huawei
© Getty Images / Guillaume Payen
Tập đoàn viễn thông Trung Quốc Huawei hôm 7/3 xác nhận đã nộp đơn kiện chính phủ Mỹ lên một tòa án liên bang ở Texas, đề nghị xem xét tính hợp hiến của Điều 889 trong Đạo luật Ủy quyền Quốc phòng (NDAA) được Tổng thống Donald Trump ký hồi tháng 8/2018, trong đó cấm các cơ quan liên bang và nhà thầu Mỹ mua thiết bị và dịch vụ từ Huawei.

Trong tuyên bố trước báo chí, Guo Ping, Chủ tịch luân phiên của Huawei khẳng định: "Quốc hội Mỹ đã nhiều lần thất bại trong việc đưa ra bằng chứng chính đáng để hạn chế các sản phẩm của Huawei. Chúng tôi buộc phải thực hiện hành động pháp lý như một giải pháp phù hợp cuối cùng".

Ông Guo còn cáo buộc chính phủ Mỹ "tấn công các máy chủ, đánh cắp email và mã nguồn" của Huawei, nhưng không cung cấp thêm chi tiết về việc này.

Theo Đạo luật Cấp phép Quốc phòng Mỹ (NDAA) được thông qua vào tháng 8 năm ngoái, chính quyền Washington đã cấm các cơ quan chính phủ sử dụng thiết bị của các công ty bao gồm Huawei, ZTE Corp, công ty thiết bị giám sát video Hàng Châu Hikvision và Dahua, cũng như công ty thiết bị truyền phát vô tuyến Hytera.

Mặc dù lệnh cấm NDAA nhắm vào các cơ quan nhà nước, hoạt động kinh doanh của Huawei với các công ty tư nhân cũng có thể bị ảnh hưởng nếu các công ty có hợp đồng với Chính phủ Mỹ và do đó không được sử dụng thiết bị Huawei.

Đây là phản ứng mạnh mẽ thứ hai từ phía Huawei trước các sức ép từ cả Canada và Mỹ đối với Tập đoàn này. Trước khi khởi kiện Chính phủ Mỹ, Huawei cũng tuyên bố sẽ khởi kiện Canada vì những sai phạm trong quá trình bắt, khám xét và thẩm vấn bà Mạnh Vãn Châu - cựu Giám đốc Tài chính Huawei, con gái CEO của Tập đoàn này.

Vụ kiện diễn ra trong bối cảnh Canada hôm 1/3 bắt đầu quá trình dẫn độ bà Mạnh Vãn Chu, người bị bắt hồi tháng 12/2018 tại Vancouver theo yêu cầu của Mỹ. Trung Quốc gọi việc dẫn độ bà Mạnh là "cuộc đàn áp chính trị chống lại những doanh nghiệp công nghệ cao" của họ. Washington hồi tháng 1 truy tố Huawei và bà Mạnh 23 tội danh, trong đó có rửa tiền, lừa đảo, đánh cắp tài sản trí tuệ và vi phạm lệnh trừng phạt Iran.

Huawei có khả năng thắng không?

Các vụ kiện liên quan đến công ty nước ngoài khởi kiện Chính phủ Mỹ rất hiếm gặp. Trước đây có một vụ kiện tương tự do một công ty Nga tiến hành.

Công ty thiết kế phần mềm chống virus Kaspersky Lab có trụ sở tại Moscow cũng đã bị Chính phủ Mỹ cấm sử dụng phần mềm trong hệ thống mạng nhà nước do lo ngại an ninh quốc gia. Tuy nhiên, Kaspersky Lab đã thua và không thể thay đổi lệnh cấm.

Các chuyên gia pháp lý cho biết công ty có khả năng thua kiện vì các tòa án Mỹ có xu hướng tránh việc phân xử những lệnh cấm của chính quyền Mỹ liên quan đến an ninh quốc gia.

Một số luật sư cho rằng, Huawei chỉ đơn giản là muốn lôi kéo dư luận trong vụ tranh cãi liên quan đến cuộc đối đầu thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Vụ kiện của họ có khả năng kéo dài trong nhiều năm.

Huawei có thể biết rõ khả năng thua là rất cao nhưng họ kiên quyết đặt cược bởi đã từng có những vụ thắng kiện trong lịch sử. Reuters dẫn một vụ kiện nổi tiếng vào năm 1946 cho thấy, Tòa án Tối cao Mỹ đã buộc phải tuyên một đạo luật là vi hiến, 3 nhân viên Chính phủ Mỹ đã phải chịu tội.

Gần đây, một thẩm phán liên bang Mỹ cũng đã tuyên phán quyết về đạo luật giới hạn tài trợ cho tổ chức y tế của phụ nữ - Plazed Parenthood là một đạo luật vi hiến bởi đạo luật này được thông qua nhằm trừng phạt tổ chức nói trên.