Khamenei
© AFPLãnh tụ tối cao Iran Ali Khamenei
Lãnh tụ tối cao Iran nói sự thật

Dưới sức ép của việc Mỹ tái lệnh trừng phạt khiến cho tình hình kinh tế - tài chính của Iran trở nên bất ổn và rối loạn. Đồng nội tệ sụt giảm giá trị kỷ lục chỉ trong một thời gian ngắn, trong khi nhu cầu mua đồng USD của người dân lại tăng lên.

Đồng tiền mất giá khiến cho chi phí sinh hoạt tăng vọt, cuộc sống trở nên khó khăn hơn và các cuộc biểu tình phản đối đã nổ ra tại Iran, đặt ra yêu cầu cấp bách với chính phủ trong việc ổn định nền kinh tế, đảm bảo cuộc sống cho người dân.

Tuy nhiên, chính phủ Iran không nhìn nhận sự chủ quan, có phần sai lầm của mình là nguyên nhân khiến đất nước rơi vào cảnh ngặt nghèo, mà nhìn nhận thực trạng là do thế lực thù địch từ bên ngoài cấu kết với thành phần phản động trong nước phá hoại.

Ngân hàng Trung ương Iran và Bộ Tư pháp Iran đã cáo buộc Mỹ, Israel, Ả-rập Saudi và phe đối lập sống lưu vong lá tác nhân chính gây ra sự hỗn loạn của hệ thống tiền tệ, khiến đồng rial mất giá nhanh chóng, theo hãng thông tấn IRNA.

Bộ Tư pháp Iran đã cho bắt giữ hơn 40 người, trong đó có một cựu Phó Thống đốc ngân hàng Trung ương vì bị cáo buộc đã cấu kết với thế lực thù địch bên ngoài, phá hoại nền kinh tế, làm hại đất nước.

Phản ứng của chính phủ Iran trước trừng phạt Mỹ đã khiến tình hình kinh tế - xã hội Iran thêm rối loạn.

Trước tình hình nguy hiểm này, Lãnh tụ tối cao Ayatollah Seyyed Ali Khamenei đã yêu cầu chính phủ phải nhanh chóng tìm lối thoát cho nền kinh tế.

"Ngày 11/8, lãnh đạo tinh thần tối cao Ali Khamenei đã kêu gọi chính phủ hành động nhanh chóng và chính xác, sau khi người đứng đầu cơ quan tư pháp quốc gia cho biết Iran đang phải đối mặt với cuộc chiến kinh tế", theo Iran New Daily.

Song vì nhìn nhận nguyên nhân là do thế lực thù địch và thành phần phản động chống phá nên của chính phủ Iran chỉ lo cắt dứt mối dây liên hệ "giữa thù trong với giặc ngoài", mà không tập trung vào giải pháp, phương pháp, biện pháp giải quyết vấn đề.

Thực tế đó khiến người dân Iran càng trở nên hoang mang hơn, niềm tin vào sự quản lý và điều hành của chính phủ ngày càng giảm sút, nền tảng chế độ bị lung lay, khiến lãnh tụ tinh thần tối cao Iran không thể kiên nhẫn hơn được nữa.

Vì vậy, ngày 13/8, Đại giáo Ali Khamenei đã phải nói thẳng là những khó khăn kinh tế hiện tại của Iran chủ yếu là hậu quả gây ra từ các yếu tố bên trong đất nước Iran, hơn là tác hại từ trừng phạt Mỹ.

"Quản lý kinh tế yếu kém của chính phủ gây sức ép đối với người dân Iran lớn hơn rất nhiều sức ép từ các biện pháp trừng phạt của Mỹ... Đây không phải là do sự phản bội, mà là do sai lầm lớn trong quản lý", Đại giáo Khamenei luận giải.

"Các chuyên gia kinh tế và nhiều quan chức tin rằng nguyên nhân của vấn đề hiện nay không phải từ bên ngoài, mà từ nội bộ. Không phải trừng phạt không gây hậu quả, song tác nhân chính là do cách chúng ta đối phó", lãnh tụ tối cao nhấn mạnh.

Như vậy là cuối cùng thì Tehran cũng đã đối diện với sự thật, song không phải là chính phủ Iran - cơ quan có chức năng quản lý kinh tế - xã hội, mà là lãnh đạo tối cao Iran - định chế chịu trách nhiệm về tinh thần và bảo vệ an ninh đất nước.

