Jack Ma
© Getty
Bốn thập kỷ sau chính sách cải cách và mở cửa của cố lãnh đạo Đặng Tiểu Bình, Trung Quốc giờ đây đã vươn vai thành một gã khổng lồ trên thương trường quốc tế, siêu cường kinh tế lớn thứ hai thế giới, chỉ sau Mỹ.


Nhận xét: Nếu tính theo sức mua tương đương, nền kinh tế Trung Quốc đã vượt Mỹ từ mấy năm nay.


Những con số kinh ngạc và mặt trái

Hãng thông tấn AFP đã liệt kê ra những con số ấn tượng mà Trung Quốc đạt được qua 40 năm. Cụ thể, quy mô nền kinh tế quốc gia này đã nhân lên khoảng 42 lần trong khoảng thời gian 1980 - 2017, từ 305 tỷ USD lên 12,7 nghìn tỷ USD.

Theo báo cáo từ nhà xuất bản Hurin Report, Trung Quốc có đến 620 tỷ phú USD, nhiều nhất thế giới. Trong số đó, CEO của Alibaba, Jack Ma dẫn đầu danh sách với khối tài sản trị giá 39 tỷ USD.

Trung Quốc đồng thời là nhà xuất khẩu lớn nhất toàn cầu, với giá trị hàng hóa, dịch vụ lên tới 2,49 nghìn tỷ USD trong năm 2017, bỏ xa Mỹ ở vị trí thứ hai. Đây là cú nhảy vọt đầy kinh ngạc khi con số này vào 1980 chỉ là 21 tỷ USD. Tăng trưởng xuất khẩu trung bình trong giai đoạn 1980 - 2016 đạt mức 10,2%.

Từ một quốc gia không được đầu tư nước ngoài đáng kể cách đây gần 40 năm, nay tính riêng trong năm 2017, đã có 168 tỷ USD rót vào quốc gia đông dân nhất thế giới này. Ở chiều ngược lại, năm 2016, Trung Quốc đã đầu tư 216 tỷ USD ra các quốc gia khác.

Chi tiêu hộ gia đình cũng tăng đột biến, bùng nổ đến 90 lần từ 49 tỷ USD năm 1980 lên 4,4 nghìn tỷ USD năm 2016.

Tuổi thọ trung bình của người người dân Trung Quốc theo thống kê năm 2016 là 76 tuổi, cao hơn 10 năm so với 66 tuổi năm 1979. Tỷ lệ mù chữ giảm từ 22% năm 1982 xuống 4% năm 2010.

Tính đến năm 2017, số dân Trung Quốc là 1,39 tỷ, đưa nước này trở thành quốc gia đông dân nhất thế giới. Chính quyền Bắc Kinh đã áp dụng chính sách một con vào năm 1979 nhằm hãm lại sự bùng nổ, nhưng cuối cùng đã phải dừng lại vào 2015 vì già hóa dân số.

Tuy nhiên, vẫn còn đó những số liệu phản ánh mặt trái của quá trình phát triển. Trong khoảng thời gian 1980 - 2014, sự tăng trưởng phi thường của Trung Quốc đã phải trả một cái giá môi trường khá đắt.

Sự phân hóa giàu nghèo ngày càng sâu sắc hơn khi 1% số người giàu nhất lại nắm đến 13,9% tài sản quốc gia (thống kê năm 2015) so với 6,4% năm 1980. Và giờ đây, 50% số người nghèo nhất chỉ sở hữu 14,8% tài sản đất nước, trong khi con số đó cách đây gần 40 năm là 26,7%.

Trung Quốc trên sân chơi quốc tế

"Những gì chúng ta đạt được không phải từ trên trời rơi xuống, cũng không phải ở việc từ thiện của các quốc gia khác. Thành tựu này xuất phát từ sự chăm chỉ, cần cù, và cả trí tuệ lẫn lòng dũng cảm của Đảng, đồng bào và nhân dân Trung Hoa", chủ tịch Tập Cận Bình phát biểu trong ngày lễ kỷ niệm vừa qua.

Trong 40 năm, Trung Quốc đã giúp 740 triệu người thoát nghèo. Quốc gia này đã xây dựng thành công hệ thống an sinh xã hội lớn nhất thế giới với trợ cấp, lương hưu cho 900 triệu người và cung cấp bảo hiểm y tế đến 1,3 tỷ người.

