huawei
Phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) ở Davos - Thụy Sĩ ngày 22/1, Chủ tịch Tập đoàn Huawei Lương Hoa cho biết, Huawei có thể chuyển giao công nghệ cho các quốc gia chào đón Huawei.

Ông Lương Hoa cũng nhấn mạnh rằng công ty đang tuân theo các quy định ở bất cứ nơi nào họ hoạt động, bao gồm cả châu Âu. Do đó, nếu các Chính phủ phương Tây nghi ngờ rằng Huawei đang hoạt động gián điệp, Tập đoàn sẵn sàng hoan nghênh các đại diện Chính phủ phương Tây tới thị sát các cơ sở của Huawei.

"Chúng tôi không gây ra bất cứ mối đe dọa nào đối với xã hội kỹ thuật số tương lai" - Chủ tịch Huawei nhận định.

Ông Lương đồng thời nói thêm rằng Mỹ không trưng ra được bất cứ bằng chứng nào cho thấy các sản phẩm của Huawei được chính phủ Trung Quốc sử dụng để thu thập thông tin.

Trong trường hợp Huawei bị cấm tại một số thị trường và bị khách hàng tẩy chay, Huawei sẽ chỉ chọn cách hợp tác với những ai chào đón họ.

"Chúng tôi sẽ chuyển giao công nghệ đến những quốc gia mà chúng tôi được hoan nghênh - nơi mà chúng tôi có thể hợp tác. Nếu khách hàng không chọn chúng tôi, đó là lựa chọn của họ. Chúng tôi sẽ tập trung nỗ lực vào những khách hàng chọn chúng tôi" - ông Lương nhấn mạnh.

Ông Lương tuyên bố trong thời gian tới, cứ mỗi 5 năm, Huawei sẽ đầu tư 20 tỉ USD xây dựng các cơ sở hạ tầng phục vụ mạng 5G tốc độ cao. Ông Lương nhấn mạnh sự đầu tư mạnh mẽ vào quá trình đổi mới công nghệ này mang lại lợi ích không chỉ riêng cho Huawei mà còn cả nhân loại.

Phát biểu của ông Lương Hoa đưa ra trong bối cảnh Mỹ và nhiều nước đồng minh Mỹ phát đi các cảnh báo lo ngại về sản phẩm của Huawei như: Anh, Canada, Australia và Đức.

Mỹ và Anh có thể là những nơi đầu tiên mà Huawei lựa chọn rút khỏi thị trường phát triển cơ sở hạ tầng viễn thông - mạng không dây thế hệ 5 (5G).

Tại Mỹ, Huawei đã bị cấm đấu thầu một số hợp đồng chính phủ do giới tình báo Mỹ nghi ngờ nhà sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi có mối quan hệ mật thiết với chính phủ Trung Quốc.

Tháng trước, tập đoàn viễn thông BT xác nhận các thiết bị của Huawei đã bị loại bỏ khỏi hệ thống liên lạc được phát triển cho các dịch vụ khẩn cấp tại Anh. Khi nói về khả năng rút Huawei khỏi Anh, ông Lương cho biết, việc này sẽ phụ thuộc vào người dùng tại Anh xem họ có muốn sử dụng công nghệ của công ty hay không.

Nhà sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi trong cuộc trả lời phỏng vấn CCTV ngày 20/1 đã nói rằng, giải pháp 5G và không dây của Huawei thuộc hàng đẳng cấp thế giới, sẽ giải quyết nhiều vấn đề mà các nước phương Tây đối mặt trong việc phát triển 5G, đặc biệt là ở khu vực nông thôn thưa người.

Nếu phương Tây lắng nghe cảnh báo của Mỹ mà tẩy chay Huawei thì họ đang hành động "dại dột".

"Họ dại dột và sẽ mất tiền nếu không mua sản phẩm của chúng tôi. Chúng tôi có nhiều thứ mà các nước châu Âu cùng Mỹ cần, và họ sẽ phải mua từ chúng tôi" - ông Nhậm nói.

Nhà sáng lập Huawei nói thêm ông tự tin về khả năng cạnh tranh của Huawei trong việc phát triển công nghệ 5G và không dây khi so sánh với các hãng khác trên thế giới.

Theo số liệu mới nhất của Deloitte, thì Trung Quốc đã xây được hơn 350.000 tháp sóng - cơ sở hạ tầng quan trọng của mạng 5G, trong khi Mỹ mới chỉ có chưa đến 30.000 tháp (11%). Theo dự báo, Trung Quốc và các nước khác trong khu vực châu Á có thể tạo ra "cơn sóng thần 5G", khiến Mỹ quan ngại trước nguy cơ không thể bắt kịp.

Từ thực tế này, liệu các quốc gia châu Âu có cảm thấy e ngại về tuyên bố của Huawei?

Nếu từ bỏ Huawei, các nước châu Âu có thể quay sang các nhà cung ứng của Mỹ như Verizon, AT&T. Tuy nhiên khác với Trung Quốc, sự hỗ trợ của Chính phủ Mỹ với các nhà mạng cung cấp dịch vụ và cơ sở hạ tầng 5G là hạn chế. Điều này gây nên sự yếu thế hơn của các nhà mạng Mỹ so với gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc như Huawei.

Nếu lựa chọn các nhà thầu Mỹ để phát triển 5G ở châu Âu, bên cạnh việc sẽ triển khai 5G chậm hơn, các nước châu Âu cũng khó mà tin tưởng hoàn toàn rằng các thiết bị do Mỹ cung cấp sẽ không có các "cửa hậu" rò rỉ thông tin và ăn cắp dữ liệu người dùng. Chưa kể, chi phí phát triển 5G từ phía nhà cung cấp Mỹ cũng sẽ đắt đỏ hơn.

Huawei đã ra trả lời làn sóng tẩy chay ở châu Âu, liệu EU sẽ theo Mỹ hay buộc phải thương thảo với gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc để có được sự đảm bảo hơn để có được sự đảm bảo an ninh nữa?