Crimea
© Sputnik / Vasiliy BatanovCrimea
Chính quyền Ukraine có kế hoạch cắt nguồn nước cung cấp cho Crimea

Theo TASS, ngày 12/9 vừa qua, Ngoại trưởng Ukraine Pavel Klimkin đã khẳng định chính quyền Ukraine "sẽ không bao giờ để dành nguồn cung cấp nước cho lãnh thổ bị chiếm đóng", ngụ ý Kiev sẽ cắt nguồn nước cung cấp cho bán đảo Crimea.

Trước khi tái sát nhập vào Nga, Crimea nhận 85% nguồn cung nước từ Ukraine, thông qua hệ thống kênh Bắc Crimea nối với sông Dnepr. Tuy nhiên sau khi cuộc trưng cầu dân ý diễn ra đa số cử tri ủng hộ về với nước Nga thì mọi việc thay đổi.

Khi đó, thay vì cấp nước ở mức 80-85 m3/giây, chính quyền Ukraine đã giảm xuống chỉ còn 4 m3/giây, khối lượng kỹ thuật thấp nhất. Kiev lý giải hành động của mình là do Crimea chưa thanh toán hết tiền nợ cung cấp nước.

Tuy nhiên, vấn đề không phải như vậy. Các nhà chức trách Crimea đã nhiều lần yêu cầu Kiev đàm phán lại hợp đồng cung cấp nước nhưng Kiev không hồi âm. Thậm chí Kiev còn từ chối việc Nga thanh toán trước tiền nước cho Crimea.

Vấn đề sau đó được xác định là Kiev cố tình cắt nguồn cung cấp nước cho bán đảo Crimea bằng cách xây một con đập trên kênh Bắc Crimea tại khu vực tỉnh Kherson nằm trên lãnh thổ Ukraine. Công trình khởi công từ tháng 4/2014.

"Một công trình xây dựng mới được tạo ra ở khu vực Kherson, cách biên giới với Crimea khoảng 40km. Anh từ vệ tinh cho thấy cần cẩu đang hoạt động ở Armyansk - đường cao tốc Kherson trên một cây cầu tại thị trấn Kalanchak", theo RT.

Tuy nhiên, tỉnh trưởng Kherson Yuriy Odarchenko khi đó giải thích với báo giới rằng con đập mới được xây dựng có liên quan đến việc xây dựng một "trạm đo nước" mà khi hoàn thành sẽ cho phép đo chính xác "lượng nước sẽ được chuyển cho Crimea".

Khi Kiev đóng kênh Bắc Crimea để xây đập khiến lượng nước cung cấp cho Crimea bị cắt giảm nghiêm trọng, Thủ tướng Crimea Sergey Aksyonov đã gọi đây là hành động phá hoại của Kiev.

"Việc chính quyền Ukraine hạn chế cung cấp nước cho Crimea là một hành động có chủ ý chống lại người dân Crimea. Điều này khiến tình hình trồng trọt ở Crimea rất tồi tệ. Crimea có khả năng sẽ phải thay đổi cây trồng để tránh mất mùa".

Trong khi đó, Nga đang cố gắng tìm cách cung cấp nước cho Crimea. Chuyên gia của Bộ Tài nguyên Nga đang nghiên cứu cách cung cấp nước ngọt từ sông Kuban ở khu vực Krasnodar tới Crimea.

Mặc dù vậy, vụ thu hoạch đầu tiên Crimea trở về Nga, "có chỗ thu được một phần hoặc có chỗ mất trắng trên diện tích 120.000 ha đất nông nghiệp cần được tưới ", Bộ trưởng Nông nghiệp Nga Nikolai Fyodorov cho biết, theo The Moscow Times.

Theo số liệu Bộ Nông nghiệp Nga công bố, ước tính thiệt hại của nông dân Crimea do Ukraine cắt nguồn cung cấp nước trong vụ mùa đầu tiên lên đến 140 triệu USD, nhưng họ được chính phủ Nga bồi thường những tổn thất đó.

Hiện tại, với hỗ trợ của chính quyền, Bộ Môi trường Nga đã xây dựng được 3 cơ sở cung nước cung cấp nước uống và nước sinh hoạt cho khu vực để bù lại việc thiếu nước do sự trả đũa của chính quyền Kiev.

