Zakharchenko Poroshenko
Vụ sát hại Aleksandr Zakharchenko, lãnh đạo của nước CHND tự xưng Donetsk (DPR), nhiều khả năng là do Kiev đạo diễn và vụ việc đã bộc lộ những kế hoạch thực sự của chính quyền Ukraine - nhiều chuyên gia nhận định với RT.

Không kết thúc bằng thỏa thuận chính trị?

Moscow đã cáo buộc chính quyền Ukraine đứng sau vụ đánh bom tại Donetsk hôm 31/8, khiến lãnh đạo DPR thiệt mạng. Các nhà phân tích tin rằng cái chết của ông Zakharchenko rất có lợi cho những nhân vật hiếu chiến hiện đang cầm quyền tại Kiev.

"Vụ sát hại ông Zakharchenko có lợi cho các chính trị gia theo quan điểm cứng rắn của Ukraine, bởi họ không quan tâm tới tiến trình Minsk hay bất cứ thỏa thuận hòa bình nào với người dân vùng Donbass", nhà phân tích chính trị Aleksandar Pavic nhận định.

Trong khi đó, chuyên gia chính trị Mỹ Jim Jatras cho rằng: Kiev luôn coi cuộc xung đột Ukraine là "trò chơi có tổng bằng không" (Zero sum game: Tình huống mà phần được của bên này ngang bằng phần thua của bên kia - ND).

"Bất cứ điều gì làm tổn hại tới giới lãnh đạo của Donetsk và Lugansk thì đều được coi là điểm cộng cho Kiev", ông Jatras nói, chỉ ra rằng, vụ ám sát "có phong cách tương tự như các cuộc tấn công trước đó" mà Kiev thực hiện nhằm vào các nhà nước tự xưng ở miền Đông.

Vụ sát hại ông Zakharchenko cho thấy rõ rằng chính quyền Kiev luôn xem tình hình ở miền Đông Ukraine là "một vấn đề phải được giải quyết bằng vũ lực", John Laughland, sử gia người Anh, đồng thời là giám đốc nghiên cứu tại Viện Dân chủ và Hợp tác cho biết.

Ông Laughland cho rằng, Kiev luôn dùng cụm từ "phiến quân Nga chứ không phải Ukraine" để ám chỉ lực lượng của Donetsk và Lugansk.

"Nếu bạn tin rằng những người có mặt trên lãnh thổ của mình là những kẻ xâm lược ngoại bang, điều mà Ukraine nói về người dân Donbass, thì hành động đó cho thấy bạn không quan tâm tới một thỏa thuận chính trị, bạn không coi họ là công dân của mình", ông Laughland nói.

Sử gia người Anh nhắc lại phát ngôn gần đây của ông Poroshenko, theo đó, Tổng thống Ukraine đã nói rằng ông "kiên quyết phản đối" quan điểm về một Ukraine liên bang. Theo ông Laughland, phát ngôn này cho thấy ông Poroshenko phản đối bất cứ hoạt động tự trị nào ở miền Đông Ukraine và không muốn thực hiện Thỏa thuận Minsk.

Phương Tây đầu tư quá nhiều vào Kiev

Các nhà phân tích cảnh báo rằng, tất cả những thực tế kể trên nhiều khả năng sẽ không làm thay đổi thái độ đối với xung đột Ukraine của phương Tây, một phần là do các nước phương Tây quan tâm nhiều tới lợi ích của mình.

Ông Laughland khẳng định: Các nhà hoạch định chính sách châu Âu "đã đầu tư rất nhiều nguồn vốn chính trị (Political Capital: Thuận lợi, uy tín và tầm ản hưởng trước đối thủ chính trị mà chính trị gia có được trong một hoàn cảnh nhất định - ND) để rêu rao rằng Nga đã xâm lược Ukraine ở vùng Donbass".

Ông Laughland cho rằng đây là lập trường hiện thời của EU. Thậm chí nếu họ hiểu được tình huống thực sự là gì thì vẫn sẽ "mất rất nhiều thời gian trước khi họ đổi ý về vấn đề đó".

Về phần mình, ông Pavic cho rằng, vụ sát hại có lợi cho tất cả "những nhân tố nước ngoài muốn duy trì căng thẳng Nga - Ukraine ở mức cao, dẫn đầu là nhà nước ngầm của Mỹ và giới lãnh đạo theo đường lối tự do-can thiệp chủ nghĩa của NATO", thậm chí cả Anh, đất nước gần đây đang phát động một chiến dịch "bài Nga" sau vụ đầu độc cựu điệp viên hai mang.

Sau cùng, phương Tây có lẽ sẽ quy kết vụ sát hại cho một số nhân tố địa phương hoặc coi đó là kết quả của tranh giành quyền lực nội bộ, ông Pavic nhận định. Còn ông Laughland thì cảnh báo, vụ việc có thể gây ra hậu quả thảm khốc cho tình hình tại miền Đông Ukraine.

"Vụ sát hại có nguy cơ phá hoại mọi khả năng đi đến thỏa thuận chính trị và chúng ta sẽ quay trở lại thời kỳ tồi tệ nhất trong xung đột Ukraine", ông Laughland nói.