Huawei
© Reuters / Aly Song
Mỹ vi phạm luật quốc tế

Trang Sputnik của Nga dẫn lời chuyên gia Igor Shatrov cho rằng việc Giám đốc Tài chính (CFO) của Huawei bị bắt giữ tại Canada theo yêu cầu của Mỹ đã vi phạm luật pháp quốc tế. Theo ông Shatrov, đó là một dạng của cuộc chiến tranh tổng hợp của Mỹ nhằm chống Trung Quốc.

Chuyên gia này cho rằng việc bắt giữ bà Mạnh Vãn Chu với lý do công ty Huawei hợp tác với Iran là điều hoàn toàn "phù phiếm".

Theo Sputnik, bà Mạnh Vãn Chu bị bắt khi quá cảnh tại Vancouver. Sự việc này xảy ra ngày 1/12, đúng ngày Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gặp Tổng thống Mỹ Donald Trump ở Argentina. Vụ bắt giữ đã được báo cáo ngày 5/12.

Theo báo chí Canada, nhà quản lý hàng đầu của Huawei đã bị buộc tội cố gắng "vượt qua rào cản" các hạn chế thương mại do Mỹ áp đặt với Iran và không loai trừ khả năng bà sẽ bị dẫn độ về Mỹ.

Về phần mình, Huawei tuyên bố rằng tập đoàn này hành động theo luật pháp và quy định, không vi phạm các biện pháp kiểm soát xuất khẩu cũng như các biện pháp trừng phạt của Liên hợp quốc (LHQ) và Liên minh châu Âu (EU). Huawei phản đối mạnh mẽ, đồng thời yêu cầu "trả tự do ngay lập tức" cho bà Mạnh Vãn Chu.

Trong cuộc họp báo ngày 6/12, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng cho biết chính quyền nước này đang yêu cầu ngay lập tức thả bà Mạnh Vãn Chu: "Trung Quốc đã giải thích về lập trường vững chắc của mình cho cả Canada và Mỹ, yêu cầu hai nước này giải thích về lý do và căn cứ cho việc giam giữ, giải phóng ngay lập tức người bị giam giữ và tôn trọng quyền lợi hợp pháp của công dân Trung Quốc".

Chuyên gia Nga Shatrov cho rằng "không phải ngẫu nhiên" vụ bắt giữ xảy ra đúng vào ngày 1/12. Ông nói: "Đây là một sự khiêu khích được chuẩn bị đặc biệt theo kế hoạch, được thực hiện trong thời điểm tiến hành cuộc họp của các nhà lãnh đạo thế giới G20, và cuộc đàm phán giữa Tập Cận Bình và Trump".

Chuyên gia Nga lưu ý rằng Chính quyền Tổng thống Trump đang có thói quen tiến hành các hành động một cách có chủ ý, tại một thời điểm nhất định. Ví dụ là hồi tháng 4/2017, thời điểm diễn ra cuộc họp giữa ông Tập Cận Bình và ông Trump tại trang trại của tổng thống Mỹ, cuộc tấn công tên lửa của Mỹ nhằm vào Syria đã được thực hiện.

Ông Shatrov nhận định, bằng cách giam giữ CFO của Huawei, Mỹ đã phát một tín hiệu cụ thể tới Trung Quốc rằng họ sẽ tiếp tục gây áp lực lên Trung Quốc và hành động bằng vũ lực.

Chuyên gia Shatrov coi việc giam giữ người quản lý hàng đầu của Huawei dựa trên một lý do sai trái ở trên lãnh thổ Canada theo yêu cầu của Mỹ là hành động vi phạm luật pháp quốc tế. Ông Shatrov cho rằng các công ty công nghệ của Mỹ không có lợi thế khi cạnh tranh với Huawei trong không gian kinh tế hợp pháp. Do đó, các công ty công nghệ Mỹ, bằng cách phối hợp với chính phủ Mỹ và các cơ quan đặc nhiệm, đang bắt đầu sử dụng các phương pháp phi pháp để cạnh tranh với Huawei.

Trung Quốc sẽ trả đũa?

Trong khi đó, nhận định về vụ việc này, trang CNN của Mỹ cho rằng xung đột giữa Mỹ và Trung Quốc về thương mại và công nghệ đang mở rộng, cảnh báo các nhà đầu tư và làm dấy lên những nghi ngờ mới về thỏa thuận "ngừng bắn" mong manh mà các nhà lãnh đạo của hai nền kinh tế hàng đầu thế giới đã đạt được chỉ vài ngày trước.

Huawei là một trong những tập đoàn công nghệ nổi bật nhất của Trung Quốc và bị các cơ quan tình báo Mỹ coi là một mối đe dọa đối với an ninh quốc gia của Mỹ. Tập đoàn này bán ra nhiều điện thoại thông minh hơn Apple và xây dựng các mạng viễn thông ở nhiều nước trên thế giới.

