Syrian Army
© Sputnik/ Mikhail Voskresenskiy
Liên quân Nga-Syria-Iran-Hezbollah chuẩn bị cho trận tổng tiến công ở Aleppo, quyết định phần thắng trong cuộc chiến chống IS và... liên quân Mỹ.

Syria tổ chức cuộc tổng tiến công giải phóng Aleppo

Chiến trường Syria vẫn hết sức khốc liệt và căng thẳng, lực lượng khủng bố IS và các nhóm phiến quân khác ngày càng bị dồn vào chân tường, do phải đối mặt với những đòn không kích sấm sét từ lực lượng không quân Nga và các cuộc tiến công mãnh liệt dưới mặt đất của quân đội Syria.

Liên quân Nga-Syria-Iran-Hezbollah đang ráo riết chuẩn bị cho cuộc tổng phản công, tái chiếm tỉnh Aleppo từ tay tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo IS, chi nhánh Al-Qaeda tại Syria là al-Nusra Front (Mặt trận al-Nusra), cùng với Quân đội Syria tự do và một số nhóm phiến quân khác.

Hãng tin Ria Novostia (Nga) vừa cho biết, Moscow đang tăng cường triển khai thêm các trực thăng tấn công Ka-52 tối tân, và những hệ thống tác chiến điện tử tinh vi, phối hợp cùng với quân đội Syria chuẩn bị đợt phản công lớn, quyết đánh chiếm toàn bộ thành phố chiến lược Aleppo.

Thành phố Aleppo hiện đang là khu vực tranh giành quyết liệt giữa quân đội chính phủ Syria - hiện đang kiểm soát nửa phía tây, và tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) hiện kiểm soát phần phía đông thành phố.

Ngoài ra, còn có một số nhóm phiến quân khác và chi nhánh Al-Qaeda tại Syria là al-Nusra Front (Mặt trận al-Nusra) đang chiếm cứ một vài khu vực phía tây Aleppo. Hiện nay, nhiều nhóm phiến quân khác cũng đã dồn về, tập trung cố thủ tại thành phố này.

Tuy nhiên, với sự hỗ trợ hỏa lực từ các đợt không kích của không quân Nga và sự dũng mãnh của các tay súng Hezbollah - Lebanon, cùng với các nhóm dân quân Shia ủng hộ Tổng thống Bashar al-Assad, quân chính phủ Syria đang dần tiến về phía nam và đông nam thành phố Aleppo.

Tư lệnh một lực lượng thân chính phủ Syria cho biết, hiện lực lượng ủng hộ Tổng thống Assad đang chuẩn bị tổng tấn công vào các lực lượng khủng bố để giải phóng Aleppo. Đây sẽ là chiến dịch quân sự lớn nhất của quân đội nước này, kể từ khi cuộc nội chiến Syria nổ ra vào năm 2011.

Trong khi quân đội Syria đang đóng vai trò chủ chốt trong cuộc tổng phản công dưới mặt đất, không quân Nga cũng vừa điều động sang Syria các trực thăng tấn công Ka-52 tối tân và những hệ thống tác chiến điện tử tinh vi, nhằm tăng cường khả năng hỗ trợ hỏa lực từ trên không.

Trong chiến dịch lần này, quân đội Nga sẽ sử dụng nhiều loại trực thăng tấn công đầy uy lực như Ka-52, Mi-24, Mi-28, Mi-35..., để bảo vệ căn cứ không quân Hmeymim-Latakia, cũng như thực hiện các nhiệm vụ tấn công mặt đất, yểm trợ hỏa lực cho lực lượng ủng hộ chính quyền Syria.

Thực tế thì ngay từ đầu, cả Moscow lẫn Damascus đều xác định rõ Aleppo là một vị trí quan trọng chiến lược cần phải kiểm soát và chiếm giữ nếu không muốn bị tiêu diệt trên chiến trường. Bởi lẽ đây là thành phố lớn nhất, trung tâm kinh tế quan trọng nhất của Syria.
Syria map
Đối với Syria, việc giành lại được Aleppo đồng nghĩa với việc có được hành lang bảo đảm an toàn cho cả vùng duyên hải phía Tây - được xem như căn cứ địa của lực lượng trung thành với Tổng thống Bashar al-Assad, cộng đồng sắc tộc Alawite.