Tối hậu thư của lãnh tụ tối cao có giúp chính phủ Iran tìm ra hướng giải quyết tình hình nguy hiểm hiện nay?

Theo truyền thông Iran, sau khi chỉ trích chính phủ yếu kém trong quản lý kinh tế và điều hành đất nước, lãnh tụ tối cao Iran đã ra lệnh "không đánh cũng không đàm" với Washington nhằm hạ nhiệt căng thẳng.

Dù lý do mà Đại giáo chủ Khamenei nêu ra là do Washington không đáng tin cậy và xảo trá, song theo giới phân tích, nguyên nhân quan trọng nhất khiến lãnh tụ tối cao Iran không cho phép đối thoại với Mỹ là do vị thế của Iran.

Lãnh tụ tối cao Iran cũng không cho phép gây xung đột thêm với Mỹ lúc này là do thực lực của Iran chưa đủ để chiếm ưu thế trước đối phương. Bởi hiện nay khi bước lên sàn đấu, "chân trụ" của Tehran rất yếu, đó là tình hình kinh tế - xã hội bất ổn.

Vì vậy, dù lệnh của lãnh tụ tối cao là " không đánh-không đàm" với Mỹ, nhưng thực ra đó là tối hậu thư với chính phủ Iran trong xây dựng giải pháp, xác định phương pháp và tìm ra biện pháp giải quyết tốt nhất tình hình kinh tế - xã hội hiện nay.

Có thể thấy rằng, ngay từ năm 2012, chính quyền Iran đã tìm cách để thoát khỏi tầm ảnh hưởng của đồng USD - cũng là hạn chế nguy hại từ các biện pháp trừng phạt của Mỹ, song Tehran đã không chuẩn xác khi chọn nhân dân tệ, euro thay đô la Mỹ.

Việc chọn những phương tiện ít công hiệu để chống lại phương tiện đa công hiệu là không hợp lý, mà đều kiện tiên quyết là phải thay đổi công lực của thực thể ra đòn - trong trường hợp này là sức mạnh nền kinh tế, đảm bảo đứng vững trước trừng phạt.

Tuy nhiên, Tehran đã không lựa chọn và hành động như vậy.

Cho đến lúc này mà kinh tế Iran vẫn phụ thuộc tới 95% vào xuất khẩu dầu thô thì việc thanh toán bằng bất cứ đồng tiền nào cũng khó tránh được tác hại từ trừng phạt Mỹ.

Rõ ràng, Tehran đã chọn giải pháp không mang tính căn cơ khi chỉ hướng tới giải quyết "phần ngọn" của vấn đề, còn "phần gốc rễ" thì gần như không đả động tới. Đó là nền kinh tế hàng hoá đang dạng, có thể đáp ứng phần căn bản nhu cầu trong nước.

Hiện nay, xuất khẩu phi dầu mỏ của Iran chiếm tỉ trọng quá nhỏ, còn nhu cầu trong nước vẫn phụ thuộc rất lớn vào nhập khẩu. Đây chính là hậu quả từ những "cú đánh hở sườn", khiếnWashington chỉ ra đòn là Tehran có thể choáng váng.

Không phải ngẫu nhiên Washington chỉ thực hiện khôi phục các biện pháp trừng phạt Iran đã từng áp đặt trước khi Thoả thuận hạt nhân Iran được ký kết, mà không thiết kế các biện pháp trừng phạt mới. Đơn giản là vì Tehran vẫn còn "hở sườn".

Trong lúc ngặt nghèo này, động lực chống Mỹ có thể được xem là điều kiện tốt nhất để cho Tehran nhìn nhận và xây dựng giải pháp căn cơ để hoá giải trừng phạt Mỹ, chứ không phải là các biện pháp đối phó trừng phạt của Washington.

Khi chính phủ Iran chưa đưa ra được những giải pháp hữu hiệu, mà ngược lại cứ có động thái có thể khiến Mỹ gia tăng sức ép và trừng phạt, thì càng khiến người dân hoang mang hơn - tạo nguy cơ sụp đổ từ ngay trong nước - đó là sụp đổ niềm tin.

Vì vậy, trước sự tồn vong của chế độ, lãnh tụ tối cao đã ra tối hậu thư cho chính phủ Iran phải nhanh chóng hành động và hành động chuẩn xác, mà muốn chuẩn xác thì phải nhìn thẳng vào sự thật - đó là sự yếu kém của mình - trước khi nói tới âm mưu và hành động phá hoại của kẻ thù.