S-400 India Russia
© Sputnik / Alexey Malgavko
"Thỏa thuận về hệ thống phòng không S-400 đã giải quyết xong. Chúng tôi đã ký kết và sẽ nhận S-400 từ Nga. Không có bất cứ trục trặc nào xảy ra", hãng tin Sputnik dẫn lời Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlüt Cavusoglu cho biết hôm 2/12.

"Cho đến khi Nga xuất hiện và đưa ra đề xuất tốt nhất trong bối cảnh Ankara cần tăng cường hệ thống phòng không để bảo vệ an ninh quốc gia. Thiết nghĩ chúng tôi không thể từ chối thiện chí như vậy. Và mọi thỏa thuận đã kết thúc, chúng tôi sẽ sớm có hệ thống này để bảo vệ vùng trời của mình" - Ngoại trưởng Cavusoglu cho biết.

Ngoài ra, Ankara cũng đưa ra lập trường của mình trong việc lựa chọn các hệ thống phòng không sắp tới. "Tất nhiên, chúng tôi sẽ cần thêm những trang bị quốc phòng. Và chúng tôi sẽ chờ quốc gia nào đưa ra đề xuất tốt nhất" - ông Cavusoglu nói.

Thông tin này của Thổ Nhĩ Kỳ đưa ra như một gáo nước lạnh tạt vào Washington. Bản thân ngay trước khi thông báo chính thức về bản hợp đồng S-400 mà Ankara vừa phát đi, phía Mỹ cũng đã đưa ra đề nghị sẽ đáp ứng mọi yêu cầu về vũ khí phòng không hiện có trong biên chế quân đội Mỹ để bán cho đối tác Thổ Nhĩ Kỳ.

Tuy nhiên, Ibrahim Kalyn, người phát ngôn của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cho rằng Thổ Nhĩ Kỳ còn muốn tham gia vào quá trình sản xuất và chuyển giao công nghệ với hệ thống Patriot của Mỹ.

"Thổ Nhĩ Kỳ không thể dựa vào một nguồn cung duy nhất vì chúng tôi là một nước lớn, có vai trò quan trọng trong khu vực. Chúng tôi sẽ sở hữu cả S-400 và Patriot. Đây là một điều dễ hiểu. Thậm chí, chúng tôi vẫn đang chờ đợi những lời đề nghị từ các nhà cung cấp khác nếu nó thực sự hấp dẫn" - ông Ibrahim Kalyn cho biết.

Theo nhiều chuyên gia, sự xuất hiện của S-400 trong lực lượng quân sự của một nước được coi là đồng minh với Mỹ để lại rất nhiều hệ lụy. Về tính chiến thuật, S-400 xuất hiện trong biên chế của Thỗ Nhĩ Kỳ sẽ mang lại những lo ngại về việc hệ thống này sẽ như "gián điệp", thâu tóm các thông tin kỹ chiến thuật, phối hợp tác chiến của các loại máy bay chiến đấu trong biên chế đồng minh Mỹ để cung cấp ngược lại cho Nga.

Và yếu tố quan trọng hơn, S-400 hay các hệ thống phòng thủ tiền nhiệm trước đó là S-300 dường như là một loại đại diện địa chính trị hơn là một vũ khí phòng thủ đơn thuần. Khi một trong những tổ hợp này xuất hiện ở bất kỳ quốc gia nào cho thấy chính quyền đó có mối quan hệ thân thiện với Moscow.

Ankara sẽ lựa chọn S-400 hay các hệ thống phòng ngự của Mỹ như Patriot, đây không còn là câu chuyện tranh giành thị trường vũ khí đơn thuần, mà còn là cạnh tranh địa chính trị của Nga và Mỹ với một quốc gia sở hữu vị trí địa lý tối quan trọng như Thổ Nhĩ Kỳ.

Để theo đuổi cuộc cạnh tranh ảnh hưởng này, Washington đã dùng một chuỗi biện pháp, từ việc trừng phạt kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ thông qua cái cớ "linh mục Brunson", cho đến các biện pháp ngăn chặn các hoạt động quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ với người Kurd tại Syria và kêu gọi các cuộc đàm phán song phương giữa Washington và Ankara...

Đến thời điểm Washington bật đèn xanh sẽ bán mọi vũ khí mà Thổ Nhĩ Kỳ muốn trong biên chế của Mỹ chỉ cần Ankara ngừng hợp tác với Nga trong thương vụ S-400 đã cho thấy phía Mỹ thực sự đã cho thấy họ xuống nước và chơi bài ngửa, muốn ngăn chặn sự hợp tác Nga - Thổ bằng bất kỳ giá nào.

Tuy nhiên, việc Ankara lấp lửng về câu chuyện mua S-400 vẫn còn muốn sở hữu Patriot cho thấy chính sách đối ngoại hai mặt và đa phương của quốc gia này. Không còn vị thế của một đồng minh chư hầu với Mỹ trong khu vực, Ankara dường như đang muốn tiến đến việc tự chủ hơn trong các hoạt động mang tính ngoại giao, quân sự, chính trị của mình.

Thực tế cho thấy quan điểm của Ankara là chính xác, bởi khi hợp tác với Nga, Thổ Nhĩ Kỳ đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc khủng hoảng ở quốc gia láng giềng Syria. Ngoài ra, nhờ việc được Moscow bật đèn xanh, Ankara tiệm cận với cơ hội quét sạch đối thủ người Kurd - vốn đang được người Mỹ bao bọc. Những lợi ích này Washington không thể bao bọc cho Ankara được.

Bản thân hợp đồng S-400 cũng thể hiện thiện chí của Nga là lớn hơn khi họ hỗ trợ cho Thổ Nhĩ Kỳ trả chậm phần lớn kinh phí trong giá trị hợp đồng hơn 2.5 tỷ USD này. Từ đó để thấy, cách tiếp cận vấn đề của Moscow rõ ràng có sự khéo léo hơn Washington.

Thổ Nhĩ Kỳ dường như đã toan tính cho mình nhiều lợi ích hơn trong câu chuyện S-400, và mở rộng ra là sự hợp tác với Nga trong khu vực. Thổ Nhĩ Kỳ có lý khi hi vọng sẽ cùng Nga để mở ra một tầm ảnh hưởng lớn hơn trong khu vực. Tuy nhiên, những toan tính này khiến Ankara đã không còn cùng một phe với Washington. Và hẳn là sẽ có những hậu quả cho việc này...