France MAcron yellow vests protests
Ngày 6/12, giới chức Pháp triệu tập các cuộc họp khẩn, điều động hàng nghìn cảnh sát và lực lượng an ninh để chuẩn bị cho nguy cơ bạo động. Dự kiến biểu tình lớn sẽ nổ ra vào 8/12 dù Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã nhượng bộ và đình chỉ việc tăng thuế nhiên liệu, "giọt nước tràn" ly gây ra tình trạng bất ổn những tuần qua.

Theo AP, Thủ tướng Edouard Philippe nói với các nghị sĩ rằng chính phủ sẽ huy động các biện pháp an ninh "đặc biệt hiếm có" để đối phó các cuộc biểu tình tại Paris và cả nước.

Tăng cường an ninh trước thềm biểu tình lớn

Phát biểu trên đài truyền hình TF1, ông Philippe cho hay 89.000 sĩ quan cảnh sát được điều động trên khắp cả nước, tăng 24.000 người so với tuần trước. Trong đó, 8.000 cảnh sát, trang bị thêm 12 xe bọc thép, sẽ phụ trách đảm bảo an ninh ở thủ đô. Đây là lần đầu tiên lực lượng an ninh được điều động trên quy mô lớn tại khu vực thành thị của Pháp từ năm 2005.


Tháp Eiffel, hơn 10 bảo tàng, 2 nhà hát và một số địa điểm văn hóa khác ở Paris, sẽ đóng cửa vào ngày 8/12 vì lý do an ninh. Nhà hát vũ kịch quốc gia Paris cũng đã hủy các buổi biểu diễn cuối tuần tại hai địa điểm ở thủ đô. Cảnh sát Paris khuyến cáo các cửa hiệu ở khu vực Champs Elysees nên đóng cửa cuối tuần này.

Hai lễ hội âm nhạc ở Paris bị hoãn. Khải Hoàn Môn vẫn tiếp tục được phong tỏa sau khi phải chịu thiệt hại từ cuộc biểu tình cuối tuần trước, cuộc bạo loạn khiến hơn 130 người bị thương.

Biểu tình ở Paris làm du khách lo lắng và cũng buộc nước này phải hủy 4 trận bóng đá trong khuôn khổ giải vô địch quốc gia vào cuối tuần. Nền kinh tế địa phương chịu tổn thất ngay trong đỉnh điểm mùa mua sắm lễ Giáng sinh. Tuần trước, người biểu tình hung hăng ném đá vào cửa hiệu ở Paris và "hôi của" tại một trong những khu vực giàu có nhất thành phố.


Clement Rozey, chủ cửa hàng xe máy ở phía tây Paris, đã tốn hai ngày để dọn dẹp sau khi bất lực đứng nhìn những kẻ côn đồ đập cửa kính và "khoắng" sạch cửa tiệm. Ông cho hay đã gia cố cửa hàng và sẽ đóng cửa vào cuối tuần này.

"Chúng tôi có lực lượng bảo vệ an ninh cả bên trong và bên ngoài cửa hàng. Mọi thứ đã được rào chắn nhiều lớp", ông Rozey nói với AP.

Ông Rozey bày tỏ sự thông cảm với phong trào biểu tình.


"Như tất cả mọi người, chúng tôi thắt lưng buộc bụng sau ngày 15 mỗi tháng", ông chia sẻ. Ngày 15 là ngày người lao động tại Pháp được trả lương. "Người biểu tình đang bảo vệ lý tưởng của họ, họ đang và có quyền theo đuổi điều đó đến cùng. Chúng tôi ủng hộ hết lòng".

Nhưng đối với ông, những kẻ bạo động gây rối, "hôi của" lại là câu chuyện khác.


