PutinErdogan
© AP Photo / Alexander Zemlianichenko, Pool
Tuyến đường dẫn dưới đáy biển của Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ đã hoàn thành

Theo Sputnik, ngày 19/11, Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan đã phát lệnh kết nối đoạn ống cuối cùng của tuyến đường dẫn khí đốt dưới đáy biển trong Dự án Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ - TurkStream Project.

Phát biểu tại buổi lễ, Tổng thống Putin ca ngợi những nỗ lực của chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ giúp hoàn thành đúng tiến độ tuyến đường ống dẫn dưới đáy biển của Dự án Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ - một dự án, mà theo ông Putin, là vô cùng phức tạp.

"Chúng ta cùng chứng kiến ​​một sự kiện quan trọng thể hiện rõ ràng hiệu quả hợp tác giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ cùng với các đối tác khác để thực hiện một dự án phức tạp và được kỳ vọng nhất".

Nhà lãnh đạo Nga cũng lưu ý rằng các dự án đường dẫn khí đốt của Nga như Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ không nhằm chống lại bất cứ quốc gia nào, mà hoàn toàn hướng tới lợi ích các quốc gia tham gia dự án, trong trường này là Thổ Nhĩ Kỳ.

"Các dự án tương tự và đặc biệt là TurkStream không chống lại lợi ích của bất kỳ ai. Các dự án này đều hướng tới phát triển mối quan hệ hợp tác giữa các nước, tạo điều kiện cho các quốc gia liên quan phát triển kinh tế bền vững".

Người đứng đầu Điện Kremlin hy vọng tuyến đường ống dẫn trên đất liền của Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ cũng sẽ được thực hiện nhanh như tuyến đường ống ngầm dưới đáy biển, để công trình có thể vận hành trước cuối năm 2019.

Được công bố vào tháng 12/2014, Dự án Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ ra đời thay thế cho Dự án Dòng chảy phương Nam - South Stream - một dự án đường ống dẫn khí đốt cung cấp cho Nam Âu qua Biển Đen và bỏ qua Ukraine - đột ngột bị đình lại.
Turkish Stream gas pipeline route
© gazprom.ru
Dự án TurkStream ban đầu được dự kiến khởi công vào tháng 12/2016, nhưng bị tạm dừng vào tháng 11/2015 do bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng ngoại giao Nga-Thổ. Dự án được kích hoạt trở lại vào tháng 9/2016.

Ngày 20/1/2017, Duma Quốc gia Nga chính thức phê chuẩn thỏa thuận Dự án Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ, khơi thông về mặt pháp lý cho Dự án TurkStream - bước đi cuối cùng cho việc thực thi dự án.

Công suất thiết kế của TurkStream là 31,5 tỷ m3 khí/năm. Hệ thống đường ống dẫn gồm 920km đặt dưới đáy Biển Đen và 200km trên bờ. TurkStream gồm hai nhánh, mỗi nhánh công suất 15,75 tỷ m3 khí/năm.

Nhánh thứ nhất đường ống TurkStream - TurkStream A - có trị giá đầu tư là 7 tỷ euro - khoảng 7,94 tỷ USD, dự kiến hoàn tất và vận hành vào ngày 30/12/2019. Toàn bộ sản lượng khí đốt của nhánh thứ nhất này hướng tới Thổ Nhĩ Kỳ.

Dự án Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ được xem là đột phá khẩu chiến lược của Tổng thống Putin, sau Dự án đường ống dẫn khí khổng lồ South Stream bịnh đình lại, còn Dự án Dòng chảy phương Bắc 2 - Nord Stream 2 - thì gặp quá nhiều cản trở.

Ngày 19/11/2018, khi đoạn cuối cùng của tuyến ống dẫn dưới biển được lắp đặt thì cũng đồng nghĩa hơn 60% khối lượng công việc của TurkStream đã hoàn thành và đột phá khẩu của Putin đã "rõ nét-thành hình".

Đặc biệt, Phó Chủ tịch Tập đoàn năng lượng Gazprom Alexander Medvedev cho biết tập đoàn khổng lồ này đã lên kế hoạch bắt đầu xây dựng nhánh thứ hai đường ống TurkStream - TurkStream B - vào đầu năm 2019.

Putin cười ngạo nghễ với Mỹ-phương Tây

Khi 920 km đường ống dẫn đi dưới đáy biển của TurkStream được xây dựng xong, có lẽ nhiều người vẫn không thể nghĩ đó là sự thật và khó tin Tổng thống Putin lại có thể làm được điều kỳ diệu đó, nếu như ngược thời gian về 3 năm trước.

