trump deep state
© Desconocido
Tổng thống cũng không tin!

Trang CNN mới đây có bài viết phân tích về tình cảnh trớ trêu của Tổng thống Mỹ Donald Trump khi ông tiếp tục đối mặt với cáo buộc "thông đồng" hay "làm việc" cho Nga.

Hôm 14/1 vừa qua, người đứng đầu nước Mỹ đã phủ nhận làm việc cho Nga, trút sự khinh miệt vào các báo cáo mới nhất về việc xem xét kỹ lưỡng mối quan hệ của ông với Moscow. Phát biểu trước các phóng viên tại Nhà Trắng khi chuẩn bị đi đến Louisiana, ông nói: "Tôi chưa bao giờ làm việc cho Nga".

Theo CNN, cảnh tượng vị Tổng tư lệnh - tức là một vị tổng thống đương chức - đứng trên thảm cỏ ở Nhà Trắng và nói với giọng khàn khàn rằng: "Tôi chưa bao giờ làm việc cho Nga" là một thảm họa chính trị tương đương với vụ hỏa hoạn ở cấp độ 5. Trong lịch sử, chưa bao giờ có một vị tổng thống của nước Mỹ được yêu cầu trả lời những câu hỏi nghiêm túc về lòng trung thành của mình giống như ông Donald Trump.

Trong khi đó, tờ New York Times đưa tin rằng sau khi ông Trump sa thải Giám đốc Cơ quan điều tra liên bang (FBI) James Comey, các nhân viên liên bang Mỹ bắt đầu điều tra về việc liệu Tổng thống Trump có phải là một mối đe dọa tình báo hay không. Theo CNN, sự nghi ngờ này là đương nhiên sau khi ông Trump phàn nàn về Comey với các nhà ngoại giao Nga và sau đó nói với người dẫn chương trình Lester Holt của NBC rằng ông "nghĩ đến Nga" khi sa thải giám đốc FBI.

Cuộc điều tra cáo buộc Nga can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016 cũng đang khiến cuộc sống và công việc của Tổng thống Trump "bị đảo lộn", theo CNN.

CNN, vốn tỏ ra không "thân thiện" với ông Trump, cho rằng sự đảo lộn này ảnh hưởng sâu rộng đến nước Mỹ. Ví dụ mới nhất là việc Tổng thống đã tới Texas để xem xét tình hình biên giới và thúc đẩy việc xây dựng một bức tường nhằm ngăn chặn điều mà ông gọi là "sự xâm lược" từ phương Nam.

CNN cho rằng không có sự xâm lược nào cả và bất chấp sự phản đối, ông Trump vẫn tiếp tục thúc đẩy kế hoạch xây tường, một ý tưởng được đánh giá là "lãng phí thời giờ". Bài viết của CNN cũng ám chỉ ông Trump không quan tâm tới cuộc sống của 800.000 nhân viên liên bang không được nhận lương do chính phủ dừng hoạt động suốt hơn 20 ngày qua. CNN thậm chí mỉa mai rằng, "nhờ sự giàu có của gia đình mà cá nhân ông chưa bao giờ phải chịu đựng như vậy".

Cuối tuần trước, tờ Washington Post tiết lộ rằng Tổng thống đã giữ bí mật, thậm chí ngay cả với các phụ tá thân cận của mình, về nội dung của những cuộc thảo luận với Tổng thống Nga Vladimir Putin. CNN nhấn mạnh, vì là đối thủ chính của Mỹ trên thế giới, mọi lời nói của ông Putin sẽ đều được các chuyên gia xem xét rất kỹ.

Với luận điểm trên, điều mà CNN suy luận ra là việc che giấu bí mật cùng hành động thu lại những bản ghi chép của phiên dịch viên trong các cuộc gặp cho thấy Tổng thống Trump có rất nhiều điều muốn che đậy.

Cuộc chiến ngầm

Những diễn biến trên đang phơi bày một cuộc chiến thực sự trong lòng nước Mỹ. Điều đáng nói hơn là một Tổng thống đương nhiệm, một Tổng tư lệnh quân đội lại bị nghi ngờ "bán mình" cho đối thủ.

Với truyền thống của nước Mỹ, những cuộc đấu đá chính trị nội bộ không có gì đáng ngạc nhiên nhưng căng thẳng được đẩy lên mức như hiện nay thì rõ ràng người Mỹ đã không còn tin vào chính mình.