Từ bàn đạp Aleppo, quân đội Assad sẽ có điều kiện thuận lợi để mở các cuộc tấn công nhằm thẳng vào Raqqa. Chính vì thế mà trong thời gian qua, nhiều cuộc đối đầu giữa lực lượng quân đội chính phủ và phiến quân hồi giáo đã diễn ra trong thế giằng co tại đây.

Tuy nhiên, việc đánh chiếm Aleppo còn có ý nghĩa quan trọng khác đối với Nga và Syria, đó là giành chiến thắng trước chiến lược Syria của Mỹ và liên quân phương Tây.

Đại chiến Aleppo quyết định chiến thắng của Nga trước... Mỹ?

Tháng 12-2015, dự báo về tình hình cuộc chiến chống IS, quan sát viên người Italia Maurizio Molinari viết trên tờ báo bản địa La Stampa rằng, năm 2016, tại Syria và Iraq sẽ diễn ra cuộc đấu tay đôi giữa ba liên minh quân sự khác nhau, theo đuổi những mục tiêu mâu thuẫn với nhau.

Trong đó, nhóm thứ nhất là Liên minh Nga-Syria-Iran-Iraq, do Nga lãnh đạo; nhóm thứ 2 là Liên minh các nước Ả Rập do Saudi Arabia và Thổ Nhĩ Kỳ đứng đầu, với sự ủng hộ của Qatar, Kuwait, UAE và Bahrain; còn nhóm thứ 3 là liên quân 64 nước do Mỹ đứng đầu.

Liên minh Ả Rập hiện đang trợ giúp cho các nhóm phiến quân chống Tổng thống Assad với mục đích thành lập một Nhà nước Hồi giáo Sunni mới, giành sự ủng hộ của các bộ tộc Syria thù địch với dòng Hồi giáo Alawite - một nhánh của dòng Shia - cơ sở của đảng cầm quyền hiện nay ở Damascus.

Mục đích của Liên minh do Nga lãnh đạo là bảo vệ Damascus, giải phóng Aleppo, thiết lập sự kiểm soát chặt chẽ miền tây Syria, cũng như đánh bật các nhóm phiến quân của tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo IS trên địa bàn quan trọng nhất gần biên giới với Iraq là Raqqa.

Trong thời gian qua, Nga và Syria đang nỗ lực xiết chặt vòng vây xung quanh Raqqa bằng việc mở chiến dịch giải phóng Homs, Hama, Deir ez-Zor, hình thành thế bao vây từ các hướng tây, nam và đông nam Raqqa, chỉ để ngỏ đường phía bắc (sang Thổ Nhĩ Kỳ) và phía đông (sang Iraq).

Mục tiêu của liên minh do Washington dẫn dắt là giành lại thành phố Raqqa - thủ đô không chính thức của IS. Hiện nay, liên quân Mỹ không thể với tới khu vực phía tây, phía bắc và phía nam của Syria nên họ chỉ có thể đặt mục tiêu đánh Nhà nước Hồi giáo ở Raqqa từ phía tỉnh Aleppo.

Do đó, nếu Mỹ và đồng minh thành công trong kế hoạch tái chiếm lại Raqqa sẽ giúp Washington nâng cao vị thế ở khu vực Trung Đông, đồng thời sở hữu con bài sáng giá để mặc cả với Moscow và Damascus trong tiến trình dàm phán hòa bình ở Syria.

Quan sát viên Molinari nhận xét rằng, hiện nay, Điện Kremlin cũng có cùng mục đích với Nhà Trắng và hai bên đang nỗ lực đẩy mạnh hoạt động của mình, nhằm giành thắng lợi quan trọng trên chiến trường, để tạo điều kiện thuận lợi trên bàn đàm phán.

Mà để đánh chiếm được thủ phủ không chính thức của IS, cả 2 bên đều cố gắng đánh chiếm được các khu vực xung quanh Raqqa. Trong khi liên quân Nga đang chiếm lợi thế bao vây thủ phủ của IS từ nhiều hướng, thì Mỹ chỉ có đường đánh Raqqa từ Aleppo.
Map of Kurdish regions in Syria
Do đó, hiện Mỹ đang nỗ lực hậu thuẫn cho người Kurd (YPG) và Quân đội Syria tự do (FSA) nhanh chóng áp sát Raqqa. Thậm chí Mỹ còn điều quân trấn thủ Kobani cho người Kurd rảnh tay đánh Raqqa. Nga nhìn thấy điều này và quyết chặn bàn tay của Mỹ.

