US troops Syria withdrawal
© EPA-EFE
Tội ác sẽ bị phơi bày?

Washington đã bắt đầu chiến dịch chống lại IS ở Iraq từ tháng 6/2014 và tại Syria vào tháng 9/2014.

Ngày 19/12, tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố Washington đã quyết định bắt đầu việc rút lính Mỹ khỏi Syria. Ông Trump cho rằng Mỹ đã thành công trong chiến dịch tiêu diệt nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) và đã tới lúc đưa binh sĩ trở về Mỹ. Theo các quan chức Mỹ, hoạt động này sẽ diễn ra trong vòng 60 tới 100 ngày.

Ngày 28/12, ít nhất 50 binh sĩ Mỹ đã rời khỏi một căn cứ ở tỉnh Al-Hasakah của Syria, đem theo vũ khí và đạn dược tiến về phía Iraq trong những chiếc xe bọc thép.

Hôm 29/12, tờ TASS (Nga) dẫn lời một nguồn tin ngoại giao - quân sự nhận định, việc binh sĩ Mỹ rút lui khỏi Syria sẽ có nhiều khả năng hé lộ "hàng loạt những tội ác mà liên quân Mỹ đã phạm phải dưới danh nghĩa 'cuộc chiến' chống lại nhóm khủng bố IS".

Raqqa
© Bulent Kilic / AFP / Getty ImagesRaqqa hoang tàn sau khi được Mỹ "giải phóng"
Cụ thể, nguồn tin đánh giá nơi cần xem xét kĩ lưỡng nhất là Raqqa.

"Khu vực này đã trở thành thành phố ma sau các đợt ném bom rải thảm thực hiện bởi các phi cơ của liên quân do Mỹ dẫn đầu. Trong chiến dịch giải phóng Raqqa - nơi IS công khai sử dụng dân thường làm 'lá chắn sống', Washington, London và Paris đã đem máy bay đáp bom những khu vực dân cư đông đúc".

Ngoài ra, nguồn tin cho biết Raqqa vẫn chưa sạch bóng bom mìn và hàng nghìn thi thể vẫn bị mắc kẹt dưới những đống đổ nát khắp thành phố. Dịch bệnh truyền nhiễm bùng phát, làm ảnh hưởng tới sức khỏe và tính mạng của dân thường, bao gồm trẻ em.

Hiện tại, phiến quân đang hoạt động mạnh tại vùng Al-Tanf và chuẩn bị xâm nhập vào Damascus và Jordan. Nguồn tin cho hay khủng bố đang thiêu hàng loạt thi thể của những người thiệt mạng tại trại Rukban vì thiếu viện trợ nhân đạo.

"Cả chính phủ Syria và các tổ chức nhân đạo quốc tế sẽ còn hàng loạt việc phải làm để xử lí những 'di sản' mà quân đội Mỹ để lại ở Syria," nguồn tin kết luận.

Mỹ trấn an đồng minh

Tờ CNN trước đó đã nhận định quyết định rút khỏi Syria của Mỹ đã khiến các nước đồng minh bất ngờ và thất vọng.

Tuy nhiên, trong một thông điệp gửi đi ngày 28/12 (giờ Mỹ), Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao và Cố vấn an ninh quốc gia John Bolton khẳng định chính phủ Mỹ đã sẵn sàng làm việc với các đối tác quan trọng để quá trình rút lính Mỹ khỏi Syria được thực hiện an toàn, hiệu quả và từng bước bàn giao lại trách nhiệm đảm bảo an ninh khu vực cho các nước khác.

Vài giờ sau khi người Kurd tuyên bố sẽ hợp tác với quân chính phủ Syria, ông Bolton tuyên bố sẽ tới Israel và Thổ Nhĩ Kỳ trong tháng 1/2019 để giải quyết "bước tiếp theo trong cuộc chiến chống IS".

"Tôi đang trông đợi vào chuyến thăm tới Israel và Thổ Nhĩ Kỳ vào tháng 1 sang năm. Chúng tôi sẽ đàm phán để giải quyết những thách thức an ninh mà đối tác và đồng minh đang gặp phải trong khu vực, bao gồm giai đoạn tiếp theo của cuộc chiến chống IS trong bối cảnh thiếu quân đội Mỹ," ông Bolton viết trên Twitter.

Ít lâu sau, Bộ Ngoại giao Mỹ công bố quyết định sẽ đảm bảo hỗ trợ của Mỹ đối với quyền lợi chính đáng của Israel trong việc tự bảo vệ quốc gia này "khỏi những hành động nguy hiểm của Iran và có khả năng đe dọa tới an ninh đất nước, sự an toàn của người dân Israel".

Một số nhân vật chính trị và quân sự cấp cao của Israel đã chỉ trích nặng nề quyết định rút lính Mỹ khỏi Syria của ông Trump và cho rằng điều này thể hiện rằng Mỹ đã "đầu hàng". Một số nhà bình luận khác lên án hành vi "bỏ rơi" các đối tác người Kurd, những người đã hỗ trợ Mỹ nhiệt tình trong cuộc chiến chống IS.

Pháp cũng không phải ngoại lệ. Trong chuyến thăm tới căn cứ quân sự tại N'Djamena, Chad, tổng thống Emmanuel Macron phát biểu: "Làm đồng minh nghĩa là phải chiến đấu kề vai sát cánh, một đồng minh phải đáng tin cậy và phải hợp tác với các đồng minh khác".

"Nếu nói về Mỹ, thì tôi rất lấy làm tiếc cho quyết định rút khỏi Syria của ông Trump," ông Macron khẳng định.