Elliott Abrams
Bộ mặt thật của Elliot Abrams, đặc phái viên Mỹ tại Venezuela
Theo RT ngày 6/3, đặc phái viên Mỹ tại Venezuela Elliott Abrams đã ám chỉ rằng, Washington có thể xử phạt bên thứ ba thách thức hay phản đối những nỗ lực thay đổi chế độ ở Venezuela.

Ông Abrams nhấn mạnh, Washington sẽ không chỉ thực hiện các biện pháp trừng phạt kinh tế chống lại chính phủ của Tổng thống Maduro, mà còn thực hiện biện pháp trừng phạt với cả những bên ủng hộ ông Maduro.

Đặc phái viên Mỹ tại Venezuela cho rằng, cộng đồng quốc tế phải chọn phe một cách khôn ngoan trong cuộc xung đột ở Venezuela. Ông cũng cảnh báo, quyết định trừng phạt bên thứ ba sẽ phụ thuộc tình hình chính trị tại Venezuela trong tương lai.

Cho đến nay, dưới sức ép của Mỹ, khoảng 54 quốc gia đã công nhận lãnh đạo đối lập Juan Guaido là "tổng thống lâm thời" của Venezuela.

Colin Cavell, giáo sư khoa học chính trị tại Bluefield State College (Mỹ) cho rằng, Mỹ đang quốc tế hóa cuộc xung đột ở Venezuela, đe dọa để buộc các quốc gia khác chống lại Venezuela. "Nếu bạn không ủng hộ các biện pháp trừng phạt của chúng tôi, chúng tôi sẽ áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với bạn".

Theo ông Colin Cavell, chính quyền Tổng thống Donald Trump đang buộc các đồng minh và các quốc gia khác lựa chọn ủng hộ cuộc đảo chính đầy toan tính nhằm lật đổ chính phủ hợp pháp của Venezuela hay ủng hộ chính phủ mà Mỹ không thích.

RT nhận định, việc Mỹ sẵn sàng trừng phạt các nước ủng hộ ông Maduro thay vì Juan Guaido không chỉ vi phạm luật pháp quốc tế mà còn thể hiện rõ ràng sự can thiệp trơ trẽn của Mỹ vào vấn đề của một quốc gia có chủ quyền.

Hơn nữa, giới phân tích tin rằng, chính quyền Mỹ dường như đang hành động theo cách "nếu người dân Venezuela khốn khổ hơn nữa, họ sẽ nổi dậy và lật đổ chính phủ của họ".

Ba phần tư quốc gia trên thế giới đang đứng về phía chính phủ hợp pháp của Tổng thống Maduro bao gồm nhiều nước lớn như Trung Quốc và Nga, ông Colin Cavell kết luận.

Hôm 28/1, Mỹ áp lệnh trừng phạt lên ngành năng lượng của Venezuela, bao gồm việc ngừng bán dầu cho Caracas. Việc này buộc Venezuela phải mua năng lượng từ các thị trường khác.

Có 5 công ty trở thành nhà cung cấp năng lượng chính của Venezuela sau thời điểm trừng phạt gồm Rosneft (Nga), Repsol (Tây Ban Nha), Reliance Industries (Ấn Độ), Vitol (Thụy Sĩ) và Trafigura (Hà Lan).