Nếu mất Aleppo vào tay quân đội Syria, Mỹ sẽ không còn đường nào để áp sát được Raqqa, buộc phải nhường thủ phủ của IS cho liên quân Nga.

Về phía tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo IS, việc bị bao vây từ tứ phía khiến chúng rất dễ phải bỏ chạy sang an toàn khu ở Iraq là Mosul, khiến Moscow và đồng minh nhanh chóng đạt thành công, trở thành "ông chủ" trên bàn đàm phán hòa bình ở Syria.

Thế nhưng, ngoài mục đích giành lợi thế để đánh chiếm Raqqa, trận chiến ở Aleppo còn có ý nghĩa quyết định khác đến chiến lược của Nga-Mỹ ở Syria là lá bài người Kurd.

Con bài người Kurd và trận chiến quyết định của Nga với... Mỹ

Từ lâu, cả Nga và Mỹ đều lợi dụng người Kurd để đạt được mục đích của mình. Mỹ nuôi dưỡng người Kurd để chống lại chính quyền Syria đương nhiệm và lật đổ Tổng thống Bashar al-Assad, sau đó sẽ dùng lực lượng này này để tiêu diệt phiến quân thuộc tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.

Để đạt được mục đích của mình, Washington "ra giá" với người Kurd bằng việc, sau khi lật đổ Assad và đánh bại IS, họ sẽ được thành lập một khu tự trị ở Syria, nối liền với khu tự trị ở Iraq, với sự hỗ trợ từ lãnh đạo đảng Liên minh Dân chủ người Kurd (KDUP) Salih Muslim và lãnh đạo Chính quyền bán tự trị người Kurd (KRG) Masoud Barzani.

Tuy nhiên, sau khi Nga can thiệp quân sự vào Syria, mục tiêu thứ nhất là lật đổ Assad không đạt được, nhưng Mỹ vẫn tiếp tục cam kết hỗ trợ người Kurd thành lập một khu tự trị ở phía Bắc Syria, nhằm chia rẽ chính quyền Asad với người Kurd.

Không chỉ thế, Washington còn tham vọng xây dựng các căn cứ ngầm nằm trong khu tự trị này để huấn luyện lực lượng quân đoàn người Kurd thân Mỹ cùng với các nhóm phiến quân khác quấy phá, khiến Syria không bao giờ dứt hỗn loạn.

Về phía Nga, Moscow khuyên chính quyền Assad nên lợi dụng các phe nhóm ở Syria, trong đó có người Kurd để chống IS. Mục tiêu đó hiện nay đã gần thành công, về cơ bản IS đã bị dồn sang phía đông và đông nam Syria, ở các khu vực Deir ez-Zor và Raqqa.

Không ai muốn giao toàn bộ "phên dậu nhà mình" cho người khác giữ, Moscow và Syria không bao giờ muốn người Kurd ở Syria thành lập một khu tự trị rộng, chạy suốt biên giới phía bắc, mà muốn họ sẽ định cư ở một vài khu vực rải rác trên biên giới (xen giữa là quân đội Syria), ví dụ như 2 vùng Kobani và Afrin ở Aleppo.

Mục đích của Nga và Syria là không để họ sinh sống tập trung trong một khu vực lớn, tập hợp tối đa sức mạnh xuyên biên giới của người Kurd ở Syria và Iraq, bởi điều đó là tiềm ẩn yếu tố ly khai rất nguy hiểm, tiềm tàng khả năng dẫn tới một cuộc nội chiến trong tương lai.

Do đó, Nga và Syria sẽ không để người Kurd đánh chiếm thêm bất cứ vùng đất nào ở Aleppo hay Raqqa, bởi khi đó mầm họa đã được dấy lên. Đó cũng là lí do tại sao Nga phải hòa hoãn với Israel và Jordan ở phía nam để rảnh tay ở khu vực phía bắc.

Bởi vậy, cóp thể nói rằng, trận tổng phản công của Liên quân Nga-Syria-Iran-Hezbollah không chỉ quyết định thắng lợi trước IS mà còn quyết định phần thắng trong cuộc đối đầu giữa Nga và Mỹ.

Cùng với trận "đại chiến" này, một cuộc đấu quyết định khác giữa Nga và Mỹ sẽ được mở ra với việc Nga sử dụng một hình thái tác chiến mới, có thể khiến Mỹ phải thay đổi học thuyết quân sự, là chiến thuật "bầy đàn robot". Vấn đề này chúng ta sẽ tìm hiểu trong kỳ sau.