Iraq Prime Minister Abadi and Iran Ali Khameini
Thủ tướng Iraq Abadi và Lãnh tụ tinh thần tối cao Iran Ali Khameini
Bất chấp áp lực của Washington để phá vỡ quan hệ kinh doanh với Iran, các đối tác thương mại quốc tế của Tehran quyết tâm duy trì sự hợp tác cùng có lợi của họ với nước Cộng hòa Hồi giáo này. Một số còn từ bỏ đồng dollars Mỹ trong giao dịch thương mại với Iran.

Chính quyền Iraq đã ngừng sử dụng đồng dollars Mỹ trong các hoạt động thương mại với Iran để ủng hộ đồng tiền quốc gia của mình (đồng Dinar) và đồng euro, chủ tịch Phòng Thương mại Iraq-Iran Yahya al-Ishaq nói với tạp chí Mehr hôm 03/9.

"Chúng tôi đã từ bỏ các giao dịch đồng dollars, hầu hết các giao dịch thương mại sẽ bằng euro, rial của Iran và đồng dinar Iraq, trong một số trường hợp, một hệ thống trao đổi cùng có lợi sẽ được xây dựng" - ông Yahya al-Ishaq cho biết.

Theo al-Ishaq, kim ngạch thương mại trung bình hàng năm giữa Iran và Iraq được quy đổi tương đương là 8 tỷ USD.

Theo ước tính của tờ nhật báo Financial Tribute của Iran, nước này đã xuất khẩu 5,57 tỷ USD hàng hóa phi dầu mỏ sang Iraq từ tháng 3 năm 2017 đến tháng 2 năm 2018, với thực phẩm và vật liệu xây dựng đứng đầu danh sách hàng hóa xuất khẩu. Ngoài ra, Iran cũng cung cấp xe và phụ tùng xe hơi, các linh kiện điện tử cho Iraq.

Trước đó, Thủ tướng Iraq Heydar Al-Abadi xác nhận rằng, Baghdad sẽ thực hiện các biện pháp trừng phạt do Mỹ áp đặt đối với Iran chỉ trong lĩnh vực ngân hàng. Ông nói thêm rằng ông sẽ cử một phái đoàn đến Washington để thảo luận về các giao dịch tài chính với Iran theo các biện pháp trừng phạt.

Trước đó, Iraq cũng đã cam kết sẽ tiếp tục tiến hành kế hoạch trao đổi dầu với Iran, bất chấp lệnh trừng phạt của Mỹ. Hãng thông tấn Reuters chỉ ra rằng thỏa thuận hoán đổi có thể là cách trả nợ của Baghdad cho sự giúp đỡ của Tehran trong việc đòi lại tỉnh từ người Kurd.

Nước này vẫn tiếp tục vận chuyển dầu đến các nhà máy lọc dầu ở Iraq bằng 2 con đường, một là bằng đường bộ từ tỉnh Kirkuk sang và một dường khác bằng các tàu chở dầu trên vịnh Ba Tư.

Làn sóng đầu tiên của các lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ nhắm vào lĩnh vực ô tô của Iran, cùng với việc mua bán vàng và một số kim loại quý hiếm khác đã bắt đầu vào ngày 7 tháng 8.

Một loạt các biện pháp trừng phạt thứ hai nhắm vào các lĩnh vực năng lượng và ngân hàng của quốc gia dự kiến ​​sẽ có hiệu lực vào ngày 5 tháng 11.

Vào tháng 7, ông Brian Hook, giám đốc hoạch định chính sách của Bộ Ngoại giao Mỹ đã nhắc lại lập trường cứng rắn của chính quyền Washington nói rằng, mục tiêu của Mỹ là gia tăng áp lực lên chế độ Iran bằng cách triệt tiêu doanh thu từ dầu thô của nước này.

Vào tháng 5, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã tuyên bố quyết định rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2015 (còn gọi là Kế hoạch Hành động chung Toàn diện JCPOA) và khôi phục các lệnh trừng phạt đối với Tehran. Nhà Trắng cũng cho các công ty nước ngoài thời gian ân hạn từ 90 đến 180 ngày để chấm dứt các giao dịch với Cộng hòa Hồi giáo Iran.

Động thái này đã gây ra những phản đối mạnh mẽ từ các nước châu Âu như Anh, Pháp, Đức cũng như Nga và Trung Quốc - những người đã liên tục bảo vệ thỏa thuận mang tính bước ngoặt này.

Ủy viên chính sách đối ngoại của Liên minh châu Âu là bà Federica Mogherini và các bộ trưởng ngoại giao từ Anh, Pháp và Đức cho biết trong một tuyên bố rằng các nước này sẽ giữ "các kênh tài chính mở hiệu quả" với Iran.

EU cũng đã đưa ra một đạo luật ngăn chặn trong một nỗ lực nhằm bảo vệ các công ty châu Âu đang kinh doanh hợp pháp với Iran khỏi ảnh hưởng của các biện pháp trừng phạt ngoại giao của Hoa Kỳ.

Quy chế cấm các doanh nghiệp châu Âu tuân thủ các biện pháp trừng phạt của Hoa Kỳ, vô hiệu hóa bất kỳ phán quyết của tòa án nước ngoài đối với họ và cho phép họ thu hồi thiệt hại từ các hình phạt này.