Bình luận về những diễn biến này, trang Sputnik khẳng định hiện đang có một cuộc chiến ngầm trong lòng nước Mỹ. Theo đó, Tổng thống Trump chưa hẳn là người thực sự kiểm soát đất nước khi Cố vấn an ninh quốc gia John Bolton đang có một vai trò đặc biệt.

Sputnik cho biết một số phương tiện truyền thông Mỹ đã gọi ông John Bolton là "tổng thống Bolton" do những ảnh hưởng chính trị của ông và khả năng đưa ra các quyết định đi ngược lại với lập trường chính thức của Tổng thống Trump.

Vụ bắt giữ Giám đốc tài chính của Huawei Mạnh Vãn Chu được lấy làm ví dụ điển hình.

Chính ông Bolton khẳng định đã biết trước và được thông báo về vụ bắt giữ sắp xảy ra trước khi các cuộc đàm phán quan trọng giữa Tổng thống Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bắt đầu bên lề G20. Trong khi đó, bản thân Tổng thống Trump lại không hề biết gì.

Tổng thống Trump đã không ít lần sa thải các thành viên cấp cao trong chính quyền Washington do những lỗi nhỏ hơn nhiều. Tuy nhiên, trong trường hợp của ông Bolton và vụ Huawei, vẫn chưa có gì xảy ra. Sputnik cho rằng đây chính là điều khiến mọi người phải nghĩ rằng vị trí của ông cố vấn chỉ mang tính hình thức.

Cũng theo Sputnik, bản thân Tổng thống Mỹ đã nhiều lần tuyên bố vấn đề chính mà ông và các đối thủ chính trị quan trọng nhất coi trọng chính là cái được gọi là khối "nhà nước ngầm" - nhóm không chính thức bao gồm những chính trị gia không được bầu, các quan chức và tướng lĩnh an ninh, trên thực tế kiểm soát nước Mỹ dù ai là tổng thống chính thức của đất nước.

Trường hợp "không thể bị nhấn chìm" của Cố vấn an ninh Bolton được cho là chứng tỏ Tổng thống Trump đã không thể loại bỏ các đại diện của nhóm "nhà nước ngầm" này ngay cả trong chính quyền của mình, dù thực tế ông vẫn đang cố gắng thực hiện một chính sách ít nhiều mang tính độc lập.

Quyết định rút quân khỏi Syria mà ông Trump đưa ra mới đây được đánh giá là một hành động như vây bởi đã chống lại sự phản đối trực tiếp của các quan chức cao cấp Lầu Năm Góc và các viên chức cấp cao Bộ Ngoại giao - những đại diện của "nhà nước ngầm".

Trước đó, nhóm "nhà nước ngầm" đã tìm cách hủy bỏ một quyết định của Tổng thống Trump về việc rút quân khỏi Syria hồi tháng 4/2018.

Trong lần này, ngay sau khi Tổng thống Trump tuyên bố rút quân, ông Bolton đã đàm phán với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, và sau đó thông báo rằng Mỹ sẽ không rút quân ngay lập tức.

Theo Sputnik, ông Bolton đưa ra tuyên bố này như thể chính ông mới là người lãnh đạo Mỹ. Trong nhiều ngày sau đó, tất cả những người tham gia xung đột chính trị nội bộ của nước Mỹ đã đưa ra những tuyên bố trái ngược nhau.

Sputnik cho rằng người Mỹ tạo ra vỏ bọc rằng mọi thứ đều ổn định, nhưng phần còn lại của thế giới đều hiểu rằng hiện tượng hai chính quyền đã được xác lập ở Washington và bây giờ đang diễn ra một cuộc đấu tranh để kiểm soát các lực lượng vũ trang Mỹ.

Bình luận về những thông tin của báo chí Mỹ rằng Tổng thống Trump là điệp viên của Nga, Cố vấn Tổng thống Nga, ông Yuri Ushakov mỉa mai: "Làm thế nào để một Tổng thống Mỹ có thể làm điệp viên cho nước ngoài? Hãy suy nghĩ về điều đó".

Trong khi đó, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov thì chỉ trích truyền thông Mỹ đang tự hạ thấp các tiêu chuẩn báo chí, trong khi các nghị sĩ Mỹ cản trở Tổng thống Trump thực thi chính sách đối ngoại.