Trump Bin Salman Saudia arabia
© Mark Wilson / dpa for AFP
Hôm 1/11, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo trả lời phỏng vấn KMOX nói rằng, Washington đang xem xét áp đặt lệnh trừng phạt nhằm vào những người được xác định có liên quan đến vụ giết nhà báo Jamal Khashoggi.

"Chính quyền Mỹ đang xem xét áp đặt lệnh trừng phạt nhằm vào những người được xác định có liên quan đến vụ giết người. Có thể sẽ mất nhiều tuần trước khi thu thập đủ bằng chứng để áp đặt biện pháp trừng phạt, nhưng chúng tôi có thể làm được điều này" - Ngoại trưởng Mỹ cho biết.

Ngoài ra, Mỹ cũng không ngoại trừ việc sẽ tìm ra kẻ đứng sau vụ việc và có trừng phạt thích đáng. Ông nói: "Chúng tôi sẽ tìm ra sự thật. Tổng thống Donald Trump từng tuyên bố Mỹ sẽ buộc những kẻ đứng sau vụ giết người này phải chịu trách nhiệm".

Dẫu vậy, ông Mike Pompeo cũng không quên nhấn mạnh rằng, Mỹ có quan hệ chiến lược lâu dài và sâu sắc với Saudi Arabia và "muốn đảm bảo mối quan hệ còn nguyên vẹn".

Phản ứng "nước đôi" này của Washington được đặt trong bối cảnh vụ sát hại nhà báo Jamal Khashoggi trong Tổng Lãnh sự quán Saudi Arabia tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ có thể ảnh hưởng đến quan hệ song phương, được ghi dấu bằng thương vụ mua bán vũ khí trị giá hàng trăm tỷ USD.

Phản ứng từ phía Saudi là rất thận trọng. Họ dần dần khẳng định sự thật trong vụ việc nhưng vẫn tìm cách để giảm nhẹ lỗi lầm.

Irfan Fidan, Trưởng Công tố viên thành phố Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) đã tham gia điều tra lãnh sự quán Saudi Arabia tại Istanbul, xác nhận nhà báo Jamal Khashoggi bị siết cổ và thi thể của ông bị cắt làm nhiều phần để tiêu hủy.

Ông Irfan Fidan cho biết, nhà báo Jamal Khashoggi bị siết cổ ngay khi bước vào lãnh sự quán Ả Rập Xê Út ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ, sau đó thi thể ông bị phi tang, chứng tỏ vụ việc đã được lên kế hoạch từ trước.

Hôm 25/10, cơ quan công tố của Saudi Arabia thừa nhận vụ sát hại nhà báo Khashoggi đã được lên kế hoạch từ trước nhưng không tiết lộ thêm về việc sát hại đã diễn ra thế nào và thi thể của ông Khashoggi đang ở đâu.

Điều này cũng trái ngược với tuyên bố trước đó của Chính quyền Saudi rằng ông Khashoggi chết vì tai nạn. Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman còn tìm cách "giảm tông" vụ việc khi cho rằng, nhà báo Jamal Khashoggi là một phần tử Hồi giáo cực đoan nguy hiểm.

Điều này đã được Thái tử Saudi tiết lộ trong cuộc điện thoại với con rể của Tổng thống Mỹ Donald Trump, Jared Kushner, và cố vấn an ninh quốc gia John Bolton vào thời điểm sau khi nhà báo Khashoggi mất tích một cách bí ẩn, theo Washington Post.

Trong cuộc nói chuyện qua điện thoại này, Thái tử Salman hối thúc Kushner và Bolton bảo tồn liên minh Mỹ-Saudi và cho biết, nhà báo Khashoggi là một thành viên của tổ chức Anh em Hồi giáo - một tổ chức mà từ lâu đã bị Mỹ lên án.

Cuộc gọi điện nói trên diễn ra trước khi vương quốc Saudi Arabia công khai thừa nhận cái chết của Khashoggi.

Nguồn tin giấu tên tiết lộ Bolton không thể hiện dấu hiệu nào cho thấy ông tán thành với cáo buộc của Thái tử Arab. Một quan chức Arab hôm 31/10 phủ nhận việc Thái tử Salman đưa ra phát biểu trên, nói rằng những cuộc điện đàm diễn ra thường xuyên nhưng "không có bình luận nào như vậy".

Nếu tuyên bố là thật, nó mâu thuẫn với tuyên bố trước đó của Thái tử Saudi khi ông nói với truyền thông quốc gia rằng, Riyadh không coi nhà báo Jamal Khashoggi là nhà báo đối lập và coi cái chết của nhà báo Saudi là một "lỗi khủng khiếp" và một "thảm kịch kinh khủng".

"Vụ việc đã xảy ra là một điều vô cùng đau đớn, đối với tất cả người dân Saudi. Vụ việc này là không thể biện minh" - ông bin Salman nói tại một sự kiện thu hút đông đảo giới doanh nhân và quan chức, khách quốc tế hồi tuần trước.

Đại sứ Saudi Arabia tại Mỹ, Khalid bin Salman, vào tháng trước đã miêu tả Khashoggi như một "người bạn" đã "dành phần lớn đời mình cống hiến cho đất nước".

Trong khi đó, gia đình Khashoggi bác bỏ thông tin nhà báo này là phần tử Hồi giáo nguy hiểm. "Jamal Khashoggi không phải thành viên tổ chức Anh em Hồi giáo. Ông đã nhiều lần bác bỏ cáo buộc này trong những năm qua. Jamal Khashoggi không phải là một người nguy hiểm theo bất cứ cách nào. Cáo buộc này thật lố bịch", đại diện gia đình Khashoggi ra tuyên bố cho hay.

Gia đình tiết lộ Khashoggi có cảm tình với một số mục tiêu của tổ chức Anh em Hồi giáo, nhưng ông cũng không đồng ý với nhiều quan điểm của họ, đặc biệt là vấn đề liên quan tới Arab Saudi.

Được biết, con trai của nhà báo Jamal Khashoggi trước đây đã bị cấm xuất cảnh nhưng vừa qua đã được rời Saudi Arabia và sang Mỹ sinh sống.