Tuy nhiên, vấn đề nước tưới cho nông nghiệp thì vẫn cần giải pháp căn cơ. "Chúng tôi đang xem xét phương án cung cấp nước từ sông Kuban, qua eo biển Kerch đến kênh Bắc Crimea", theo Giám đốc bộ phận chính sách công Nga Dmitry Kirillov.

Ông Kirillov cho biết phương án xây dựng đó thiết kế đặt ống ngầm theo ba đoạn, mỗi đoạn dài 130 km. Tổng chi phí lên đến 2,8 tỉ USD. Theo phương án, "nước từ Kuban đủ đáp ứng nhu cầu sinh hoạt và tưới tiêu cho Crimea", ông Kirillov giải thích.

Trong bối cảnh dự án "lấy nước sông Kuban cho Crimea" chưa hoàn tất thì nguồn nước từ Ukraine là sống còn với bán đảo chiến lược này. Vậy mà hiện nay Kiev lại có ý định ngừng cung cấp, đưa cả Nga và Crimea vào thế ngặt nghèo.

Trong khi theo Bộ Thương mại Crimea, ngành nông nghiệp đóng góp 10% cho kinh tế của bán đảo Crimea, ước tính năm 2012 đã có tổng giá trị lên tới 4,3 tỷ USD. Vì vậy hành động của Kiev ảnh hưởng rất lớn tới đời sống tại Crimea.

Kiev chính thức từ bỏ Crimea

Trước khi chính quyền Kiev cảnh báo cắt nguồn cung cấp nước cho Crimea, Phó chủ nhiệm Cơ quan phụ trách các vùng lãnh thổ bị tạm chiếm của Ukraine, ông Yuri Grymchak, đã nêu 2 điều kiện tiên quyết để mở cống đập trên kênh Bắc Crimea.

Thứ nhất, Nga phải công nhận Crimea là "vùng lãnh thổ chiếm đóng" và thứ hai, nều có nguyện vọng Ukraine cấp nước ngọt cho Crimea thì "Nga phải gửi yêu cầu tới Ukraine và công nhận thực tế chiếm đóng Crimea".

Theo Kiev, nếu Moscow im lặng thì vần đề khép lại và Kiev sẽ thực hiện việc ngừng cung cấp nước cho Crimea. Moscow đã phớt lờ yêu cầu của Kiev và Crimea phải đối mặt với nguy cơ mất hoàn toàn nguồn nước từ Ukraine.

Giới phân tích cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, quyết định của chính phủ Ukraine đầu tiên thời hậu Yanukovych chẳng khác nào hành động chính thức từ bỏ Crimea, trong khi họ luôn kêu gọi tái hoà nhập bán đảo chiến lược này vào Ukraine.

Thứ nhất, nếu thực hiện cắt nguồn cung cấp nước cho Crimea, chính quyền Kiev sẽ vi phạm luật pháp quốc tế về khai thác, sử dụng và bảo vệ nguồn nước xuyên biên giới.

Theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova, bất kỳ mối đe dọa nào từ phía Ukraina liên quan đến cơ sở hạ tầng dân sự của Crimea đều được xem như một hành động khủng bố quốc tế.

"Tất cả những việc làm đó đều phải đối mặt với một tiến trình pháp lý và được coi là hành vi khủng bố theo luật pháp quốc tế, cụ thể là ở châu Âu", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga nhấn mạnh.

Theo giới phân tích, đại diện Bộ Ngoại giao Nga nhấn mạnh hành động của Kiev vi phạm luật pháp Châu Âu, là muốn nói Kiev vi phạm Công ước về bảo vệ và sử dụng các nguồn nước xuyên biên giới và các hồ quốc tế - Công ước Helsinki 1992.

Năm 1992, các quốc gia thành viên Ủy ban Kinh tế Châu Âu của LHQ đã thông qua Công ước Helsinki với mục đích là thúc đẩy việc quản lý chung và bảo tồn các hệ sinh thái của nguồn nước ngọt tại Châu Âu.Công ước có hiệu lực vào năm 1996.