GDP Trung Quốc chiếm 15,2% GDP thế giới, tạo ra hơn 30% tăng trưởng toàn cầu trong nhiều năm liền.
chinese shipping container
© Sean Gallup / Getty Images
Ví dụ rõ rệt nhất về thành tựu trong quá trình cải cách và mở cửa phải kể đến Thâm Quyến. Cố lãnh đạo Đặng Tiểu Bình chọn nơi vốn là làng chài này để nắm bắt cơ chế thị trường, làm bàn đạp đưa Trung Quốc hội nhập vào nền kinh tế toàn cầu. Ngày hôm nay, Thâm Quyến như một câu trả lời từ phía Trung Quốc về một trung tâm công nghệ sánh ngang với Silicon Valley ở Mỹ.

"Lúc trước, ở đây chỉ thấy toàn những công trình đang thi công. Khi trời mưa, những con đường không thể đi lại, xe hơi gặp nhiều khó khăn... nhưng bây giờ, bạn thấy đấy, không đâu sánh được với hạ tầng và đường sá nơi đây", ông Zhang Bingxuan, người đã sống ở Thâm Quyến hơn 30 năm, trả lời Channel News Asia về sự thay đổi của thành phố.

Hiện Thâm Quyến thuộc top các thành phố năng động bậc nhất với danh sách dài những đại gia công nghệ từ Huawei cho tới Tencent. Năm ngoái, thành phố đứng đầu trong bảng xếp hạng những nơi hấp dẫn người Trung Quốc nhất.

Cải cách mở cửa cũng nhận được nhiều ý kiến tích cực từ các chuyên gia quốc tế.

Bà Dawn Nakagawa, phó chủ tịch Viện chính sách Berggruen tại Los Angeles nhận xét chính sách này như một phép màu. Ông Yohei Kono, chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến Thương mại Quốc tế Nhật Bản, đánh giá cải cách mở cửa đã có những đóng góp to lớn để biến Trung Quốc thành một quốc gia hùng mạnh.

Đối với ông Tập, cải cách mở cửa như một động thái thay đổi cuộc chơi, không chỉ trong việc kiến tạo nên Trung Quốc như ngày hôm nay, mà còn tạo tiền đề để người dân nước này đạt được mục hai mục tiêu thế kỷ của quốc gia.

Jin Jianmin, thành viên cấp cao tại Viện Nghiên cứu Fujitsu ở Tokyo, nhận định cải cách mở cửa đã mang đến nhiều lợi ích cho cả Trung Quốc và thế giới. Jin nhấn mạnh rằng nhu cầu lớn do tăng trưởng kinh tế nhanh chóng của đất nước đông dân nhất thế giới đã tạo ra cơ hội cho cộng đồng quốc tế.

Manoranjan Mohanty, cựu chủ tịch Viện Nghiên cứu Trung Quốc tại Delhi đánh giá cao khái niệm cộng đồng do Trung Quốc đề xuất với một tương lai tươi sáng hơn cho toàn nhân loại. Ông cũng tin rằng "mọi người trên toàn cầu đều mong nhân dân Trung Quốc thành công hơn nữa trong việc theo đuổi con đường phát triển công bằng và bền vững".

"Không ai có thể ra lệnh cho Trung Quốc"

Trong diễn văn của mình, chủ tịch Tập Cận Bình tập trung hơn vào vai trò lãnh đạo, định hướng nhân dân tuân thủ các nguyên tắc nhằm tiếp tục đem đến khát vọng về một cuộc sống tốt đẹp hơn trong thế kỷ 21.

"Không có sách giáo khoa hay bộ quy tắc vàng nào để cải cách và phát triển tại Trung Quốc, một quốc gia có nền văn minh hơn 5.000 năm với hơn 1,3 tỷ người. Không ai có thể ra lệnh cho nhân dân Trung Quốc những gì nên và không nên làm", ông Tập phát biểu.
Xi Jinping
© www.tibetanreview.net
Vị chủ tịch nhấn mạnh rằng vai trò của thị trường trong phân bổ nguồn lực nên được phát huy đầy đủ trong khi vai trò của chính phủ sẽ được tận dụng tốt hơn, từ đó sẽ kích thích được sự sôi động tại các thị trường khác nhau.

Ông đồng thời cho biết Trung Quốc đã cam kết chính sách mở cửa cơ bản, và lưu ý rằng đất nước này không thể tự ý phát triển tách biệt với thế giới cũng như thế giới cần Trung Quốc vì sự thịnh vượng chung.

Chủ tịch Tập Cận Bình cho rằng Trung Quốc không thể để xảy ra bất kỳ sai lầm lớn nào cho những vấn đề căn bản, cùng lúc đó phải đạt được sự cân bằng giữa cải cách, ổn định và phát triển.