Hẳn dư luận còn nhớ ngày 24/11/2015 đã xảy ra một sự kiện cực kỳ nguy hiểm đối với quan hệ Nga-Thổ, đó là quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đã bắn rơi một máy bay phản lực Su-24 của Nga trên vùng trời khu vực biên giới Syria-Thổ Nhĩ Kỳ.

Đây là lần đầu tiên một thành viên NATO bắn hạ một máy bay Nga và có thể châm ngòi cho một xung đột quân sự, bởi "mỗi quốc gia phải hiểu rằng bắn một máy bay quân sự có thể khởi phát chiến tranh", theo nhà chính trị Nga Gennady Gudkov.

Vì vậy, ngay lập tức "NATO đã tổ chức một cuộc họp bất thường để thảo luận về vụ việc theo yêu cầu của Thổ Nhĩ Kỳ. NATO theo dõi chặt chẽ tình hình để có thể đưa ra phản ứng kịp thời", BBC tường thuật.

Song Tổng thống Putin đã không chọn đáp trả bằng biện pháp quân sự với Ankara, mà chọn cấm vận kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ - quyết định được cho là hết sức mạo hiểm vì Nga đang bị cấm vận của Mỹ và phương Tây bao vây.

Tuy nhiên, Nga là đối tác thương mại lớn thứ hai của Thổ Nhĩ Kỳ, 60% năng lượng Thổ Nhĩ Kỳ nhập khẩu từ Nga và năm 2014, đất nước Thổ Nhĩ Kỳ đã là điểm đến nước ngoài lớn nhất đối với khách du lịch Nga.

Nhận rõ lợi điểm hại đó, nhà lãnh đạo Nga đã không mắc sai lầm nào trong phương pháp và kỹ thuật trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ. Moscow tung đòn thật mạnh ngay từ đầu khiến Ankara không thể chống đỡ trong thời gian dài. Và Ankara đã sớm nốc-ao.

Chỉ 8 tháng khủng hoảng, giá trị trao đổi thương mại Nga-Thổ sụt giảm 43%, Thổ Nhĩ Kỳ mất vĩnh viễn 25% thị trường Nga. Một phút nông nổi, Ankara đã đánh mất hoàn toàn 1/4 lợi ích của người dân và doanh nghiệp Thổ Nhĩ Kỳ với đối tác Nga.

Cuối cùng, ngày 26/6/2016, Tổng thống Erdogan đã phải gửi thư xin lỗi Tổng thống Putin về cuộc "Khủng hoảng 17 giây" và đề nghị được bình thường hoá quan hệ với Nga càng sớm càng tốt.

Từ sau khi Erdogan "chạy lại", quan hệ Nga-Thổ thời hậu "Khủng hoảng 17 giây" đã chuyển sang một trang mới với sự phát triển mạnh mẽ, những chương trình-dự án bị ngưng trệ vì "Sự cố Su-24", được tái khởi động, trong đó có Dự án TurkStream.

Tổng thống Putin đã chọn dự án TurkStream làm đột phá khẩu vào vòng vây cấm vận-trừng phạt của Mỹ và phương Tây. Trước khi dự án khởi công, nhiều nghi ngại TurkStream sẽ có thể chết yểu như South Stream, bởi tính bốc đồng của Erdogan.

Vì vậy, ngày 19/11/2018, đúng 3 năm xảy ra cuộc "Khủng hoảng 17 giây", khi đột phá khẩu của Tổng thống Putin rõ nét-thành không thể không khiến dư luận Nga ngỡ ngàng, còn các tác giả trừng phạt Nga phải cay đắng.

Không cay sao được khi Tổng thống Putin áp dụng chính sách của Washington là dùng công cụ lợi ích để hiệu chỉnh chính đồng minh của Mỹ, mà điều đó góp phần không nhỏ vào việc tạo sự lệch pha trong quan hệ Mỹ-Thổ, quan hệ Thổ-NATO.

Không đắng sao được khi Moscow cũng áp đặt trừng phạt nhưng Ankara phải nốc- ao, còn Washington và đồng minh càng siết trừng phạt, càng gia tăng trừng phạt, càng gia hạn trừng phạt thì Nga càng mạnh mẽ, Putin càng quyết liệt.

Bẽ bàng hơn là khi nhận ra TurkStream vừa hiệu quả về kinh tế, vừa quan trọng về an ninh năng lượng, nhiều đồng minh của Mỹ như Italy và Bulgaria, đã xin tham gia, giúp Putin "vẽ lại bản đồ năng lượng châu Âu", như nhận định của Financial Times.

Với thực tế như vậy, rõ ràng Tổng thống Putin hoàn toàn có thể cười ngạo nghễ với Mỹ và phương Tây khi đột phá khẩu của mình đã rõ "nét-thành hình"!