Phạm vi điều chỉnh của Công ước: yêu cầu các bên ngăn chặn, kiểm soát hoặc giảm thiểu tác động xuyên biên giới, sử dụng nguồn nước xuyên biên giới theo cách hợp lý và công bằng, đảm bảo quản lý bền vững các nguồn nước này.

Nguồn nước xuyên biên giới là bất kỳ nguồn nước mặt hoặc nước ngầm chảy qua hoặc nằm trên biên giới giữa hai hay nhiều quốc gia. Tác động xuyên biên giới là bất kỳ ảnh hưởng có hại lớn đối với môi trường sống.

Nguyên tắc của Công ước : Các nước ký thỏa thuận song phương hoặc đa phương để giảm thiểu các mâu thuẫn, hoặc thừa nhận các mối quan hệ và hành vi của mình liên quan đến ngăn chặn, kiểm soát và giảm thiểu tác động xuyên biên giới .

Như vậy, rRõ ràng hành động của Kiev, nếu cắt nguồn cung cấp nước cho bán đảo Crimea, là vi phạm Công ước Helsinki 1992. Ngược lại cả Crimea và Nga đều hành động tuân thủ nguyên tắc của công ước này.

Hệ quả sẽ rất tại hại với Ukraine. Bởi khi cố tình vi phạm Công ước Helsinki 1992, Kiev có thể khiến EU giảm sự ủng hộ, thậm chí chấm dứt ủng hộ vấn đề Crimea, mà đây lại là điều quan trọng bậc nhất với họ. Như vậy khác nào Kiev từ bỏ Crimea.

Thứ hai, nếu thực hiện cắt nguồn cung cấp nước cho Crimea, chính quyền Kiev sẽ có thể đánh mất hoàn toàn sự ủng hộ của số ít thành phần dân cư bán đảo này vốn không ủng hộ Nga tái sát nhập Crimea.

Ngày 16/3/2014, tại Crimea đã diễn ra cuộc trưng cầu dân ý về việc sáp nhập vào Nga và ngày 17/3, Chủ tịch Ủy ban trưng cầu dân ý của quốc hội Crimea Mikhail Malyshev đã họp báo và thông báo kết quả.

Theo đó có 96,77% cử tri Crimea ủng hộ việc sáp nhập vào Liên bang Nga, tương đương với 1,233 triệu cử tri, trong tổng số 1,274 người đi tham gia cuộc trưng cầu. Tỷ lệ cử tri đi tham gia cuộc trưng cầu dân ý này đạt 83,1%.

Như vậy, thực chất có 78,67% cử tri Crimea ủng hộ việc tái sát nhập bán đảo này vào nước Nga và còn tới 21,33% cử tri Crimea không có ý kiến hay có ý kiến khác, trong đó có việc ủng hộ Crimea ở lại với Ukraine.

Trong thành phần cử tri không ủng hộ tái sát nhập Crimea vào Nga gồm có người Tarta chiếm khoảng 12% dân số Crimea và người Ukraine chiếm khoảng 28% dân số bán đảo này. Đây là lực lượng mà Kiev trông cậy cho kế hoạch lâu dài của mình.

Song nếu Crimea bị cắt nguồn cung cấp nước thì các thành phần này có thể chấm dứt ủng hộ với Kiev. Nước xuyên biên giới là tài sản chung của Ukraine và Crimea, nên việc cắt nguồn nước sẽ khác với cắt nguồn cung cấp điện - tài sản của Ukraine.

Do vậy, Kiev không thể sử dụng việc cắt nguồn nước cho mưu đồ chính trị, mà thực ra chỉ làm khổ người dân Crimea. Khi "dấu ấn" của Nga với đời sống xã hội Crimea còn mờ nhạt, mục đích này của Kiev cũng đã khó thành thực hiện.

Trong khi hiện nay, Moscow đã làm thay đổi cả giá trị và ý nghĩa địa chính trị-địa chiến lược của bán đảo này thì, theo giới phân tích, hành động của Kiev chỉ có thể phản tác dụng mà thôi. Rõ ràng Kiev đã chính thức từ bỏ bán đảo Crimea.