al qaeda nusra syria
© Ammar Abdullah / ReutersCác thành viên Mặt trận Nusra, chi nhánh chính thức của tổ chức khủng bố Al-Qaeda tại Syria đang vào vị trí chiến đấu
Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm nay cảnh báo quân đội Syria không được "liều lĩnh tấn công tỉnh Idlib", cho rằng chiến dịch quân sự nhắm vào khu vực này dưới sự hậu thuẫn của Nga và Iran là một "thảm kịch tiềm tàng" có thể khiến hàng trăm nghìn người thiệt mạng.


Nhận xét: Dường như Mỹ chỉ quan tâm đến yếu tố nhân đạo khi đám khủng bố tay chân của họ sắp bị xóa sổ. "Trái tim rớm máu" của họ để ở đâu khi họ ném bom san phẳng Raqqa năm ngoái khiến hàng ngàn dân thường thiệt mạng?


Giới quan sát cho rằng tuyên bố này của Trump là một "lằn ranh đỏ" được đưa ra trên chiến trường Syria, ám chỉ về khả năng Mỹ sẽ có hành động đáp trả nếu quân đội chính phủ Syria mở chiến dịch tấn công quy mô lớn vào Idlib, thành trì cuối cùng của phiến quân và quân nổi dậy ở quốc gia này, theo AFP.

Thông điệp mang tính răn đe của Trump được đưa ra trong bối cảnh quân đội Syria đang tập hợp lực lượng chuẩn bị cho chiến dịch giải phóng Idlib. Trước đó, các quan chức cấp cao Mỹ đã cảnh báo rằng quân đội Mỹ có thể tấn công nếu Syria sử dụng vũ khí hóa học trong chiến dịch Idlib.


Nhận xét: Sau khi bị Nga lật tẩy, Mỹ vứt bỏ luôn mặt nạ và thẳng thừng cảnh cáo Syria không được tấn công đám khủng bố của họ, bất kể có "tấn công hóa học" hay không.


Nga đã phản ứng rất quyết liệt trước lời đe dọa này bằng cách điều hạm đội tàu chiến lớn chưa từng có đến gần Syria, đồng thời cáo buộc phiến quân sắp dàn dựng một vụ tấn công hóa học giả để phương Tây lấy cớ can thiệp.

Jonas Parello-Plesner, chuyên gia tại Viện Hudson ở Washington, cho rằng những lời đe dọa của các quan chức Mỹ hay "lằn ranh đỏ" của Trump khó có thể thay đổi được tình hình thực tế trên chiến trường Idlib, nơi đang bị kiểm soát phần lớn bởi các nhóm phiến quân bị liệt vào danh sách khủng bố.

"Quân đội của Tổng thống Bashar al-Assad đang tiến lên trên thực địa, dưới sự yểm trợ của dân quân Iran và sự hỗ trợ hỏa lực của không quân Nga, trong khi Mỹ chỉ đặt hết hy vọng vào một tiến trình hòa bình vốn không còn mấy giá trị trên chiến trường", Parello-Plesner nói.

Theo các nhà quan sát, nếu quân đội Syria tiến hành chiến dịch giải phóng Idlib, lực lượng nổi dậy do Mỹ hậu thuẫn ở quốc gia Trung Đông này sẽ bị xóa sổ hoàn toàn, khiến quân đội Mỹ khó có lý do để tiếp tục duy trì hiện diện tại đây. Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) từng tuyển mộ, huấn luyện, trang bị vũ khí cho các nhóm nổi dậy "ôn hòa" nhằm lật đổ chính quyền của Tổng thống Assad bằng vũ lực.

Tuy nhiên, cuộc nội chiến kéo dài ở Syria tạo điều kiện cho sự trỗi dậy của các nhóm phiến quân Hồi giáo, lực lượng cực đoan dần khống chế và hấp thu các nhóm nổi dậy "ôn hòa". Hai nhóm nổi dậy lớn nhất còn lại ở tỉnh Idlib hiện nay là Mặt trận Giải phóng Quốc gia (NLF) và Hayat Tahrir al-Sham (HTS), những tổ chức có quan điểm và tầm nhìn rất khác nhau, theo IRIN.

