flags China Russia Iran Venezuela
Ngày 13/3, Trung Quốc đề nghị được hỗ trợ Venezuela khôi phục hệ thống điện trong hoàn cảnh quốc gia Nam Mỹ này đang trong tình trạng mất điện kéo dài nhiều ngày qua.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, ông Lục Khảng cho biết: "Bắc Kinh hy vọng Venezuela có thể nhanh chóng tìm ra nguyên nhân của việc mất điện và khôi phục hệ thống điện cũng như trật tự xã hội tại quốc gia này".

Ông Lục Khảng nhấn mạnh, Bắc Kinh đề nghị hỗ trợ kỹ thuật nhằm trợ giúp cho Venezuela khôi phục hệ thống điện càng nhanh càng tốt. Song song với đó, Bắc Kinh cũng khẳng định sẵn sàng trợ giúp Caracas trong việc điều tra nguyên nhân gây ra sự cố mất điện tại quốc gia này.

Hệ thống điều khiển tự động (ARDA) ở nhà máy thủy điện Guri lớn nhất Venezuela thuộc bang Bolivar đã phải hứng chịu một cuộc tấn công mạng hôm 7/3. Sự cố này gây mất điện rộng toàn bộ 23 bang của quốc gia Nam Mỹ này.

Hiện tại, các doanh nghiệp và trường học của Venezuela vẫn đang đóng cửa vì nguồn điện khôi phục được không đủ để phục vụ tất cả các nhu cầu của cả nước. Một số khu vực đã có điện trở lại song không ổn định.

Giới phân tích cho rằng việc mất điện diện rộng và kéo dài lần này là đòn đánh tiếp theo mà Mỹ khởi động để tiếp tục gia tăng khó khăn cho đời sống người dân Venezuela, gây rối loạn tình hình chính trị xã hội của quốc gia Nam Mỹ này.

Như vậy, sau khi kết thúc chiến dịch viện trợ nhân đạo không thành công, đây là bước đi mới nhất và trọng tâm nhất mà Washington tiến hành, nhằm hậu thuẫn cho phe đối lập Juan Guaido trong cuộc chính biến nhằm lật đổ Tổng thống Maduro.

Tuy nhiên, một tuần trôi qua kể từ khi xảy ra sự cố, Tổng thống Maduro vẫn đang trụ vững. Song song với đó, nhà lãnh đạo này tiếp tục nhận được sự ủng hộ từ nhiều quốc gia bên ngoài.

Đây là lần đầu tiên kể từ khi cuộc khủng hoảng chính trị ở Venezuela diễn ra, Trung Quốc đưa ra một lời đề nghị chính thức để hỗ trợ chính quyền của Tổng thống Nicolas Maduro giải quyết các khó khăn.

Có thể thấy, trong chiến dịch viện trợ nhân đạo lần trước, Nga đã trực tiếp gửi lương thực, thuốc men, nhu yếu phẩm đến Caracas để hỗ trợ cho chính quyền của Tổng thống Maduro. Và hiện tại, Trung Quốc là cường quốc thứ hai ra mặt để giúp Caracas đối đầu với kế hoạch công kích mới nhất của Mỹ.

Theo nhiều nhận định, việc Trung Quốc lần đầu ra mặt và can thiệp vào vấn đề Venezuela mang nhiều ý nghĩa. Thói quen của Bắc Kinh trong mọi điểm nóng quốc tế đều dựa trên cơ sở: Khi thắng thua đã ngã ngũ, Trung Quốc sẽ cân nhắc thực tế cục diện để quyết định xem họ sẽ can thiệp hay tiếp tục đứng ngoài.

Còn nhớ trong cuộc khủng hoảng Syria, kể từ năm 2011 cho đến nay, ngoài việc ủng hộ Tổng thống Bashar al-Assad ở Liên Hợp Quốc và tham gia một số hoạt động cứu trợ nhân đạo, Bắc Kinh không tham gia vào bất kỳ cuộc chiến hay một phe nhóm cụ thể nào trên chiến trường.

Tuy nhiên khi cục diện đã ngã ngũ: Khủng bố IS bị tiêu diệt, Mỹ tuyên bố rút quân, các lực lượng thân Mỹ ở Syria đàm phán để được quay trở lại hàng ngũ và phục vụ chính quyền Damascus, Bắc Kinh lại nổi lên thành nhà tài trợ lớn nhất cho công cuộc tái thiết quốc gia này.

Quay trở lại với vấn đề Venezuela, khi chính thức gửi đi lời đề nghị được hỗ trợ ông Maduro, dường như Bắc Kinh đã kết thúc thời kỳ "tọa sơn quan hổ đấu" của mình và đưa ra quyết định chọn phe thắng cuộc.

Lần này, với sự hậu thuẫn từ Nga và Trung Quốc, dường như vị thế của Tổng thống Maduro đang rất vững vàng. Trong khi ở phía đối diện, Mỹ vẫn chưa thể xây dựng được liên minh lật đổ chính quyền Maduro. Từ đó để thấy, cục diện đã ngã ngũ, cơ hội thành công cho cuộc cách mạng màu lần này mà Mỹ dàn dựng đang rất mong manh.