối mặt với các mối đe dọa khi các cuộc đàm phán thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ tiếp tục căng thẳng. Loại robot này bị liệt kê trong danh sách các sản phẩm chịu thuế suất cao theo chính sách áp thuế mới của Mỹ đối với các sản phẩm Trung Quốc.

Reuters dẫn lời Hu Xiang- người sáng lập và là người đứng đầu chi nhánh Beike Biotech ở Thâm Quyến - nói: "Các biện pháp trừng phạt thương mại lẫn nhau giữa Trung Quốc và Mỹ chắc chắn sẽ có tác động rất lớn đối với chúng tôi".

Mỹ đe dọa áp đặt mức thuế 25% đối với hơn 1.300 sản phẩm của Trung Quốc, bao gồm các sản phẩm thiết bị y tế, robot và máy may trị giá khoảng 50 tỷ USD.

Beike Biotech không phải là trường hợp duy nhất. Các doanh nghiệp trong ngành công nghiệp thiết bị y tế, may mặc, thép và in ấn của Trung Quốc đều đối mặt với tác động to lớn từ cuộc chiến tranh thương mại. Một số công ty đã phải chuyển hướng bán hàng sang các khu vực khác. Một số phải hủy kế hoạch mở rộng nhà máy vì các đơn đặt hàng từ Mỹ đã giảm mạnh.

Mỹ là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc. Theo số liệu thương mại của Mỹ, năm 2017, nước này nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc trị giá 506 tỷ USD. Thặng dư thương mại lớn của Trung Quốc với Mỹ là một phần lý do gây ra những căng thẳng gần đây.

Hơn nữa, Mỹ thực sự lo ngại chính sách công nghiệp mà Trung Quốc gọi là chiến lược "Made in China 2025". Với chính sách này, Bắc Kinh có tham vọng trở thành một siêu cường công nghệ, có thể cạnh tranh với Mỹ, Hàn Quốc hay Nhật Bản.

Mục tiêu của kế hoạch "Made in China 2025" là Trung Quốc có thể "tự cung tự cấp" ít nhất 70% các nguyên vật liệu, phụ kiện cơ bản cho các ngành công nghiệp, giảm sự phụ thuộc vào nguồn cung ứng bên ngoài như hiện nay khi nước này phải nhập khẩu đến 80% chip điện tử, chủ yếu là từ Mỹ.

Ngoài ra, Chính phủ Trung Quốc còn hỗ trợ các công ty của họ trong những lĩnh vực như khoa học người máy, chất bán dẫn, hàng không và phương tiện sử dụng năng lượng mới.

Bắc Kinh cũng yêu cầu các công ty nước ngoài chuyển giao công nghệ nếu muốn thâm nhập thị trường Trung Quốc. Chính sách này vốn bị Mỹ chỉ trích là đánh cắp bí mật thương mại, khiến các công ty Mỹ thiệt hại hàng trăm tỷ USD.

Theo đánh giá của giới phân tích, bất chấp các biện pháp hạn chế của Mỹ, Trung Quốc vẫn đang giành thế chủ động tấn công trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo công nghệ cao.

Trung Quốc hiện đã trỗi dậy thành quốc gia đầu tư lớn thứ hai thế giới vào lĩnh vực Nghiên cứu và Phát triển (R&D). Nước này đã chi 279 tỷ USD cho R&D trong năm 2017, với phần lớn khoản đầu tư này đến từ giới doanh nghiệp. Hiện Trung Quốc đang nhắm tới mục tiêu vượt Mỹ để trở thành quốc gia chi tiêu R&D hàng đầu thế giới trong thập kỷ tới.

Ngoài ra, Trung Quốc cũng dồn sức thu hút các tài năng công nghệ cao từ nước ngoài. Trong những năm gần đây, lượng lưu học sinh Trung Quốc quay về nước chiếm khoảng 80% số lượng lưu học sinh ra nước ngoài học tập - tăng 31% so với năm 2007.

Trung Quốc hiện đang ghi điểm trên bảng xếp hạng. Từ năm 2012-2016, chỉ số của Trung Quốc trên Bảng xếp hạng khoa học "Nature Index" - bảng xếp hạng dựa trên phân tích ấn phẩm khoa học hàng đầu - đã tăng từ 24% lên 40% trong bảng tổng sắp này của Mỹ.

Trong giới doanh nghiệp, có 376 công ty Trung Quốc nằm trong số 2.500 công ty chi tiêu cho R&D hàng đầu thế giới trong năm 2017.

Tham vọng "Made in China 2025" được đánh giá vẫn còn một chặng đường dài, nhưng sự tiến bộ tổng thể của Trung Quốc có lẽ đã khiến Mỹ giật mình.