Kosovo Security Force
© Reuters / Laura HasaniLực lượng An ninh Kosovo
Kosovo lập Quân đội riêng

Hôm 14/12, Quốc hội nước Cộng hòa Kosovo tự xưng tách ra từ Serbia đã phê chuẩn hàng loạt dự luật về việc chuyển đổi Lực lượng An ninh Kosovo (SBK) thành lực lượng vũ trang chính thức, theo cơ quan báo chí quốc hội nước này đưa tin.

Quốc hội của Kosovo đã phê duyệt trong lần đọc thứ hai một gói gồm ba dự luật, bao gồm: "Luật Tổ chức Bộ Quốc phòng", "Luật SBK" và "Luật phục vụ của SBK". Trước khi bỏ phiếu cho mỗi dự luật, quốc hội đã phê chuẩn hàng chục sửa đổi.

Kosovo dự tính rằng, sau khi cải tổ SBK từ trước đến nay chỉ được vũ trang bằng vũ khí nhẹ, lực lượng vũ trang Pristina ​​sẽ bao gồm 5.000 nhân viên quân sự chính thức và 3.000 quân nhân dự bị và sẽ có những trang bị hạng nặng như tất cả các quốc gia khác.

Chủ tịch Quốc hội Kosovo Kadri Veseli cho biết, 105 thành viên trong số nghị sĩ hiện diện đã tham gia bỏ phiếu. Trong Quốc hội, các nghị sĩ của đảng thiểu số Serb List đã tuyên bố tẩy chay những dự luật này.

Phần lớn cộng đồng Serbia thiểu số tại Kosovo phản đối tuyên bố độc lập. Ở vùng Kosovska Mitrovica nằm phía Bắc vùng lãnh thổ này, nơi người Serbia sinh sống, ngày 14/12 vừa diễn ra cuộc họp của Ban xử lý tình trạng khủng hoảng, thuộc cơ quan tự quản của họ là Hiệp hội Cộng đồng Kosovo và Metohija, để tìm phương án xử lý khủng hoảng.

Bình luận về vấn đề này, Bộ Ngoại giao Liên bang Nga cho biết, việc thành lập "Quân đội Kosovo" đã vi phạm thô bạo nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, gia tăng căng thẳng tình hình ở vùng Balkans, mang tới nguy cơ tái diễn xung đột vũ trang trong khu vực này.

"Tại Pristina ngày 14 tháng 12, 'quốc hội Kosovo tự xưng' đã đưa ra quyết định chuyển đổi Lực lượng An ninh Kosovo thành một quân đội Kosovo hoàn chỉnh. Bước đi này là sự vi phạm trắng trợn Nghị quyết 1244 của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (UNSCR 1244), nhằm mục đích làm xấu đi tình hình ở Balkan, gây nguy cơ tái diễn xung đột vũ trang trong khu vực" - thông cáo của Bộ Ngoại giao Nga nêu rõ.

Thế là gần hai thập niên sau (chính xác là 19 năm) sự kiện NATO không kích Nam Tư, "Cộng hòa Liên bang Nam Tư" (FRY) đã tan rã thành nhiều mảnh, mở đường cho sự ra đời của các quốc gia Serbia, Montenegro (được công nhận) và nước cộng hòa tự xưng Kosovo.

Đến ngày 14/12/2018, Kosovo đã thiết lập những thiết chế cuối cùng của một nhà nước có chủ quyền, bất kể việc nó vẫn chưa được công nhận rộng rãi.

Kosovo dựng nền độc lập dưới sự hỗ trợ của NATO

Ngược dòng lịch sử, vào năm 1999, một cuộc xung đột vũ trang giữa lực lượng ly khai Albania của Quân đội Giải phóng Kosovo với quân đội và cảnh sát Serbia đã dẫn đến vụ các lực lượng NATO không kích Cộng hòa Liên bang Nam Tư (FRY, lúc bấy giờ gồm Serbia và Montenegro).

Trong khoảng thời gian từ 24/3 và 10/6/1999, Liên minh Quân sự Bắc Đại Tây Dương do Mỹ lãnh đạo đã tiến hành chiến dịch không kích vào Nam Tư, với lí do "bảo vệ nhân quyền, chống thanh trừng sắc tộc", tức là bảo vệ người Albania chống lại sự "diệt chủng" của người Serbia và Nam Tư.

Chiến tranh kết thúc sau cuộc can thiệp quân sự của NATO, buộc Cộng hòa Liên bang Nam Tư triệt thoái binh sĩ khỏi Kosovo, vùng lãnh thổ này được Liên Hiệp Quốc bảo hộ theo Nghị quyết số 1244, đặt Kosovo dưới sự quản lý của chính quyền quá độ do Phái bộ Quản lý Lâm thời của Liên Hiệp Quốc tại Kosovo (UNMIK) thành lập và đặt dưới sự bảo đảm an ninh của KFOR, một lực lượng gìn giữ hòa bình do NATO lãnh đạo.

