Phùng Xuân Nhạ, Vietnamese minister of education
Ông Bộ trưởng Giáo dục nói sao về tình trạng ngành giáo dục hiện nay ?
Chỉ trong một thời gian ngắn, ngành giáo dục liên tiếp xảy ra những vụ việc đáng buồn, khiến dư luận bức xúc.

Có thể kể đến vụ thầy giáo trường THPT chuyên Thái Bình nhắn tin gạ tình nữ sinh lớp 10, thầy giáo ở Bắc Giang uống rượu, có hành động thiếu chuẩn mực với học sinh lớp 5 hay gần đây nhất là vụ nữ giáo viên cấp 3 ở Bình Thuận vào nhà nghỉ với nam học sinh lớp 10.

Dư luận đang khó có thể tưởng tượng được những sự việc tưởng chừng như chỉ diễn ra ở ngoài xã hội lại đã và đang diễn ra ngay trong môi trường học đường.

Trao đổi với Đất Việt về vấn đề này, GS.TSKH Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam cho biết, ông cảm thấy thật lạ kỳ khi mà ngành giáo dục liên tiếp xảy ra những vụ việc khiến dư luận bức xúc. Điều này chứng tỏ điều gì?

Theo TS. Dong, nó chứng tỏ rằng chuẩn mực giáo viên hiện nay không được tôn trọng, đạo đức nhà giáo bị xuống cấp.

"Những vụ việc này làm cho ngành giáo dục nước ta mất uy tín. Môi trường giáo dục là đào tạo ra con người, sản phẩm của nó là con người - thế hệ tương lai của đất nước, nó không phải là nhà máy sản xuất ra xi măng, gạch, đá... Giáo viên phải toàn diện cả chuyên môn lẫn đạo đức nghề nghiệp. Nếu giáo viên không có phẩm chất đạo đức thì những bậc phụ huynh làm sao có thể tin tưởng giao con của mình cho họ được?.

Tôi cho rằng, phải xử lý thật nghiêm những vụ việc xảy ra vừa qua, thậm chí xem xét cho những giáo viên vi phạm ra khỏi ngành giáo dục. Nếu cứ xử lý lơ mơ thì gay go quá!", ông Dong bức xúc.

Đặt câu hỏi vậy điều gì khiến cho đạo đức giáo viên hiện nay bị xuống cấp như vậy? GS.TSKH Phạm Tất Dong tự trả lời, lâu nay chúng ta chỉ tập trung đào tạo chứ không kiểm soát kỹ chất lượng đầu ra của ngành sư phạm. Đây là nhược điểm rất lớn của ngành giáo dục Việt Nam.

Chuẩn đầu ra của sinh viên sư phạm ở một số nước rất khắt khe, không phải cứ tốt nghiệp là trở thành giáo viên. Ông Dong so sánh, giống như trong một nhà máy sản xuất, người thợ kém sẽ không thể nào cho ra được những sản phẩm tốt - ngành giáo dục cũng vậy. Ở ngành khác có thể chỉ gây ra hậu quả trước mắt, nhưng yếu kém trong giáo dục hậu quả sẽ vô cùng to lớn và lâu dài.

"Tôi cho rằng ngành giáo dục cần xem lại mình, kiểm điểm lại trách nhiệm với tư cách của một cơ quan quản lý. Cần xử lý triệt để những vụ việc vừa qua để tạo ra dư luận trong ngành giáo dục.

Mới đây, tại Ai Cập đã xảy ra vụ tai nạn tàu hỏa nghiêm trọng khiến nhiều người thương vong. Bộ trưởng Giao thông Vận tải nước này đã từ chức chỉ vài giờ. Đây là một sự cố về kỹ thuật mà người có trách nhiệm đã phải từ chức, chưa nói đến sự cố trong việc đào tạo ra một con người", GS.TSKH Phạm Tất Dong nhấn mạnh.

Về cách thức xử lý, GS.TSKH Phạm Tất Dong đồng ý với quan điểm, những giáo viên vi phạm đạo đức trong những sự việc xảy ra gần đây nên tự xin ra khỏi ngành thay vì chờ đợi kết luận từ cơ quan quản lý.