Pershing IA missile launcher and RSD-10 Pioneer (SS-20) missile
© Wikimedia Commons / RIA Novosti / SputnikTên lửa tầm trung Pershing IA của Mỹ và RSD-10 Pioneer (SS-20) của Nga
Người đứng đầu Ủy ban quốc phòng Duma Quốc gia (Hạ viện Nga) Vladimir Shamanov cho biết, Moscow có thể đáp trả việc rút khỏi INF của Mỹ bằng việc mở lại các căn cứ quân sự tại Cuba.

Nói về việc Cuba có chấp thuận hay không cho Nga mở lại căn cứ quân sự ở nước này, ông Shamanov tự tin cho rằng, Cuba sẽ đồng ý cho quân đội Nga triển khai lại các căn cứ. "Sau khi đã có những phân tích về tình hình thực tế, các đề xuất sẽ được đưa ra", ông Shamanov nói.

Kế hoạch cụ thể sẽ được đưa vào chương trình nghị sự khi Chủ tịch Cuba Miguel Diaz-Canel thăm chính thức Nga trong tháng 11/2018. Theo ông Shamanov: "Cuba có lợi ích riêng của họ và những lợi ích này đang bị tổn thương vì các lệnh trừng phạt của Mỹ".

Cuối cùng, vị quan chức này nhấn mạnh, nếu Mỹ và Nga không đạt được thỏa thuận và Mỹ chính thức rút khỏi Hiệp ước INF, một "cuộc khủng hoảng mới" sẽ xảy ra.

Tình huống tương tự cũng đã được tờ Washington Post (WP) nói đến và cho rằng, Mỹ và Nga đang hướng tới một cuộc chạy đua vũ trang mới, giống Xô-Mỹ trước đây một khi Mỹ chính thức rời INF.

Hiệp ước INF là một bước đột phá tại thời điểm ký kết, vì nó có thể giải giáp toàn bộ kho vũ khí hạt nhân thời chiến tranh lạnh giữa Liên Xô/Nga và Mỹ. Nhưng hiện nay mối quan hệ giữa Washington và Moscow thiếu sự tin cậy lẫn nhau dẫn đến nguy cơ sụp đổ thỏa thuận này.

Báo Mỹ viết, INF là lần đầu tiên đạt được thỏa thuận loại trừ một lớp vũ khí hạt nhân trong toàn bộ thời gian Chiến tranh Lạnh và việc nó bị hủy bỏ sẽ dẫn đến bắt đầu một cuộc chạy đua vũ trang mới.

Đây là "một thời kỳ tràn đầy hy vọng, khi cả hai siêu cường tin rằng một thỏa thuận hạn chế và có thể kiểm soát được sẽ làm giảm mối đe dọa của một cuộc chiến tranh hạt nhân".

Tuy nhiên, giờ các nước không tin tưởng lẫn nhau. Điều này cho thấy, cả Mỹ và Nga dường như đang quay trở lại cuộc chạy đua vũ trang, mà đã được thế hệ trước loại trừ; thế nhưng, cả hai bên đều tuyên bố rằng "họ không muốn điều này".

Kể từ năm 2014, Washington đã liên tục nói Moscow đang phát triển và tiến hành các cuộc thử nghiệm tên lửa bị cấm trong hiệp ước này. Tuy nhiên, theo các tác giả của bài viết thừa nhận, chi tiết của những cáo buộc này vẫn còn mơ hồ, và Nga luôn bác bỏ chúng.

Ngược lại, Moscow cũng cho rằng hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ vi phạm hiệp ước và Mỹ cũng phủ nhận điều này. Hiệp ước INF cung cấp một cơ chế đặc biệt để giải quyết các tranh chấp như vậy, nhưng cho đến nay công việc không mang lại kết quả.

Tác giả bài viết nhấn mạnh rằng, tình thế đối đầu và tiêu cực dẫn đến sự sụp đổ của Hiệp ước INF và bắt đầu một cuộc chạy đua vũ trang mới.

Nếu Hiệp ước này thực sự bị hủy bỏ, rõ ràng là việc Washington Post nhận định là hai bên sẽ lao vào một cuộc chạy đua vũ trang là điều có thể xảy ra. Tuy nhiên, bối cảnh địa-chính trị trên thế giới đã khác xa ngày xưa, và Nga cũng đã có những nhà lãnh đạo mới khôn ngoan hơn.

Nga hiện nay sẽ không chạy đua vũ trang ồ ạt với Mỹ như thời Liên Xô trước đây, mà sẽ tập trung phát triển có chọn lọc các loại vũ khí thế mạnh và có tính chất răn đe khủng khiếp của mình như tàu ngầm hạt nhân chiến lược/tấn công đa năng; tên lửa hạt nhân phóng từ đất liền, cùng với các tên lửa hành trình phóng máy bay ném bom tầm xa.

Giới chuyên gia cho rằng, chính bộ 3 vũ khí răn đe hạt nhân này sẽ là nhân tố chủ chốt trong việc làm nguội bất cứ cái đầu nóng nào muốn gây chiến với nước Nga.