Vietnam tsunami hazard area
Có 2 tiếng để cảnh báo

Sáng 26.12, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo T.Ư về Phòng chống thiên tai đã tổ chức diễn tập cảnh báo sóng thần tại 6 điểm cầu ở miền Bắc và miền Trung.

Kịch bản giả định là một trận động đất xảy ra ngoài khơi tại khu vực máng biển sâu Manila, Philippines lúc 8h45, Việt Nam dự báo vùng ảnh hưởng lớn nhất là từ Đà Nẵng đến Quảng Ngãi, với độ cao sóng trên 5m, thời gian tấn công từ 10h30 đến 12h30.

Trận sóng thần giả định này sẽ ảnh hưởng đến Việt Nam chỉ trong khoảng 2 tiếng. Các vùng biển có nguy cơ cao bị ảnh hưởng gồm 13 tỉnh từ Hà Tĩnh đến Bà Rịa - Vũng Tàu.

Theo kịch bản, ngay lập tức, tổ chuyên gia đã được triệu tập họp và đưa ra các ý kiến nhận định.

Đối sánh với các thông tin từ các Trung tâm cảnh báo sóng thần quốc tế, các chuyên gia đề nghị ban hành tin cảnh báo sóng thần ngay lập tức cho toàn dải ven biển Việt Nam, trong đó đặc biệt lưu ý khu vực từ Đà Nẵng đến Quảng Ngãi sẽ có sóng thần với độ cao sóng cực đại từ 6 - 7m.

Các chuẩn tin nhắn cũng được chuẩn bị sẵn sàng, trong đó thông báo cho các địa phương tình hình thực tế và cảnh báo các tàu thuyền phải tiếp tục ở xa bờ cho đến khi hết cảnh báo. Còn các tàu thuyền neo đậu ở cảng hoặc các vịnh phải ra khơi ngay lập tức.

Các bản tin cảnh báo sóng thần sẽ tiếp tục phát lặp lại trên hệ thống trực canh 15 phút/lần theo chu trình cho đến khi hết bản tin cuối cùng về cảnh báo sóng thần.

Lý giải kịch bản sóng thần

Trao đổi với Lao Động, PGS-TS Nguyễn Hồng Phương (Trung tâm Báo tin động đất và Cảnh báo sóng thần - Viện Vật lý địa cầu) cho biết, ở Việt Nam có 2 nguồn phát sóng thần xa và gần.

Theo kịch bản trên, nguồn phát sóng thần là nguồn phát xa - nằm ở phía Tây Philippines (máng biển sâu Manila). Với nguồn phát xa, sóng thần có thể ảnh hưởng tới Việt Nam sau khoảng 2 tiếng.

Nguồn gần còn gọi là dải đứt gãy Kinh tuyến 109 độ. Nguồn này nằm ngay trên thềm lục địa miền Trung và Nam Trung bộ.

"Nếu phát sinh sóng thần từ nguồn này thì chỉ mất khoảng 35 tới 40 phút là có thể tấn công vào bờ biển miền Trung, gồm các tỉnh từ Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận và Bà Rịa-Vũng Tàu" - PGS Phương nói.


Nhận xét: Vùng thứ 2 này tuy gần nhưng ít có khả năng tạo ra sóng thần hơn so với vùng máng biển sâu Manila.


Sóng thần ở Indonesia có ảnh hưởng tới Việt Nam?

Trận sóng thần xảy ra đêm 22.12, tại Indonesia đã khiến hơn 400 người chết, hơn 1.400 người bị thương và hàng nghìn người mất nhà cửa. Sau thảm họa, nhiều chuyên gia cảnh báo khu vực trên có thể tiếp tục có sóng thần khiến nhiều người lo ngại sẽ ảnh hưởng tới Việt Nam.

Bác bỏ những lo ngại trên, PGS-TS Nguyễn Hồng Phương khẳng định, sóng thần ở Indonesia sẽ không ảnh hưởng tới Việt Nam. Vì khu vực xảy ra sóng thần ở Indonesia nằm ở Ấn Độ Dương - đại dương khác so với đại dương mà Việt Nam đang kết cận là Thái Bình Dương.

Thêm nữa, núi lửa Krakatoa được ngăn cách bởi toàn bộ Đảo Java và đảo Sumatra. Trong khi đó, giữa Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương chỉ có một eo Sunda (một eo rất nhỏ) thông giữa hai đại dương.

Vậy nên, theo PGS Phương, nếu khu vực trên của Indonesia tiếp tục có sóng thần thì các bờ biển của Việt Nam vẫn an toàn.

Thời gian qua, trên thế giới đã xảy ra nhiều trận động đất, sóng thần gây hậu quả rất nghiêm trọng, điển hình là trận động đất năm 2011 tại Nhật Bản làm 15.893 người thiệt mạng, 6.152 người bị thương và 2.572 người mất tích tại 18 tỉnh của Nhật Bản. Thiệt hại khoảng 309 tỉ USD.

Tại Indonesia có 2 trận động đất: Ngày 28.9.2018, một trận động đất lớn 7,5 độ richter đã gây ra sóng thần (cao nhất 11,3m) làm chết hơn 2.000 người và khoảng 5.000 người không rõ tung tích; gây ảnh hưởng khoảng 200.000 người khu vực đảo Sulawesi Inđônexia. Thiệt hại ban đầu khoảng 500 triệu USD.

Ngày 22.12.2018 một trận sóng thần tấn công khu vực đảo Java và Sumatra của Indonesia làm khoảng 373 người chết và hơn 1400 người bị thương, phá hủy hàng trăm ngôi nhà.

Vì vậy, vấn đề cảnh báo sóng thần ở Việt Nam trở nên rất cần thiết và cấp bách.

Thực hiện Quyết định số 430/QĐ-TTg ngày 12.4.2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án xây dựng hệ thống báo động trực canh cảnh báo sóng thần cho vùng có nguy cơ cao, trong đó giai đoạn 1 sẽ thực hiện thí điểm tại 2 tỉnh Đà Nẵng, Quảng Nam. Đến nay dự án đã xây dựng hoàn thành 51 trạm (Đà Nẵng: 30 trạm, Quảng Nam: 21 trạm).