pro maduro protester venezuela
© Reuters/Marco Bello
Theo báo cáo mới nhất về Venezuela của Trung tâm chiến lược địa chính trị Mỹ Latinh (CELAG), cuộc phong tỏa tài chính do Mỹ đứng đầu chống lại Venezuela đã khiến quốc gia này thiệt hại trong khoảng từ 260 tỷ USD đến 350 tỷ USD.

Theo các nhà nghiên cứu, thiệt hại ước tính trong sản xuất hàng hóa và dịch vụ khiến nền kinh tế này mất từ 1,1 đến 1,6% GDP, tương đương từ 12.200 đến 13.400 USD cho bình quân theo đầu người.

CELAG còn chỉ ra rằng một trong những áp lực lớn mà nền kinh tế Venezuela phải hứng chịu là cuộc tháo chạy của các thị trường tín dụng quốc tế khỏi quốc gia này. Venezuela thực tế rơi vào cảnh đói vốn. Ngoài ra, các tổ chức xếp hạng tài chính như Standard & Poor's hay Moody đã xếp Venezuela vào nhóm thị trường "có rủi ro cao".

Thậm chí xếp hạng của Venezuela còn được đánh giá rủi ro hơn khi đầu tư vào các quốc gia bị chiến tranh tàn phá như Syria. Điều này làm lãi suất của các khoản đầu tư vào quốc gia Mỹ Latinh này cao hơn mức bình thường. CELAG cho biết Venezuela đã phải chi trả khoảng 17 tỷ USD tiền lãi bổ sung vì xếp hạng kinh tế rủi ro cao này.

Trong khi đó, Venezuela cũng đang mất quyền truy cập vào khoảng 22,5 tỷ USD do sự cô lập có chủ ý của quốc tế. Cùng với việc giá dầu thô giảm đều từ năm 2015, và giảm mạnh vào năm 2018 đã khiến nền kinh tế của Venezuela thực sự sụp đổ.

Các tác giả của nghiên cứu này đưa ra cảnh báo rằng các cuộc tấn công tài chính mà Mỹ thực hiện sẽ còn tiếp diễn với cường độ và biên độ mạnh hơn nữa. Đáng ngại hơn, CELAG đánh giá những chiến dịch bóp chết nền kinh tế chỉ là khúc dạo đầu của sự can thiệp quân sự.

Thực tế, Mỹ và các đồng minh của họ ở châu Âu và các nước Mỹ Latinh khác tiến hành cô lập và trừng phạt Venezuela với những cáo buộc Tổng thống Maduro là độc tài, vi phạm dân chủ dân quyền và phải chịu trách nhiệm cho cuộc đại di cư của hàng triệu người Venezuela đang xin tị nạn sang các quốc gia xung quanh.

Tuy nhiên, chính những biện pháp trừng phạt trước đó của Mỹ đã khiến nền kinh tế Venezuela bị bóp nghẹt và rơi vào cảnh khủng hoảng trầm trọng. Đây mới chính là nguyên nhân chủ chốt của "thảm họa kinh tế và nhân đạo" mà Mỹ hay nói tới.

Đáng chú ý hơn, Mỹ một mặt siết chặt kinh tế Venezuela, hủy hoại nó từng ngày nhưng mặt khác, vẫn đang đưa ra một hình ảnh thân thiện và nhân đạo khi điều các chuyến hàng cứu trợ vào Venezuela để cứu vớt những nạn nhân do chính họ tạo ra.

Các chuyến hàng này có gì? Lương thực, thuốc men, quần áo, nước sạch... Những thứ mà trước khi Mỹ can thiệp trừng phạt kinh tế, người dân Venezuela được hưởng gần như miễn phí. Còn hiện tại, họ cần phải sống trong những túp lều của trại tị nạn, chờ đợi sự cứu trợ từ các tổ chức nước ngoài.

Đó là lý do vì sao Tổng thống Maduro đã phải chua xót nhận định đó là những "gói quà cặn bã" và tìm cách ngăn chặn sự hiện diện của Mỹ thông qua những chuyến hàng đó. Trong khi lãnh đạo phe đối lập Juan Guaido cho rằng những chuyến xe màu trắng của Mỹ như những gói hàng được gửi từ Thiên đường và người dân của Venezuela cần chúng.

Ông Juan Guaido hôm 11/2 còn tuyên bố trước truyền hình về việc ông này hạnh phúc khi các chuyến hàng cứu trợ của Mỹ đang bị chặn ở cửa biên giới sẽ có cơ hội được vào trong nước vào cuối tuần này. Thậm chí còn tổ chức khoảng 100.000 người đăng ký phân phát hàng viện trợ cho những người đang sống trong trại tị nạn.

Sự trớ trêu ấy vẫn diễn ra hàng ngày. Mỹ một tay siết cổ nền kinh tế của Venezuela, nhưng một tay chìa ra ban phát những món quà rồi tự nhận mình đang làm vai trò của một người tử tế.