Russia's Arctic Trefoil
© Vadim Savitsky / SputnikCăn cứ quân sự Trefoil của Nga tại Bắc Cực
Mỹ mơ Nga sẽ cạn dầu

Những ngày qua, dư luận xôn xao khi cả Mỹ và Saudi Arabia đồng loạt lên tiếng đánh giá về khả năng Nga "cạn dầu" và ngành kinh tế mũi nhọn này của Nga sẽ "chết" trong thời gian tới.

Thái tử Saudi Arabia là Mohammed bin Salman al-Saud lẫn Cố vấn Kinh tế của Tổng thống Mỹ Donald Trump là Larry Kudlow đều nói về một "bí mật khủng khiếp" khi dự báo rằng ngành dầu mỏ của Nga sẽ suy yếu hoặc "chết" và Nga sẽ mất vị trí siêu cường trong lĩnh vực năng lượng".

Thái tử Salman al-Saud dự đoán Nga sắp rút khỏi thị trường dầu mỏ, còn ông Larry Kudlow nói rằng đối với Mỹ, "cách tốt nhất để đối đầu với Nga" là trở thành cường quốc năng lượng mạnh nhất và loại Nga ra khỏi thị trường năng lượng châu Âu.

Theo những dự báo này thì Nga sẽ cạn kiệt dầu trong tương lai gần, sẽ bị các đối thủ dầu mỏ khác sớm thay thế trong thị trường năng lượng toàn cầu. Chỉ có một khác biệt là Mỹ và Saudi Arabia đều tự tin bản thân sẽ chiếm ưu thế.

Giới phân tích Nga bình luận rằng những đối thủ của Tổng thống Putin hài lòng với dự báo của Thái tử Salman al-Saud về việc Moscow sắp rút khỏi thị trường dầu mỏ do sản lượng giảm và dự báo của ông Larry Kudlow về việc Nga sắp ra khỏi thị trường năng lượng châu Âu.

Những người này muốn tin rằng "bí mật khủng khiếp" của Nga được tiết lộ có nghĩa là ngay sau khi Nga cạn kiệt dầu mỏ, Moscow sẽ không có khả năng tiếp tục đường lối địa chính trị hiện nay và không thể duy trì cấu trúc chính trị của Nga.

Tuy nhiên,, chuyên gia người Nga Ivan Danilov mới đây có bài viết bình luận, trong đó cho biết: "chúng tôi thành thật xin lỗi vì gây thất vọng cho những người mơ ước về việc Nga không còn là một siêu cường năng lượng. Kịch bản về sự sụp đổ của ngành dầu khí Nga có thể được mô tả bằng câu nói của Tổng thống Vladimir Putin: đây là một sự chờ đợi mãi mãi không có kết quả".

Giả thiết vô cùng phi thực tế của Thái tử Salman al-Saud dựa trên niềm tin rằng bắt đầu từ ngày mai, Nga sẽ không bao giờ tìm thấy dầu mỏ ở bất cứ nơi nào, trữ lượng dầu mỏ của Nga sẽ không được thăm dò và xác thực, và Nga sẽ mãi mãi ở mức công nghệ sản xuất hiện tại.

Theo chuyên gia này, kịch bản như vậy không thể trở thành hiện thực nếu nhìn vào triển vọng khai thác dầu khí ở vùng Bắc Cực và Siberia của Nga. Một bằng chứng về tiềm năng to lớn của khu vực này là những nỗ lực tích cực của các cộng đồng chuyên gia Mỹ và Canada nhằm chiếm lấy tài nguyên thiên nhiên tại vùng Bắc Cực của Nga.

Sức mạnh của người Nga

Chuyên gia Nga đánh giá dự báo của cố vấn người Mỹ Larry Kudlow là hành động cực kỳ không thân thiện và có mục đích nhằm chống lại Moscow.

Khi phát biểu trên Hill TV, ông Larry Kudlow từng nói thẳng: "Chúng tôi cần cung cấp khí đốt cho châu Âu và thách thức quyền bá chủ của Nga trong lĩnh vực khí tự nhiên và khí đốt hóa lỏng".

Chuyên gia Ivan Danilov chỉ thẳng quan chức Mỹ đã nói dối khi quả quyết về sự độc lập năng lượng của châu Âu và ý muốn đấu tranh vì lợi ích của Ukraine để khí đốt Nga quá cảnh thông qua Ukraine. Theo ông, Mỹ chỉ quan tâm đến việc thay thế khí đốt của Nga bằng khí đốt hóa lỏng (LNG) của Mỹ và không có gì khác.