Trong khi NLF là một tập hợp các nhóm vũ trang được Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn, trang bị vũ khí và chiến đấu dưới lá cờ Quân đội Syria Tự do (FSA), Tahrir al-Sham lại là nhóm cực đoan từng nhiều lần "thay hình đổi dạng" và đang kiểm soát 60% tỉnh Idlib, trong đó có thành phố thủ phủ Idlib và nhiều khu vực trọng yếu.

Nguồn gốc của HTS là Mặt trận Nusra, chi nhánh chính thức của phiến quân al-Qaeda ở Syria. Mặt trận Nusra từng cạnh tranh ảnh hưởng quyết liệt với các nhóm nổi dậy ôn hòa ở Syria và giành thắng lợi áp đảo. Sau khi thu nhận nhiều tay súng nổi dậy, nhóm đổi tên thành Tahrir al-Sham, nhưng vẫn bị Liên Hợp Quốc, Mỹ và nhiều quốc gia khác liệt vào danh sách khủng bố.

Tuy nhiên, nhóm này vẫn có quan hệ mập mờ với Thổ Nhĩ Kỳ. Abu Mohammed al-Golani, thủ lĩnh của HTS, thường xuyên trao đổi thông tin với tình báo Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng không chấp nhận phục tùng mọi mệnh lệnh từ Ankara.

Tiến thoái lưỡng nan

Sự hiện diện của tổ chức khủng bố HTS với 30.000 tay súng cực đoan ở Idlib là lý do thuyết phục để quân đội Syria và Nga mở chiến dịch tấn công vào tỉnh này, đe dọa đến cả các nhóm do Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn.

Để tránh một kết cục bi thảm cho các nhóm nổi dậy, Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ đã liên tục gây sức ép với HTS nhằm loại bỏ cái cớ để Nga và Syria tấn công Idlib. Các quan chức tình báo Thổ Nhĩ Kỳ đã tìm cách thuyết phục al-Golani rằng cách duy nhất để giữ chân lực lượng Syria và Nga bên ngoài Idlib là nhóm HTS phải giải tán và nhập vào NLF, tổ chức nằm dưới sự bảo trợ của Ankara và Washington.

Theo Ahmed Aba-Zeid, một chuyên gia về tình hình Syria, một số thủ lĩnh của HTS dường như nhất trí với đề xuất này. Tuy nhiên, trong một video tung lên mạng hôm 31/8, al-Golani tuyên bố mọi sự thỏa hiệp là "không chấp nhận được" và khẳng định HTS sẽ "không bao giờ trở thành món hàng mặc cả".

Dường như tức giận với phản ứng này, Thổ Nhĩ Kỳ ngay sau đó liệt HTS vào danh sách khủng bố, đồng nghĩa với việc nhóm phiến quân đang trở nên đơn độc trước chiến dịch tấn công sắp tới của quân đội Syria.

"HTS đang tự biến mình thành 'kỳ đà cản mũi' có thể làm tổn hại nghiêm trọng lợi ích của Thổ Nhĩ Kỳ ở Syria", Sam Heller, chuyên gia phân tích tại Crisis Group, nói với National. "Ngay cả khi các bên liên quan muốn vô hiệu hóa HTS, câu hỏi đặt ra là họ sẽ làm điều đó như thế nào".

Với thực tế này, chuyên gia Faysal Itani thuộc tổ chức tư vấn Hội đồng Đại Tây Dương cho rằng cuộc chiến ở Idlib hiện nay chỉ còn phụ thuộc vào Nga và Thổ Nhĩ Kỳ, trong khi Mỹ không có lý do nào để phản đối hành động quân sự của Syria tại khu vực.

"Washington từng không phản đối chiến dịch tái chiếm khu vực miền nam từ tay phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng của quân đội Syria, nên họ không có cái cớ nào để phản đối chiến dịch ở Idlib", Itani nói.

Với chính phủ hợp pháp của Tổng thống Syria, tất cả các nhóm vũ trang hiện diện ở Idlib đều không được chào đón và gây trở ngại cho quá trình tái thống nhất lãnh thổ. Một khi Nga bật đèn xanh cho quân đội Syria mở chiến dịch giải phóng Idlib, Mỹ gần như bị đặt vào thế đã rồi và không có động lực để can thiệp vào đây, Itani nhận định.