trumpdollar
© CNN.com
Tổng nợ quốc gia của nước này vừa vượt qua mốc 22 nghìn tỷ USD, sắp chạm 22.01 nghìn tỷ USD.

Thông tin từ tờ Business Insider, Bộ Tài chính Mỹ vừa thông báo tổng các mức thâm hụt ngân sách chính phủ tăng tới 2,06 nghìn tỷ USD kể từ thời ông Donald Trump lên nắm quyền tháng 1/2017.

Nợ công của Mỹ đã tăng hơn 2 nghìn tỷ USD trong 2 năm kể từ khi Tổng thống Trump nhậm chức. Tháng 1/2017, nợ công của Mỹ ở mức 19,9 nghìn tỷ USD, và nhanh chóng vượt mốc 21 nghìn tỷ USD lần đầu tiên trong lịch sử vào tháng 3/2018.

Đây là lần đầu tiên tổng nợ công của Mỹ vượt qua ngưỡng này. Tổng số nợ phát hành trong năm 2018 đã vượt quá mức 1,3 tỷ USD - đây là lượng phát hành nợ mới lớn nhất kể từ năm 2010.

Trong khi đó, mức thâm hụt ngân sách trong năm tài khóa 2018 (tháng 10/2017 đến tháng 9/2018) cũng ở mức đáng báo động với 779 tỷ USD. Con số này là thước đo lượng thu nhập mà chính phủ thu được trừ đi các khoản chi tiêu của chính phủ.

Không chỉ nợ công tăng mà tỷ lệ nợ công/GDP của Mỹ cũng tăng. Tháng 6/2018, Văn phòng Ngân sách quốc hội Mỹ đã đưa ra báo cáo nói rằng, tỷ lệ nợ công/GDP của nước này đã lên mức cao nhất kể từ Thế chiến II.

Theo giới chuyên gia, nợ công của Mỹ tăng mạnh chủ yếu do hai yếu tố. Thứ nhất là, luật cải cách thuế do Tổng thống Donald Trump và đảng Cộng hòa thông qua. Ước tính, đạo luật này có thể khiến nợ công của Mỹ tăng thêm 1,5 nghìn tỷ USD trong vòng 10 năm tới. Thứ hai là thỏa thuận ngân sách lưỡng đảng được quốc hội Mỹ thông qua làm giảm nguồn thu từ thuế trong khi làm tăng chi tiêu ngân sách của chính phủ Mỹ.

Điều này khiến ông Trump sẽ phải đối mặt với chỉ trích gay gắt từ Quốc hội lưỡng viện. Trong khi đó, trong chiến dịch tranh cử Tổng thống của mình hồi cuối năm 2016, ông Trump từng tuyên bố sẽ cắt giảm nợ công của Mỹ trong vòng 8 năm. Nhiệm kỳ đầu tiên sẽ cho thấy những tín hiệu của việc giảm nợ.

Thực tế, trong thời gian nắm quyền, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã gây dựng được nhiều thành tựu với nền kinh tế Mỹ. Trong đó có việc GDP của Mỹ tăng trưởng 4,2% - mức tốt nhất trong 4 năm qua. Tỉ lệ thất nghiệp chỉ 3,9%, đạt mức thấp nhất từ năm 1969...

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia của Mỹ đã bắt đầu bày tỏ những lo ngại về chính sách tài chính của Tổng thống Mỹ. ông Mark Zandi, chuyên gia kinh tế trưởng của Moody's Analytics, nhận định.

"Nền kinh tế giờ đây đang có tính chu kỳ cao hơn trước do các biện pháp kích cầu. Tăng trưởng diễn ra mạnh mẽ trong ngắn hạn, nhưng cũng vì thế mà một thời kỳ khó khăn đang chờ ở phía trước. Đó là lý do vì sao hầu hết các chuyên gia kinh tế đều tin chúng ta sẽ rơi vào suy thoái vào năm 2020, vì chính những chính sách này".

Một vấn đề gây lo ngại lớn hiện nay là khối nợ khổng lồ ngày càng phình to của Mỹ. Khối nợ này sẽ càng lớn nếu những dự báo tăng trưởng kinh tế khả quan của ông Trump không trở thành hiện thực, hoặc trong trường hợp chiến tranh thương mại Mỹ-Trung gây lạm phát tăng vọt và thiệt lại lớn cho các công ty Mỹ phụ thuộc vào xuất khẩu, hoặc trường hợp thị trường địa ốc Mỹ đột ngột giảm tốc.

Ngoài ra, tiền lương tăng chậm cũng là một vấn đề của kinh tế Mỹ hiện nay. Từ tháng 1/2017, khi ông Trump nhậm chức, tiền lương theo giờ của người lao động Mỹ chỉ tăng 4,1%, ngang với tốc độ lạm phát. Tuy nhiên, cũng cần nói thêm rằng, trong thời gian cầm quyền tương ứng của ông Obama, tiền lương theo giờ của người Mỹ chỉ tăng 3%.