Chinese president Xi Jinping and Panamanian president Juan Carlos Varela
© ReutersChủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Panama Juan Carlos Varela
Trung Quốc bắt tay Panama

Sau khi kết thúc hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế lớn G20 ở Argentina, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã tới thăm một "người bạn mới" - Panama.

Panama là một quốc gia ở Trung Mỹ, có diện tích hơn 70.000 km2, nhỏ hơn cả diện tích của Trùng Khánh (hơn 80.000 km2), với tổng dân số 4.07 triệu người, bằng 1/5 dân số Bắc Kinh.

Theo Báo Thanh niên Bắc Kinh, gọi Panama là "người bạn mới" là vì hai nước chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao mới được một năm rưỡi. Tuy nhiên, trước khi thiết lập quan hệ ngoại giao (tháng 6/2017), hai bên đã có hơn 160 năm lịch sử tiếp xúc trao đổi trong các lĩnh vực ngoại giao, kinh tế thương mại nên Trung Nam Hải cũng vẫn có thể coi Panama cũng là một "người bạn cũ".

Tại thời điểm hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao, Đài truyền hình trung ương Trung Quốc CCTV đã tiến hành một cuộc điều tra về ấn tượng của cư dân mạng với Panama. Phản ứng đầu tiên của cư dân mạng Trung Quốc đều là "kênh đào Panama".

Truyền thông Trung Quốc cho rằng, nếu chỉ coi kênh đào Panama là cầu nối giữa Thái Bình Dương và Đại Tây Dương thì đây là suy nghĩ quá đơn giản bởi kênh đào này còn có ý nghĩa đặc biệt với cả Trung Quốc và Mỹ.

Như người đứng đầu một tập đoàn vận tải đường biển lớn nhất Trung Quốc từng nhận xét, "những sản phẩm Made in China bạn nhìn thấy trong các siêu thị ở New York, hầu như đều được vận chuyển đến Mỹ qua kênh đào Panama".

Do đó, chuyến thăm đầu tiên của ông Tập tới Panama vào đầu tháng 12 này được đánh giá có ý nghĩa vô cùng đặc biệt.

Bởi trong 5 quốc gia quyết định chấm dứt quan hệ với Đài Loan và thiết lập hoặc khôi phục quan hệ ngoại giao với Trung Quốc gần đây, gồm São Tomé and Príncipe, Panama, Dominica, Burkina Faso và El Salvador, Chủ tịch Trung Quốc mới chỉ tới thăm duy nhất Panama trong khi nguyên thủ các nước này đều đã công du Bắc Kinh.

Điều này có liên quan chặt chẽ đến mối quan hệ lịch sử sâu sắc giữa hai nước. Tính cho đến nay, có khoảng 280.000 Hoa kiều sinh sống ở Panama, chiếm 7% dân số toàn quốc. Ẩm thực Trung Quốc, đặc biệt là ẩm thực Quảng Đông có ảnh hưởng sâu sắc và hiện nay rất nhiều người Panama có thể sử dụng đũa một cách thành thạo.

Đặc biệt, từ năm 2004, chính phủ Panama đã ra thông báo, chọn ngày 30/3 mỗi năm để kỷ niệm "Ngày Trung Quốc".

Trên sườn núi cao của đỉnh núi Culebra, phía trước cây cầu nối kênh đào Panama có một đài kỷ niệm được xây từ năm 2004 nhằm kỷ niệm 150 năm người Hoa đặt chân đến Panama.

Mỹ thứ nhất, Trung Quốc thứ hai

Ngoài sợi dây liên kết ngoại giao chặt chẽ, hai nước còn được kết nối mạnh mẽ hơn bởi các trao đổi kinh tế thương mại.

Theo thông tin của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, trong năm 2017, tổng kim ngạch thương mại song phương đạt 6,69 tỷ USD, trong đó Trung Quốc xuất khẩu sang Panama đạt 6,628 tỷ USD và nhập khẩu đạt 620 triệu USD, tăng lần lượt 2.8% - 2.4% - 67.6% so cùng kỳ năm ngoái.

Ngoài ra có thể kể đến kênh đào Panama.

Kênh đào này chiếm hơn 140 tuyến đường vận tải biển, là điểm trung chuyển giữa 1.700 cảng biển của 160 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới, bình quân hàng năm khoảng 6% lượng hàng hóa thương mại thế giới vận chuyển qua đây, trong đó 20% số hàng hóa nếu không đến từ Trung Quốc thì cũng được chuyển đến Trung Quốc.

Mỗi tàu chở hàng khi đi qua kênh đào Panama đều phải nộp phí từ 200.000 đến 400.000 USD, trong số doanh thu 1,9 tỷ USD từ kênh đào này, số tiền các doanh nghiệp vận tải Trung Quốc nộp lên đến hàng trăm triệu USD.