Nhận xét: Cho các phần tử bạo động, hôi của trà trộn vào các cuộc biểu tình hòa bình là cách quen thuộc để các chính phủ làm giảm sự ủng hộ của dân chúng đối với cuộc biểu tình và tạo cớ đàn áp thẳng tay. Như John Lennon từng nói
Giới cầm quyền chọc tức bạn - họ kéo râu bạn, họ phẩy vào mặt bạn - để khiến bạn nổi xung mà động chân tay, bởi vì một khi họ đã khiến bạn dùng đến bạo lực thì họ biết cách xử lý bạn như thế nào. Thứ duy nhất mà họ không biết cách xử lý là thái độ hài hước và phi bạo lực.
Cuộc biểu tình Áo vàng này cũng không phải là ngoại lệ. Sau những cuộc bạo động, đập phá mấy ngày trước, chính phủ Pháp đã có cớ tập trung một lực lượng cảnh sát khổng lồ để đối phó. Và đến cuối tuần này, chúng ta biết điều gì sẽ xảy ra khi những người không vũ khí đụng độ với lực lượng cảnh sát trang bị tận răng...


Vấn đề không chỉ ở thuế nhiên liệu

Sau cuộc bạo loạn nghiêm trọng nhất thập niên tại Paris cuối tuần trước, một số người biểu tình "áo khoác vàng", quan chức công đoàn và chính khách có tầm ảnh hưởng đã kêu gọi các bên bình tĩnh.

Thủ tướng Pháp nhấn mạnh chính phủ có kế hoạch gỡ bỏ chính sách tăng thuế nhiên liệu vì nước Pháp đang đối mặt với "căng thẳng tột độ". "Không loại thuế nào đáng để đặt hòa bình của người dân vào nguy hiểm", ông Philippe nói.

Chính sách tăng thuế nhiên liệu, vốn nhằm mục đích đối phó với biến đổi khí hậu, được đình chỉ, nhưng những yêu cầu của người biểu tình giờ mở rộng ra nhiều vấn đề khác liên quan tới người lao động, người nghỉ hưu và học sinh sinh viên.

Các nhóm biểu tình khác nhau đang chia sẻ kế hoạch biểu tình cuối tuần trên mạng xã hội và nhiều nhóm chat..

Trước đó, đám đông thanh thiếu niên đụng độ với cảnh sát tại các trường trung học phía tây Paris để phản đối cải cách quy trình tuyển sinh đại học và tăng học phí. Người biểu tình "áo khoác vàng" tiếp tục lập chốt chặn đường trên khắp cả nước với nhiều yêu cầu, bao gồm cắt giảm nhiều loại thuế hơn và cấp phúc lợi xã hội rộng rãi hơn.

Trong lúc đó, ông Macron, tâm điểm của các cuộc biểu tình, lại gần như "biến mất" cả tuần nay, làm dấy lên nhiều hoài nghi.

Sau chiến thắng áp đảo trong cuộc bầu cử 2017, vị tổng thống với tư tưởng dung hòa 40 tuổi đã nỗ lực giúp nước Pháp trở nên cạnh tranh hơn trên thế giới. Tuy nhiên, những chính sách của ông, bao gồm việc giảm thuế cho người giàu để thúc đẩy đầu tư, lại gây bất bình trong chính phe ủng hộ.


Nhận xét: Từ chiến thắng áp đảo, tỷ lệ ủng hộ Macron giờ chỉ còn 24%, một sự sụt giảm lớn chưa từng có trong thời gian ngắn chưa từng có.


Nhiều người đánh giá Macron có thái độ trịch thượng, xa cách dân và lờ đi những vấn đề xã hội như mức thuế và tỷ lệ thất nghiệp cao. Cụ thể với việc tăng giá nhiên liệu, họ cho rằng đây là sự thiên vị người giàu ở thành phố, thuận tiện sử dụng phương tiện giao thông công cộng, còn những công dân nghèo ở nông thôn phải di chuyển bằng ôtô cá nhân sẽ chịu thiệt.

Bầu cử sẽ không diễn ra cho đến năm 2022 và đảng của Macron vẫn đang chiếm ưu thế ở quốc hội. Tuy nhiên, theo AP, một số đối thủ của ông hiện lên tiếng ngày càng mạnh mẽ và có khả năng lên kế hoạch tiến hành bỏ phiếu bất tín nhiệm vào tuần sau.