Bên cạnh đó, chuyên gia này đánh giá, bất chấp áp lực của Mỹ đối với Liên minh châu Âu (EU), đường ống dẫn dầu Dòng chảy Phương Bắc 2 đang được xây dựng thành công. Mỹ rất khó ngăn cản và nếu cần thiết, phía Nga có thể cấp chi phí để hoàn thành dự án.

Nỗ lực của Mỹ ép châu Âu mua LNG đắt tiền gây thiệt hại cho lợi ích kinh tế của châu Âu, đặc biệt trong bối cảnh mối quan hệ Âu-Mỹ cực kỳ phức tạp và cuộc chiến thương mại của Mỹ chống EU.

Một thực tế được chuyên gia Danilov chỉ ra mà người Mỹ không nhắc tới đó là việc khí hóa lỏng của Nga sản xuất ở Bắc Cực được xuất khẩu sang Mỹ. Vậy làm thế nào để Mỹ đẩy Nga khỏi thị trường khí đốt thế giới?

Chuyên gia Ivan Danilov khẳng định Nga là một siêu cường năng lượng. Ý muốn của một số quan chức nước ngoài đẩy Nga khỏi thị trường này càng cho thấy tầm quan trọng của việc Nga đang hiện diện trên các thị trường năng lượng quan trọng nhất trên hành tinh. Do đó, không có cách nào để loại Moscow ra khỏi các thị trường này.

Giới chức Nga thời gian qua cũng đã lên tiếng trước những đánh giá "không thân thiện" từ phía Mỹ, trong đó có những dòng trạng thái trên mạng xã hội Twitter. Bộ trưởng Năng lượng Nga Alexander Novak ngày 9/10 tuyên bố, các bình luận và bài viết trên mạng xã hội Twitter của giới lãnh đạo Mỹ đã gây bất ổn các thị trường toàn cầu.

Trong một cuộc phỏng vấn được phát trên kênh truyền hình Rossiya-24, Bộ trưởng Novak nêu rõ: "Những dòng cảm xúc nhất thời, bình luận, bài viết của giới lãnh đạo Mỹ... gây bất ổn thị trường. Và về cơ bản, thị trường không biết phải phản ứng ra sao cũng như điều gì sẽ xảy ra trong tương lai".

Hồi cuối tháng 9 vừa qua, trong khuôn khổ Cuộc họp Uỷ ban Giám sát hỗn hợp OPEC và phi OPEC (JMMC) lần thứ 10 diễn ra tại thủ đô Algiers (Algeria), Bộ trưởng Năng lượng Nga Alexander Novak cũng đã cáo buộc Mỹ là tác nhân chính gây ra sự bất ổn của thị trường dầu mỏ toàn cầu. Người đứng đầu ngành năng lượng của Nga đồng thời kêu gọi các nước OPEC và ngoài OPEC tăng cường hợp tác hơn nữa để đạt được sự ổn định lâu dài trên thị trường dầu mỏ.

Theo ông Novak, các biện pháp trừng phạt mà Mỹ áp đặt đối với Iran - một trong những quốc gia sản xuất dầu mỏ hàng đầu OPEC, cũng như cuộc chiến thương mại đang có nguy cơ bùng phát giữa Washington và Bắc Kinh sẽ tác động không nhỏ đến kinh tế toàn cầu cũng như thị trường dầu mỏ.

Bộ trưởng Năng lượng Nga cho rằng mức giá 80 USD/ thùng hiện tại là phù hợp với cả nhà sản xuất và người tiêu dùng, đảm bảo thị trường toàn cầu cân bằng.

JMMC được thành lập nhằm giám sát các mục tiêu của Tuyên bố Algiers 30/9/2016 về việc cắt giảm 1,8 triệu thùng dầu/ ngày để duy trì sản lượng trong khoảng 32,5 triệu - 33 triệu thùng/ ngày của 25 nước OPEC và phi OPEC nhằm giúp giá dầu phục hồi.

Nếu nguồn dầu mỏ của Nga sắp "cạn" và ngành kinh tế chủ lực này của Nga sắp "chết", Moscow hẳn sẽ không được OPEC coi trọng như hiện nay. Chỉ có thực tế ngược lại mới cho phép Nga có tầm ảnh hưởng rất lớn trên thị trường dầu khí toàn cầu, thậm chí đóng vai trò then chốt trong việc điều tiết thị trường và giá cả như hiện nay.