Chinese farmer
Theo SCMP, hàng triệu người Trung Quốc đã từ bỏ "giấc mơ" tiến sĩ, thạc sĩ, rời khỏi nơi thành thị xô bồ để trở về quê làm nông. Họ là những người ấp ủ kế hoạch nông nghiệp hữu cơ, bảo tồn nguồn nước cũng như phục hồi lại các kỹ thuật làm nông truyền thống.

Thay đổi suy nghĩ của người nông dân về nông nghiệp hữu cơ


Hồi đầu năm 2013, khi chứng kiến cảnh hàng ngàn xác lợn trương sình và hôi thối đổ về sông Hoàng Phố (Thượng Hải), anh Zheng Lixing đã cảm thấy vô cùng khó chịu trong bụng.

"Nếu bạn ở đấy và chứng kiến, bạn sẽ không thể nuốt trôi cái gì trong vài ngày", Zheng chia sẻ.

Anh Zheng Lixing sinh ra và lớn lên tại tỉnh Thiểm Tây (phía Tây Bắc Trung Quốc), tốt nghiệp bằng tiến sĩ ngành công nghệ polyme thuộc Đại học Công nghệ và Khoa học Thiên Tân. Kinh nghiệm thực tế khiến anh quan ngại về nông nghiệp của Trung Quốc, lĩnh vực mà lúc chưa được công nghiệp hóa hàng thế kỷ trước vẫn dựa vào đất đai để trồng trọt và chăn nuôi.

Năm 2016, Zheng cùng 4 người bạn học khác của trường Thiểm Tây trút những những đồng vốn đầu tiên- khoảng 2 triệu nhân dân tệ - trở về quê hương và mua 13ha đất nông nghiệp. Họ muốn cho những người nông dân địa phương thấy lợi ích của việc chuyển đổi mô hình làm nông bằng phương pháp hữu cơ.

Chất lượng đất ở khu vực này khá kém và phải mất vài năm để phục hồi hoàn toàn. Đất bị ô nhiễm do thuốc trừ sâu và phân bón, cùng đó là quy trình xử lý chất thải không khoa học, hiện đang là mối đe dọa lớn tới an ninh thực phẩm ở Trung Quốc.

Đất nông nghiệp của nhóm Zheng mua lại chỉ sử dụng phân bón hữu cơ như chất thải của gà hay lợn, không dùng thuốc trừ sâu. Điều này khiến cho sản lượng nông nghiệp khá thấp và là lý do khiến một số người nông dân tại đây e ngại và từ bỏ việc "theo chân" Zheng.

Zheng quả quyết: "Chúng tôi sẽ không dừng lại cho tới cuối năm nay" và cho rằng, những người nông dân về lâu dài sẽ thay đổi suy nghĩ khi nhận ra rằng những sản phẩm có chất lượng tốt hơn có thể đẩy giá thành lên cao như thế nào.

Zheng là một trong số hàng triệu tri thức Trung Quốc lựa chọn từ bỏ nơi đô thị phồn hoa để về với đồng ruộng.

Ở một nơi khác, Ma Yanwei - chủ khu đất rộng 11ha tại Alashan, nội Mông Trung Quốc năm 2015 cho biết, chính phủ đã hỗ trợ những người nông dân địa phương phương pháp bảo tồn nguồn nước tại khu vực khô cằn nằm bên rìa sa mạc này.

"Mặc dù khu vực Alashan hiện đang bị sa mạc hóa đe dọa, không khí và đất ở đây rất tốt. Nông dân địa phương dùng nước ngầm để tưới tiêu", Ma cho biết, anh là một tiến sĩ ngành sinh thái học tốt nghiệp trường Đại học Bắc Kinh. Hệ thống đường ống ở đây được chính quyền địa phương hỗ trợ và Ma là người đứng ra hướng dẫn những người nông dân sử dụng. Phương pháp tưới tiêu mới giúp người nông dân tiết kiệm được rất nhiều nước và mang lại hiệu quả cao hơn.

Phát triển nông nghiệp bền vững đang là một trong những chương trình nghị sự của chính phủ Trung Quốc. Hồi tháng 3 vừa qua, Chủ tịch Tập Cận Bình cho biết, cần nhiều hơn những nỗ lực để khuyến khích các cử nhân tài năng được đào tạo từ trong và ngoài nước, trở về để thay đổi cũng như thúc đẩy sự phát triển ở khu vực nông thôn.

Những nỗ lực nhằm thúc đẩy kinh tế nông thôn bao gồm giảm thuế và tạo điều kiện hỗ trợ tài chính dễ dàng hơn cho doanh nghiệp vùng xa.

Phát triển dịch vụ vùng nông thôn nhờ làm nông truyền thống

Khoảng 60% dân số Trung Quốc hiện đang sinh sống ở các đô thị, tăng rất nhiều so với 26% vào năm 1990. Tuy nhiên, con số đó vẫn thấp hơn mức trung bình 75% ở các nước phát triển và quá trình "đô thị hóa ngược" đang diễn ra khi cơ sở hạ tầng được cải thiện tại nông thôn, vùng sâu vùng xa. Năm ngoái, Bộ Nông nghiệp Trung Quốc tuyên bố, 7 triệu người dân nước này đã quyết định rời thành phố về nông thôn mặc dù không đưa ra thời gian cụ thể, trong số đó có 60% trở về để làm nông.

Một câu chuyện khác về thạc sĩ ngành quản trị kinh doanh Yixi Kanzhuo của Trường Đại học quốc tế Kinh tế và Thương mại Bắc Kinh. Trước khi chuyển về nông thôn sinh sống, cô từng làm việc cho một tổ chức phi chính phủ của Trung Quốc về bảo vệ môi trường. Hai vợ chồng cô đã tự xây nhà bằng vữa truyền thống là hỗn hợp đất, gạo nếp và vôi sống, sau đó tổ chức một hợp tác xã với 7 hộ gia đình khác cùng chăn thả gia súc.

"Chúng tôi không chỉ làm nông mà còn giúp những người đến đây có thể sống hòa hợp với thiên nhiên. Chúng tôi muốn xây dựng một khu nghỉ cho khách tham quan, những người muốn tìm về chốn yên bình này thư giãn với các hoạt động như cưỡi ngựa, thiền hay tập yoga. Chúng tôi hướng dẫn những người dân địa phương cách phục vụ và nấu ăn cho du khách", Yixi chia sẻ.

Bên cạnh những khó khăn, Yixi khẳng định, cuộc sống mới của cô ở vùng quê tốt hơn nhiều so với thành phố lớn trước kia cô từng ở.

"Để kiếm được khoảng 20.000 đến 30.000 nhân dân tệ (khoảng 2.900 USD đến 4.350 USD) mỗi tháng, hằng ngày người ta (người sống ở thành thị) phải di chuyển qua lại ở các tàu điện ngầm đông đúc và dùng số tiền kiếm được để trang trải cuộc sống. Họ chỉ có thể sống để làm việc", Yixi nói và khẳng định rằng cô muốn con mình sinh ra và lớn lên được thiên nhiên bao bọc và nhờ đó có một cuộc sống hạnh phúc.