Chính phủ Mỹ và Canada không chỉ rõ những tội danh mà Mạnh Vãn Chu phải đối mặt, nhưng vụ bắt giữ bà được thực hiện sau khi có những tin đồn trong năm nay rằng Bộ Tư pháp Mỹ đang điều tra những cáo buộc Huawei đã vi phạm các biện pháp trừng phạt của Mỹ đối với Iran.


Nhận xét: Bản thân đạo luật trừng phạt của Mỹ đối với Iran cũng là vô lý và vi phạm luật pháp quốc tế. Nay chính phủ Mỹ tiến thêm một bước nữa, bắt cóc công dân nước khác tại một nước thứ ba vì tội "vi phạm" cái đạo luật bất hợp pháp đó.


Các nhà phân tích rủi ro chính trị thuộc Eurasia Group lưu ý: "Dưới thời chính quyền Obama, Mỹ đã truy tố quan chức Trung Quốc về các tội danh tương tự, nhưng miễn cưỡng trong việc hành động quyết liệt hơn như bắt giữ các cá nhân ở các nước thứ ba, vì e ngại rằng Bắc Kinh sẽ trả đũa các lợi ích của Mỹ ở Trung Quốc hoặc ở các nước khác".

Theo các chuyên gia này, việc bắt giữ bà Mạnh Vãn Chu, con gái của người sáng lập Huawei, "cho thấy hiện Mỹ sẽ không hoàn toàn nương tay ở đấu trường này".

CNN dẫn lời giới phân tích nhận định Bắc Kinh có thể sẽ trả đũa bằng cách nhằm vào các doanh nhân Mỹ và Canada nhưng Washington cũng sẵn sàng chuẩn bị cho các động thái khác chống lại lợi ích của Trung Quốc.

Theo hãng tin Mỹ, công nghệ là trung tâm của cuộc chiến thương mại. Chính quyền Trump tuyên bố những đợt tăng thuế mạnh mà họ đã áp dụng đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc là một phần của nỗ lực nhằm ngăn chặn Trung Quốc tiếp cận công nghệ của Mỹ một cách không công bằng thông qua các hành vi như tấn công an ninh mạng và buộc các công ty phải chuyển giao bí mật thương mại.

Đối thủ nhỏ hơn của Huawei, ZTE, là một ví dụ về việc Chính phủ Mỹ có thể tiến xa hơn nữa. Công ty Trung Quốc này đã bị tê liệt trong nhiều tháng sau khi Bộ Thương mại Mỹ cấm công ty này mua các thiết bị quan trọng của các công ty Mỹ. Lệnh cấm đã đe dọa chấm dứt hoạt động kinh doanh của ZTE và nhấn mạnh sự phụ thuộc của Trung Quốc vào công nghệ Mỹ.

Theo Reuters, Huawei là tập đoàn cung cấp thiết bị mạng viễn thông lớn nhất và là nhà sản xuất điện thoại thông minh lớn thứ hai thế giới với doanh thu năm ngoái đạt khoảng 92 tỷ USD. Không giống các tập đoàn công nghệ lớn khác của Trung Quốc, Huawei có nhiều hoạt động kinh doanh ở nước ngoài và là tập đoàn hàng đầu trên thị trường nhiều nước châu Âu, châu Á và châu Phi.

Năm 1987, cựu sĩ quan quân đội Trung Quốc Nhậm Chính Phi (Ren Zhengfei) đã thành lập Huawei. Huawei đặt tại trung tâm công nghệ Thâm Quyến ở miền Nam Trung Quốc và thuê khoảng 180.000 nhân công.

Các cơ quan tình báo Mỹ cáo buộc Huawei có liên hệ với Chính quyền Bắc Kinh và rằng thiết bị của tập đoàn này có thể được cài cắm phần mềm gián điệp "cửa hậu" để qua đó tình báo Trung Quốc có thể ăn cắp dữ liệu thông tin. Không có bất kỳ bằng chứng nào được công khai và tập đoàn này cũng luôn bác bỏ các cáo buộc như trên.

Thế nhưng những nghi ngờ vẫn đeo đuổi Huawei. Mối quan ngại hiện nay tập trung vào công tác triển khai mạng di động thế hệ thứ 5 (5G), một lĩnh vực mà Huawei có thế mạnh.

Chính phủ Mỹ đã thực hiện hàng loạt biện pháp để ngăn cản bước chân của Huawei tiến sâu vào thị trường Mỹ. Washington đã cấm chính phủ mua sắm thiết bị của Huawei và từ chối mọi trợ giúp của chính phủ đối với bất kỳ nhà mạng nào của Mỹ sử dụng thiết bị của Huawei.

Hệ quả là hồi đầu năm, những nhà mạng sừng sỏ của Mỹ như Verizon Communications và AT&T đã rút khỏi các thỏa thuận ký trước đó về phân phối điện thoại thông minh của Huawei.