"Chúng tôi cần phải thể hiện sự kiên trì, bền bỉ để thấy được biện pháp cải cách lớn được thông qua. Chúng tôi sẽ đạt thêm nhiều thành tựu mới, thậm chí là vĩ đại hơn nữa để thật sự gây ấn tượng đến toàn cầu", ông Tập khẳng định.

Những thách thức phía trước

Sau 40 năm cải cách, Trung Quốc cũng đứng trước nhiều thách thức mới.Trên Washington Post, học giả Abraham Denmark từ Viện Kissinger chỉ ra điều cản trở Trung Quốc phát triển song hành cùng cộng đồng quốc tế nằm ở những rắc rối từ xung đột chính trị của nước này với các quốc gia khác.

Định hướng nội bộ Trung Quốc sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến cách tiếp cận các vấn đề quốc tế. Nếu ông Tập tiếp tục đi sâu vào các tranh chấp trong khu vực, thế giới sẽ nhìn Trung Quốc với con mắt khác. Đó là một quốc gia không chỉ đầy quyết đoán, tham vọng mà còn sẵn sàng chấp nhận mọi rủi ro và thách thức quyền lực của Mỹ ở châu Á.

Và điều này có thể tạo nên hậu quả nhãn tiền cho Bắc Kinh. Mặt khác, việc có rất ít thông tin về nội chính Trung Quốc sẽ gây ra những khó khăn nhất định cho các quốc gia muốn hợp tác.

Đối với nhà phân tích dữ liệu Jethro Elsden đến từ Trung tâm Nghiên cứu Chính sách tại Anh quốc, tương lai sắp tới, Trung Quốc sẽ phải đương đầu với 3 vấn đề trong phạm vi quốc gia: chênh lệch giàu nghèo; sự không hợp tác từ các doanh nghiệp tư nhân; và nhân khẩu học.

Đầu tiên, các vùng lãnh thổ rộng lớn của Trung Quốc, đặc biệt ở miền trung và miền tây đất nước, không phải là nơi phát triển nhanh và vẫn còn đó hàng triệu người sống trong đói nghèo.

Thứ hai, sự tồn tại của các nhóm lợi ích có thể cản trở quá trình mở cửa dịch vụ và tài chính ở đây. Hơn 150 nghìn doanh nghiệp nhà nước (SOEs) chiếm khoảng 30% - 40% GDP Trung Quốc, và nhận được nhiều ưu đãi hơn các doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp nước ngoài, đặc biệt trong việc tiếp cận với vốn tín dụng.

Sự cân bằng lợi ích các bên là một thách thức không nhỏ đối với chính quyền Tập Cận Bình khi bản thân SOEs cũng không muốn từ bỏ những quyền lợi mà họ đang được hưởng.

Cuối cùng, nhân khẩu học là mối quan ngại nghiêm trọng không kém. Như phần lớn các quốc gia phát triển, Trung Quốc hiện có dân số già với tuổi đời trung bình khoảng 37,4, chỉ xếp sau Mỹ. Quan trọng hơn, tỷ lệ tăng dân không còn cao, chỉ tầm 0,39%, ngang với Pháp và thua Mỹ, Anh.

Điều này có nghĩa trong nhiều năm tới, số người nghỉ hưu tại Trung Quốc sẽ ngày càng nhiều, làm tăng thêm gánh nặng lên đôi vai của lực lượng lao động đang dần bị thu hẹp. Đây là thực trạng phổ biến tại nhiều nước phát triển, đơn cử như Anh, nơi đã phải tăng tuổi hưu để đáp ứng với thực tế đáng lo này.

Trên bình diện quốc tế, Elsden nhận định Trung Quốc còn cả một chặng đường dài để hướng đến. The Economist đã báo cáo, Trung Quốc vẫn thua xa Mỹ và phương Tây về cả mức sống lẫn các lĩnh vực kỹ thuật quan trọng, đặc biệt là ngành công nghiệp bán dẫn.

Thêm vào đó, đúng như các quan chức Trung Quốc đã lặp đi lặp lại nhiều lần, Vành đai Con đường không phải là nỗ lực để thống trị thế giới hay thách thức quyền lực của Mỹ. Nó đơn giản chỉ giúp kết nối các khu vực kém phát triển tại miền tây và miền trung nước nay ra bên ngoài tốt hơn.

Trên tất cả, sự phát triển của tầng lớp trung lưu trong xã hội cũng như khát khao và nguyện vọng của thế hệ trẻ Trung Quốc sẽ đóng vai trò then chốt trong lộ trình phía trước của quốc gia này, Elsden kết luận.