China iPhones
© Reuters / Bobby Yip
Cuộc chiến pháp lý kéo dài hai năm giữa Apple và nhà cung cấp chip của hãng này là Qualcomm đã kết thúc sau khi một tòa án Trung Quốc ra phán quyết bất lợi cho hãng công nghệ Mỹ. Việc thi hành án có thể diễn ra giữa cuộc khủng hoảng bắt lãnh đạo Huawei nóng bỏng nhất.

Hãng sản xuất chip điện thoại Qualcomm cho biết, họ đã chiến thắng trong cuộc đối đầu với hãng công nghệ Apple của Mỹ và sẽ bắt đầu thi hành phán quyết của tòa án Trung Quốc về việc cấm bán điện thoại iPhone.

Phán quyết của Tòa án Phúc Châu ở Trung Quốc là bước ngoặt mới nhất trong cuộc đối đầu của hai công ty về việc sử dụng công nghệ Qualcomm trong điện thoại iPhone suốt 2 năm qua.

Theo đó, phán quyết đưa ra ngày 30/11 cho rằng, Apple đã vi phạm hai bằng sáng chế của Qualcomm và ban hành lệnh cấm Apple bán iPhone 6S, iPhone 6S Plus, iPhone 7, iPhone 7 Plus, iPhone 8, iPhone 8 Plus và iPhone X tại Trung Quốc.

Phán quyết không áp dụng cho ba loại iPhone mới nhất của Apple mới ra mắt tại thị trường Trung Quốc: XS, XS Max và XR.

Ông Don Rosenberg, cố vấn của Qualcomm cho biết: "Chúng tôi rất coi trọng mối quan hệ của mình với khách hàng, hiếm khi nhờ đến tòa án để được hỗ trợ, nhưng chúng tôi cũng có niềm tin tuân thủ nhu cầu bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ. Apple tiếp tục được hưởng lợi từ tài sản trí tuệ của chúng tôi trong khi lại từ chối bồi thường cho chúng tôi".

Trong khi đó, một phát ngôn viên của Apple cho biết: Nỗ lực cấm sản phẩm của Qualcomm là một động thái tuyệt vọng khác của một công ty có các hoạt động bất hợp pháp đang bị các cơ quan quản lý trên toàn thế giới điều tra. Tất cả các mẫu iPhone vẫn có sẵn cho khách hàng của chúng tôi tại Trung Quốc.

Apple khẳng định, phán quyết không ảnh hưởng nhiều đến các hoạt động kinh doanh của họ tại Trung Quốc. Phán quyết của Tòa án Trung Quốc chỉ ảnh hưởng tới các phiên bản chạy phần mềm cũ và điện thoại iPhone vẫn đang bán tại Trung Quốc bình thường.

Động thái này được cho là bước đi mạnh mẽ của Bắc Kinh nhằm đối đầu với cách Mỹ đối xử với các hãng công nghệ của nước này như ZTE hay Huawei trong bối cảnh đối đầu thương mại.

Cùng ngày quyết định "đình chiến" thương mại với Trung Quốc, Mỹ đã yêu cầu Canada bắt giữ và dẫn độ bà Mạnh Vãn Chu - Phó Chủ tịch Tập đoàn Công nghệ Huawei về Mỹ.

Sản phẩm công nghệ của Huawei và ZTE đã bị cấm được sử dụng trong hệ thống máy tính của Chính quyền ông Donald Trump. Sản phẩm của Tập đoàn Huawei cũng có nguy cơ bị cấm cửa vào Mỹ như kịch bản ZTE trước đây. Tập đoàn ZTE đã phải nộp khoản tiền lên tới 1,7 tỷ USD để thoát khỏi án phạt từ Washington.

Huawei hiện đang bị điều tra vì đã phớt lờ lệnh cấm vận của Mỹ đối với Iran. Tập đoàn này cũng bị nghi ngờ hoạt động gián điệp, ảnh hưởng đến an ninh quốc gia Mỹ. Cuộc điều tra cũng sẽ giải thích vì sao bà Mạnh Vãn Châu đang bị giam giữ tại Canada và có thể sẽ bị dẫn độ về Mỹ.

Các thông tin từ cuộc điều tra ở Mỹ sau đó cho thấy, bà Mạnh còn bị cáo buộc tội lừa đảo đối với các ngân hàng.

Bà Mạnh có mặt trong Hội đồng quản trị của công ty Skycom có trụ sở tại Hồng Kông (Trung Quốc). Công ty này được cho là đã làm việc với Iran từ năm 2009 đến 2014. Cùng thời điểm này, Huawei cũng làm việc với các ngân hàng Mỹ. Do đó, việc làm của Huawei bị cho làm các ngân hàng Mỹ vi phạm lệnh trừng phạt Iran một cách gián tiếp.

Vì lí do này mà Mỹ cáo buộc Mạnh Vãn Châu phạm tội lừa đảo đối với các ngân hàng.

Skycom được cho là có kết nối với Huawei và tại phiên điều trần ở Canada vừa qua, Công tố viên Canada là ông Gibb-Carsley đã lập luận rằng Skycom là công ty con không chính thức của Huawei, sử dụng cùng logo của công ty. Ông nói: "Huawei là SkyCom. Theo tôi đây là mấu chốt của sự gian lận".

Các căng thẳng ở mức độ giữa các doanh nghiệp và doanh nghiệp với chính quyền nước bạn đã khiến Mỹ và Trung Quốc lâm vào cảnh gia tăng đối đầu thương mại trong tương lai.