Huawei Apple
Nước Mỹ đang đứng trước một cơn cuồng phong từ thị trường tỷ dân - Trung Quốc. Người dân Trung Quốc đã bắt đầu đồng loạt kêu gọi sử dụng điện thoại của hãng viễn thông lớn nhất quốc gia Huawei, đồng thời tẩy chay điện thoại iPhone của Mỹ.

Huawei được coi là một niềm tự hào quốc gia của Trung Quốc và giờ đây, tinh thần dân tộc của họ đang khiến Mỹ đứng trước một thử thách chưa từng có.

Trên những trang mạng xã hội của Trung Quốc như Twittersphere, Weibo... nhiều người kêu gọi tẩy chay hàng hóa của Canada và Mỹ, cả việc dừng du lịch tới các nước này.

Nổi bật nhất là các lời kêu gọi tẩy chay sản phẩm của Táo khuyết. Một vài tài khoản Weibo còn đăng tải mẩu thông tin từ các công ty địa phương thề rằng sẽ luôn ủng hộ những sản phẩm trong nước và nói không với hàng Apple.

Một công ty sản xuất màn hình LED tên là Menpad ở Thiên Tân hứa hỗ trợ 15% chi phí mua điện thoại Huawei hoặc ZTE, và phạt cực nặng bất cứ nhân viên nào mua iPhone. Một xí nghiệp khác thậm chí còn hứa tặng 72 USD cho nhân viên nào đang sử dụng smartphone Huawei, đồng thời sa thải những ai sử dụng iPhone.

Công viên núi Thần Nông, tỉnh Hà Nam, một điểm giải trí thu hút khách du lịch đã tuyên bố họ sẽ giảm 9,4 USD (65 Nhân dân tệ) tiền vé cho bất cứ ai mang theo điện thoại của Huawei.

"Sử dụng điện thoại Huawei, chụp những bức ảnh với ngọn núi. Chúng tôi mong muốn bạn bè trên khắp thế giới sẽ ủng hộ cho sự thành công của Huawei" - thông báo của công viên viết.

Thậm chí, tại một quán bar ở Bắc Kinh, bất cứ ai mang điện thoại Huawei tới đều được giảm giá 20% hóa đơn.

Trước đó, hôm 10/12, Tòa án Nhân dân thành phố Phúc Châu (Trung Quốc) đã chấp thuận đề nghị của Qualcomm về việc ban bố 2 lệnh cấm sơ bộ đối với 4 nhà phân phối của Apple, theo đó yêu cầu họ ngay lập tức ngừng bán các sản phẩm iPhone 6S, iPhone 6S Plus, iPhone 7, iPhone 7 Plus, iPhone 8, iPhone 8 Plus và iPhone X.

Lệnh cấm không bao gồm các mẫu iPhone đời mới nhất mà Apple mới ra mắt như iPhone XS, iPhone XS Plus và iPhone XR do chúng chưa xuất hiện khi Qualcomm nộp đơn kiện lên tòa Trung Quốc.

Dẫu Apple nhanh chóng khẳng định phán quyết không làm ảnh hưởng đến kinh doanh nhưng những tinh thần dân tộc của Trung Quốc chắc chắn sẽ khiến nhãn hàng này phải chú ý lại.

Đặc biệt, những "gương sáng" để Apple học hỏi mới được tô vẽ cách đây chưa lâu.

Ngay sau khi Canada tuyên bố đang bắt giữ Phó Chủ tịch kiêm Giám đốc Tài chính Huawei Mạnh Vãn Châu, Trung Quốc đã kêu gọi tẩy chay sản phẩm may mặc Canada Goose - được người Trung Quốc gọi là "hãng Hermès của dòng áo phao".

Nhãn hàng này đã bị mắc kẹt trong cuộc mâu thuẫn chính trị giữa Trung Quốc và Canada trong vụ bắt giữ bà Mạnh. Người tiêu dùng Trung Quốc đã đồng loạt kêu gọi tẩy chay thương hiệu Canada này cho tới khi bà Mạnh được thả.

Theo Carrie Barber - giám đốc điều hành/người đứng đầu ngành sản phẩm xa xỉ, may mặc và làm đẹp toàn cầu tại Credit Suisse, cổ phiếu của Canada Goose liên tục tăng trưởng và gặt hái được những mốc quan trọng nhất trong lĩnh vực thời trang.

Tuy nhiên, từ khi bà Mạnh bị bắt giữ, giá trị cổ phiếu của công ty này đã sụt 24%. Nhãn hàng nói trên đã lên kế hoạch mở chi nhánh tại Bắc Kinh vào ngày 15/12 nhưng buộc phải hủy bỏ khi căng thẳng xoay quanh vụ Huawei leo thang.

Trước đó, "phốt" của hãng thời trang nổi tiếng thế giới D&G cũng đã phải nếm mùi cay đắng khi chứng kiến sức mạnh tới từ tinh thần dân tộc của thị trường tỷ dân.

Sau khi công bố một đoạn video quảng bá có hình ảnh một phụ nữ Trung Quốc dùng đũa gắp các thức ăn truyền thống của Italy như Pizza và Spaghetti một cách lúng túng, D&G đã bị người dân Trung Quốc chỉ trích là xúc phạm văn hóa nước này.

Vụ việc chưa lắng xuống thì chỉ vài ngày sau trên mạng xuất hiện một đoạn chat mà ông chủ của D&G Stefano Gabbana có lời lẽ miệt thị Trung Quốc.

Không chỉ cộng đồng mạng, loạt ngôi sao lớn của làng giải trí Hoa ngữ cũng rất bất bình về cách hành xử của D&G. Cụ thể, Huỳnh Hiểu Minh, Lý Băng Băng, Trần Khôn... tuyên bố không tham dự The Great Show. Phía công ty người mẫu cũng rút hết nhân sự. Nhiều ngôi sao lên tiếng đòi tẩy chay D&G. Thậm chí, "mỹ nhân Tân Cương" Địch Lệ Nhiệt Ba và Vương Tuấn Khải, vốn là đại diện thương hiệu của hãng, đã đơn phương chấm dứt hợp đồng.

Trước "cơn địa chấn" từ Trung Quốc, D&G phải hủy bỏ show diễn kỳ công chuẩn bị, với chi phí lên tới hàng chục tỷ đồng, đồng thời xin lỗi công khai đến toàn thể khán giả. Tuy nhiên, những hành động này chưa đủ để khiến người dân Trung Quốc nguôi giận.

Nhiều người đăng ảnh cắt đồ, các trang web bán hàng cùng các hãng bán lẻ gỡ bỏ hết sản phẩm của D&G... Thậm chí, trước trụ sở của D&G ở Milan, nhiều người Hoa giận dữ tụ tập biểu tình.

Chắc chắn những bài học này làm cho người Mỹ phải băn khoăn.

Dù có các tin tức cho rằng, chính phủ Trung Quốc đã lường trước các kịch bản xấu mà người dân phản ứng với hãng điện thoại Mỹ bằng cách kiểm soát chặt chẽ các bình luận trên mạng xã hội Weibo hay đảm bảo an ninh chặt chẽ tại Đại sứ quán Mỹ, không loại trừ khả năng, Apple sẽ là cái tên mới trong danh sách giận dữ.