Maduro
© Ariana Cubillos/Associated PressTổng thống Venezuela Nicolás Maduro
LHQ khẳng định Tổng thống Nicolás Maduro là nguyên thủ duy nhất của Venezuela

Press TV ngày 1/2 đưa tin, người phát ngôn của Tổng thư ký Liên Hợp Quốc (TTK LHQ) Stephan Dujarric khẳng định tổ chức quốc tế này chỉ công nhận Tổng thống hợp hiến Nicolás Maduro, là nguyên thủ duy nhất của Venezuela.

Theo ông Dujarric, TTK LHQ Antonio Guterres cho rằng việc công nhận hay không công nhận một chính phủ không thuộc chức năng của Tổng thư ký LHQ, mà thuộc về các nước thành viên của Đại hội đồng và Hội đồng Bảo an LHQ.

Trong khi đó đa số thành viên ĐHĐ và HĐBA đã bày tỏ sự ủng hộ Chính phủ của Tổng thống Maduro. Đặc biệt 2 Thành viên Thường trực HĐBA là Nga và Trung Quốc ngay từ đầu đã ủng hộ chính quyền Venezuela đương nhiệm.

Vì vậy, đối với những yêu cầu trong thư kêu gọi hỗ trợ của thủ lĩnh đối lập, vừa tự tuyên bố là Tổng thống lâm thời của Venezuela - ông Juan Guaidó, LHQ không thể đáp ứng.

"LHQ sẵn sàng tăng cường hoạt động nhân đạo và phát triển tại Venezuela, nhưng LHQ cần sự đồng thuận và hợp tác của chính phủ được công nhận", ông Dujarric khẳng định.

Người phát ngôn của Tổng thư ký Liên Hợp Quốc cũng cho biết thêm rằng LHQ sẵn sàng trợ giúp cho việc tìm kiếm một giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng hiện tại ở Venezuela.

"LHQ vẫn theo sát kế hoạch tổ chức hội nghị quốc tế do Mexico và Uruguay chủ trì, dự kiến diễn ra ở Montevideo vào ngày 7/2 tới, nhằm nối lại đối thoại chính trị tại Venezuela", ông Dujarric nhấn mạnh.

Như vậy, với tuyên bố của LHQ, chính phủ và cá nhân Tổng thống Venezuela đương nhiệm Nicolás Maduro đã có một thắng lợi chính trị quan trọng. Từ đây, cuộc khủng hoảng chính trị tại Venezuela đã bị thu hẹp thành một cuộc khủng hoảng quyền lực.

'Kiềng quyền lực' của Tổng thống Maduro bỗng vững chãi hơn

Theo giới phân tích, sau tuyên bố của LHQ - tổ chức quốc tế lớn nhất hành tinh - về việc công nhận tính hợp hiến của chính quyền Maduro, đã giúp "kiềng quyền lực" của Tổng thống Nicolás Maduro đã trở nên vững chắc hơn rất nhiều.

Bởi ngoài việc "tôi nóng" thêm chân quyền lực thứ ba là sự ủng hộ của quốc tế, LHQ còn giúp gia cố hai chân quyền lực khác, giúp cho chiếc "kiềng quyền lực" đảm bảo cả 3 chân vững chãi.

Chân kiềng quyền lực thứ nhất là sự ủng hộ của những người dân Venezuela. Đó là những ngườitừng tham gia vào cuộc bầu cử Quốc hội lập hiến cũng như tham gia vào cuộc bầu cử tổng thống và bỏ phiếu cho ông Maduro.

Dù có khác biệt về số liệu được công bố, song lực lượng ủng hộ đương kim tổng thống Venezuela chiếm tỷ lệ không nhỏ trong tổng dân số quốc gia Nam Mỹ này. Đây là chân kiềng quyền lực quan trọng nhất với Nicolás Maduro.

Tuy nhiên, sau khi Juan Guaidó tự xưng tổng thống lâm thời thì chân kiềng này dường như đã "bị cong" khi lực lượng ủng hộ ông Maduro bị cho là có sự dao động. Bởi Guaidó là Chủ tịch Quốc hội chứ không phải một tướng lĩnh muốn làm đảo chính.

Song tuyên bố của LHQ công nhận tính hợp hiến của chính quyền đương nhiệm và xác nhận Tổng thống Maduro là nguyên thủ duy nhất của Venezuela đã giúp gia cố cho chân kiềng quyền lực thứ nhất này.

Chân kiềng quyền lực thứ hai là sự ủng hộ của quân đội Venezuela. Đây là sự bảo đảm với cả tính mạng và sinh mệnh chính trị của ông Maduro, sau khi Guaidó tuyên bố là tổng thống lâm thời và được Mỹ cùng nhiều thực thể a dua công nhận.

Không thể phủ nhận là có những thành phần bất mãn với Tổng thống Maduro, nhưng người đứng đầu quân đội Venezuela vẫn tuyên bố quân đội trung thành với nhà lãnh đạo đương nhiệm. Lý do vì ông nắm quyền theo nguyên tắc uỷ thác quyền lực.

Mặc dù vậy, Tổng thống Maduro bị cho là đã thực hiện nhiều bước đi bất hợp pháp nhằm kéo dài quyền lực. Đặc biệt là thành lập Quốc hội lập hiến, qua đó gần như vô hiệu cơ quan lập pháp, nên sự ủng hộ của quân đội được xem là chưa chắc chắn.

Khi LHQ khẳng định tính hợp hiến của chính quyền và tổng thống đương nhiệm của Venezuela, đã như một sự đảm bảo với quân đội Venezuela về sự trung thành của họ là đúng đắn. Chân kiềng quyền lực thứ hai đã được gia cố vững chắc.

Chân kiềng thứ ba chính là sự ủng hộ của quốc tế. Trong đó quan trọng nhất là Nga, Trung Quốc và bây giờ là LHQ. Đây là những nền tảng đảm bảo cho tương lai của ông Maduro, chính quyền của ông và cả dân tộc Venezuela.

Dù LHQ ngày càng thiếu "lực", nhưng về "quyền" thì tổ chức quốc tế này vẫn luôn được đảm bảo. Và trong trường hợp Venezuela thì "quyền" của LHQ được xem là quan trọng với Caracas hơn là "lực" của định chế quốc tế này.

Có thể khẳng định sự ủng hộ của LHQ đối với chính phủ và Tổng thống Maduro đã cộng hưởng sức mạnh sự giúp đỡ mà Moscow và Bắc Kinh đã dành cho cá nhân ông Maduro và chính quyền của ông.

Bởi cho đến lúc này có thể khẳng định sự can thiệp quân sự từ bên ngoài - mà Mỹ được cho là đã sẵn sàng - đối với Venezuela rất khó có thể xảy ra, trừ khi chính quyền Maduro quá kém cỏi trong việc tận dụng cơ hội mà LHQ đã tạo ra.

Có thể thấy, LHQ xác nhận tính hợp hiến của chính quyền đương nhiệm đã tạo ra một bước ngoặt mới với cuộc khủng hoảng tại Venezuela, mà hướng rẽ không như ý muốn của Mỹ và các thực thể muốn tạo ra bàn cờ chính trị mới ở Venezuela.

Như vậy, những diễn tiến mới cho thấy tình hình Venezuela ngày càng khác xa với tính toán của Washington. Giới phân tích cho rằng đây là "hậu quả" từ lối hành xử của chính quyền Trump.