Do đó, hiện nay kênh đào Panama đóng vai trò vô cùng quan trọng trong cán cân thương mại Trung-Mỹ.

Khi Trung Quốc - Panama thiết lập quan hệ ngoại giao, Tổng thống Juan Carlos Varela trong một bài phát biểu trên truyền hình quốc gia từng tuyên bố rằng, Trung Quốc đã trở thành nước sử dụng kênh đào Panama lớn thứ hai và là nhà cung cấp hàng hóa lớn nhất cho khu mậu dịch tự do Colón Panama.

Đồng thời, Panama cũng trở thành cửa ngõ quan trọng cho nhiều công ty lớn của Trung Quốc thâm nhập vào thị trường châu Mỹ, bao gồm nước Mỹ.

Hiện nay, Mỹ vẫn là nước sử dụng kênh đào Panama lớn nhất. Năm 1982, hãng tàu COSCO đã vận chuyển chuyến hàng đầu tiên đi qua kênh đào Panama tới New York, mở ra tuyến đường vận tải biển đầu tiên giữa Mỹ và Trung Quốc.

Thực tế, kể từ sau khi thiết lập quan hệ ngoại giao, hợp tác song phương Trung Quốc - Panama không chỉ giới hạn trong lĩnh vực kinh tế với các giao dịch thông qua kênh đào Panama.

Trước đó, trong vòng 100 ngày kể từ ngày thành lập quan hệ ngoại giao, hàng chục thỏa thuận hợp tác liên quan đến kinh tế, thương mại, kiểm tra chất lượng, vận tải, hàng không dân dụng, tài chính, du lịch, văn hóa và tư pháp đã được khởi động.

Vào tháng 9/2017, đã có một nhóm các công ty Trung Quốc đến Panama để làm việc với các doanh nghiệp bản địa, ký một hợp đồng xuất khẩu hàng hóa sang Trung Quốc lên tới 38,7 triệu USD.

Đến tháng 11/2017, Tổng thống Varela lần đầu tiên dẫn một phái đoàn quan chức hơn 100 người sang thăm Trung Quốc. 100 quan chức này đều nắm giữ các vị trí quan trọng trong chính phủ đương nhiệm nên quy mô của chuyến công du này được đánh giá là rất lớn.

Kết quả của chuyến thăm Trung Quốc lần đó cũng là rất lớn. Hai bên đã ký 19 thỏa thuận thúc đẩy hiệp định thương mại tự do song phương, Panama trở thành quốc gia Mỹ Latin và vùng Caribe đầu tiên ký bản ghi nhớ về hợp tác Vành đài và con đường với Trung Quốc.

Ngoài thương mại, du lịch cũng là một trong những lĩnh vực phát triển mạnh nhất ở Panama. Sau chuyến thăm của Tổng thống Varela, Trung Quốc đồng ý xác nhận Panama trở thành điểm đến của du khách Trung Quốc.

Khoảng một năm sau đó (12/2018), Chủ tịch Trung Quốc đến thăm Panama. Trong lễ đón ông Tập, Tổng thống Panama khẳng định sẽ ủng hộ sáng kiến Vành đai và con đường, sẵn sàng sớm cùng Trung Quốc đàm phán về hiệp định tự do thương mại nhằm tăng cường thương mại mạo dịch hai nước.

Tổng thống Panama nhấn mạnh sẽ tận dụng vị trí và lợi thế về vận tải để đưa nước này trở thành cửa ngõ, là cầu nối giữa Trung Quốc với Trung Mỹ và Mỹ Latin.

Theo giới quan sát, từ trước tới nay, Mỹ luôn coi Mỹ Latin là sân sau nên thường lo lắng việc Trung Quốc mở rộng tầm ảnh hưởng ở khu vực này nên tuyên bố của Tổng thống Panama có thể khiến Washington phải "vò đầu bứt tai".

Tờ Asia Times (Hồng Kông) từng nhận định, sự khuếch trương ảnh hưởng của Trung Quốc ở Mỹ Latin sẽ trở thành mối quan tâm ngày càng tăng của các cơ quan chính phủ, quân sự và ngoại giao Mỹ.

Hãng tin Reuters cũng đồng khẳng định, nước Mỹ ngày càng quan tâm hơn đến sức ảnh hưởng của Trung Quốc ở Mỹ Latin. Theo Reuters, kể từ sau Chiến tranh Lạnh, tranh chấp hiện nay đã biến Trung Mỹ trở thành "chiến trường ủy quyền" cho cuộc chạy đua sức ảnh hưởng giữa càng cường quốc.