Minister of State for Energy Affairs Saad al-Kaabi
© Naseem Zeitoon, Reuters/File PhotoBộ trưởng Năng lượng Qatar Saad al-Kaabi
Ngày 3/12, Tân Bộ trưởng Năng lượng Qatar Saad al-Kaabi đã phát đi tuyên bố về việc quốc gia này sẽ rời khỏi Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) tại Thủ đô Doha của nước này. Theo ông Saad al-Kaabi, Qatar đã thông báo về quyết định này cùng ngày.

Quyết định được đưa ra ngay trước thềm cuộc họp vào ngày 6/12 tới của tổ chức này và các nhà xuất khẩu ngoài OPEC tại Vienna, Áo để bàn về việc cắt giảm sản lượng.

Hiện tại, sản lượng dầu của quốc gia này là 600.000 thùng/ngày. Do đó, việc Qatar tuyên bố rời OPEC sẽ gây ra một số tác động cho thị trường dầu mỏ thế giới, song theo giới phân tích, ảnh hưởng đó là "không quá lớn".

Dầu mỏ đã giúp Qatar thành một trong những nước có GDP bình quân đầu người cao nhất thế giới và cũng là một trong những nước có tốc độ tăng trưởng GDP nhanh nhất.

"Quyết định rút lui phản ánh mong muốn của Qatar trong việc tập trung các nguồn lực vào phát triển và cải thiện ngành sản xuất khí tự nhiên, cố gắng từ 77 triệu tấn tăng lên 110 triệu tấn mỗi năm trong các năm tiếp theo" - ông al-Kaabi nói.

Ông Al-Kaabi cho biết tuyên bố rút khỏi OPEC đơn thuần là một quyết định kinh doanh.

Nhà lãnh đạo ngành năng lượng Qatar nói: "Chúng tôi là một người chơi nhỏ trong OPEC, và tôi là một doanh nhân, thật không hợp lý đối với tôi khi tập trung vào những thứ không phải là thế mạnh, và khí là thế mạnh của chúng tôi nên quyết định này đã được đưa ra".

Việc Qatar rút khỏi OPEC được cho là không liên quan đến lệnh phong tỏa ngoại giao Qatar của các nước Saudi Arabia, Các tiểu Vương quốc Ả Rập thống nhất, Ai Cập và Bahrain.

Bộ trưởng Saad al-Kaabi cho biết quyết định rút khỏi OPEC không hề dễ dàng bởi Qatar đã là thành viên của tổ chức này trong suốt 57 năm, nhưng ảnh hưởng của đất nước này đối với các quyết định của OPEC là không lớn.

Ông Saad al-Kaabi nhấn mạnh rằng, Doha sẽ tiếp tục tuân thủ đầy đủ các cam kết giống như bất kỳ nhà sản xuất dầu mỏ nào khác không thuộc OPEC.

Dù Qatar là quốc gia xuất khẩu khí tự nhiên hóa lỏng lớn nhất thế giới (77 triệu tấn LNG/năm) nhưng trong khối OPEC, Saudi Arabia mới là quốc gia có sản lượng dầu mỏ lớn nhất.

Bên ngoài OPEC, sản lượng dầu của Nga là lớn nhất với 11,37 triệu thùng/ngày trong tháng 11. Trong khi đó, Mỹ cũng đang bơm ra lượng dầu kỷ lục với mức lớn chưa từng thấy lên tới 11,5 triệu thùng/ngày.

Các quyết sách của Saudi Arabia tại OPEC đang bị cho là ảnh hưởng từ phía chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Ông Trump đã không ngừng ca ngợi nỗ lực của Saudi Arabia trong việc làm giảm giá dầu thế giới sau khi ông cũng tự nhận bản thân ông đã khiến thị trường dầu bớt "sốc" trước lệnh trừng phạt Iran.

Mỹ được cho là đã thúc đẩy Saudi Arabia - quốc gia quyền lực nhất OPEC - tiếp tục thúc đẩy sản xuất dầu để bù đắp vào lượng dầu bị giảm trên thị trường từ lệnh trừng phạt Iran. Tuy nhiên, Washington lại miễn trừng phạt cho một số quốc gia nhập khẩu lớn từ Iran và khiến lượng dầu cung trên thị trường không có nhiều thay đổi.

Giá dầu đã sụt giảm chỉ trong vòng 2 tuần khiến OPEC và Nga lập tức đổi chiến thuật. Nga và Saudi Arabia ngày 1/12 đã nhất trí gia hạn sang năm 2019 thỏa thuận về quản lý thị trường dầu lửa, hay còn gọi là thỏa thuận OPEC+.

Dù Moscow và Riyadh vẫn chưa nhất trí được về việc có thêm một đợt cắt giảm sản lượng nữa hay không nhưng giới phân tích cho rằng, quyết định cắt giảm sản lượng khai thác sẽ sớm được thông qua.

Giới quan sát kỳ vọng các nhà xuất khẩu sẽ giảm 1 đến 1,4 triệu thùng/ngày so với mức cao nhất hồi tháng 10.