migrants
© Arnd Wiegmann / Reuters
Quốc hội Đan Mạch, ngày hôm nay, 13/01/2016, bắt đầu xem xét dự luật cho phép tịch thu tư trang tiền bạc của di dân được đón nhận vào nước này. Văn bản chắc chắn được thông qua vì đã có được sự đồng thuận của đa số cánh hữu nắm quyền và phe xã hội-dân chủ.

Đây là dự luật do chính phủ cánh trung hữu của Thủ tướng Løkke Rasmussen đưa ra. Văn bản này gây tranh cãi vì có một điều khoản cho phép tịch thu tư trang của di dân giá trị trên 10.000 cua-ron (khoảng 1.340 euro), thay vì 3.000 cua-ron (khoảng 400 euro) như từng công bố trước đây, để bù đắp phần nào vào chi phí đón tiếp họ tại Đan Mạch. Các tài sản, vật dụng cá nhân như điện thoại di động hay tư trang mang giá trị tinh thần như nhẫn cưới thì được miễn.

Đảng tự do Venstre của Thủ tướng Đan Mạch giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Quốc hội vào tháng 06/2015, song chỉ nắm 34 ghế trên tổng số 179 ghế tại Quốc hội. Để thông qua được dự luật này, đảng Venstre phải liên kết với các đối tác cánh hữu khác như đảng dân túy Đan Mạch (DF), nổi tiếng bài ngoại, Liên minh tự do và đảng dân túy bảo thủ. Cuối cùng, các đảng này đã đạt được sự đồng thuận với các đảng xã hội-dân chủ về vấn đề di dân, cho phép có được đa số ủng hộ trong cuộc bỏ phiếu vào ngày 26/01.

Dự luật này được coi là một cuộc cải cách sâu rộng về điều kiện tiếp nhận người nhập cư, ngày càng bị thắt chặt hơn, do Đan Mạch nhận hơn 21.000 đơn xin tị nạn trong năm 2015. So với dân số của đất nước (5,4 triệu người), Đan Mạch trở thành một trong những thành viên của Liên Hiệp Châu Âu có số lượng người xin tị nạn lớn nhất trong khối, sau Phần Lan, Áo, Đức và Thụy Điển.


Không chỉ có Đan Mạch mới có chủ trương tịch thu tài sản của di dân xin tị nạn, mà Thụy Sĩ cũng áp dụng những biện pháp tương tự từ nhiều năm nay đối với những người tới nước này xin tị nạn. Phát hiện trên của báo chí địa phương đang gây tranh cãi và chia rẽ trong xã hội Thụy Sĩ

Thông tín viên RFI tại Genève, Laurent Mossu :
"Theo luật hiện hành từ nhiều năm nay của Thụy Sĩ, người tị nạn buộc phải đóng phí tị tạn tại Thụy Sĩ. Nếu giữ một khoảng tiền trên 1000 franc Thụy Sĩ ( tương đương khoảng 900 euri) thì họ phải nộp cho chính quyền khi đặt chân đến nước này xin tị nạn.

Số tiền đó sẽ được hoàn trả nếu họ rời khỏi Thụy Sĩ trong vòng 7 tháng, nếu không thì khoản tiền trên sẽ bị tịch thu vĩnh viễn để bù vào các khoản chi phí cho việc lưu trú của người xin tị nạn.

Cách làm này gây nhiều tranh cãi nhất là khi người tị nạn hòa nhập, đi làm có thu nhập họ sẽ bị đánh thuế tới 10% giá trị lương.

Năm ngoái chính quyền đã thu được khoảng 200 nghìn franc từ 112 người đến Thụy Sĩ xin tị nạn. Đó là số tiền dành dụm tiết kiệm của họ. Vấn đề gây tranh cãi, chia rẽ dư luận ở đây không chỉ là số tiền nhỏ mọn đó mà là nguyên tắc thực hiện."