Nghị quyết 1244 còn quy định rằng, Kosovo sẽ có quyền tự trị trong Cộng hòa Liên bang Nam Tư, và khẳng định toàn vẹn lãnh thổ của Nam Tư, mà kế thừa hợp pháp là Cộng hòa Serbia.

Thế nhưng sau cuộc chiến, Tổng thống Slobodan Milosevic bị bắt vào năm 2001 và bị đưa ra Tòa án Hình sự Quốc tế về Nam Tư ở La Haye để xét xử về tội diệt chủng (tuy nhiên, tòa chưa kịp tuyên án thì ông đã qua đời trong tù vào năm 2006).

10 năm sau, Tòa án La Haye đã "âm thầm" xác nhận sự vô tội của của ông Milosevic trong cáo buộc tội ác chống lại loài người, thừa nhận sự thật là nhà lãnh đạo Serbia đã chết oan uổng trong một nhà tù của Liên Hiệp Quốc. Còn trong thời gian đó, Kosovo tích cực xúc tiến dựng nền độc lập.

Vào tháng 3 năm 2004, những người Albania ở Kosovo đã tổ chức các cuộc đập phá, phá hủy nhiều di tích lịch sử và văn hóa, trấn áp người Serbia, dẫn đến việc người Serbia buộc phải rời khỏi khu vực.

Tiếp theo, vào tháng 2 năm 2008, người Kosovo Albanian ở Pristina đơn phương tuyên bố tách khỏi Serbia và xây dựng nền độc lập. Như vậy là đất nước Serbia oằn mình gánh chịu những hậu quả thảm khốc sau cuộc không kích của NATO, lại còn mất đi một vùng lãnh thổ, khi nó đang nằm dưới sự quản lý của Liên Hiệp Quốc.

Sự thất bại của nền dân chủ châu Âu

Vài năm sau khi tuyên bố độc lập, Kosovo vẫn không được công nhận rộng rãi. Thế nhưng, vào ngày 8/10/2008, Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc đã quyết định yêu cầu Tòa án Công lý Quốc tế đưa ra một quan điểm pháp lý về tính hợp pháp trong tuyên bố độc lập của Kosovo (dựa theo đề nghị của Serbia).

Ngày 22/7/2010, Tòa án phán quyết rằng, tuyên bố độc lập của Kosovo "không vi phạm các nguyên tắc chung hoặc luật pháp quốc tế, vốn không cấm đơn phương tuyên bố độc lập, cũng không vi phạm các điều luật quốc tế cụ thể - đặc biệt là UNSCR 1244 - vốn không xác định tình trạng cuối cùng của Kosovo".

Sự mở đường của Liên Hiệp Quốc đã giúp Nước cộng hòa tự xưng này được 111 trên 193 thành viên Liên Hợp Quốc công nhận (tính đến tháng 2 năm 2017), được gia nhập một số thể chế quốc tế như IMF và Ngân hàng Thế giới, với danh nghĩa Cộng hòa Kosovo.

Điều trớ trêu là theo giới quan sát, tình trạng của Kosovo chẳng khác gì một số khu vực ly khai khác ở châu Âu như Donbass của Ukraine, Nam Osetia và Abkhazia của Gruzia..; tuy nhiên, những kết quả mà họ nhận về lại khác nhau. Trong khi con đường của Kosovo trải đầy hoa hồng thì các vùng lãnh thổ ly khai trên bị Ukraine, Gruzia đàn áp và bị Mỹ, châu Âu cương quyết phản đối.

Nguyên nhân của vấn đề này đơn giản là do Kosovo được Mỹ, châu Âu ủng hộ về chính trị, ngoại giao và kinh tế, còn NATO hậu thuẫn về quân sự, nên việc họ lập quốc là rất đơn giản, bất kể là khi đó, mảnh đất này đang do các cơ quan của Liên Hiệp Quốc quản lý.

Vào cuối thập niên 90 của thế kỷ trước, Nam Tư được coi là "tàn dư cuối cùng của khối Xã hội Chủ nghĩa" và có một vị Tổng thống chống lại phương Tây. Do đó, ngọn cờ "Kosovo độc lập" đã được phương Tây giương lên, để tạo cớ xé nát Nam Tư, hạ bệ Milosevic.

Chiêu bài tương tự hiện cũng đang được phương Tây thực hiện ở Syria, nhằm xé nát đất nước này, hạ bệ Assad cứng đầu. Nếu không có sự can thiệp kịp thời của Nga có lẽ giờ đây Syria có thể đã bị phân chia thành vài quốc gia khác, của người Sunni, người Shiite, người Kurd...

Bên cạnh đó, sự tương phản về số phận của Donbass, Nam Osetia và Abkhazia, thậm chí là cả xứ Catalan của Tây Ban Nha, với Kosovo đã cho thấy thực chất của khẩu hiệu "Tự do, Dân chủ" mà phương Tây đang áp dụng.