Kosovo Liberation Army
© Reuters/OP/FMSQuân đội Giải phóng Kosovo (KLA) năm 1999: Một tổ chức tội phạm được CIA dung túng và sử dụng
Phù phép tội phạm chiến tranh ở Kosovo thành anh hùng?

Balkan Insight ngày 13/3 dẫn lời Công tố viên đặc biệt Drita Hajdari cho biết Chiến lược chống tội ác chiến tranh mới của Kosovo nhằm tăng cường truy tố các tội phạm để mang lại công lý cho các nạn nhân sẽ khó có thể thành công.

Xin nhắc lại, khi cuộc Chiến tranh Nam Tư kết thúc, đã để lại hai vấn đề lớn. Đó là sự ra đời của Cộng hoà Kosovo và việc xét xử các thủ phạm gây tội ác chiến tranh, tội ác chống lại loài người tại vùng lãnh thổ này.

Nếu thành lập Cộng hoà Kosovo là một tiến trình chính trị sai nguyên lý về sự ra đời của nhà nước thì việc xét xử tội phạm là một tiến trình pháp lý bẩn, che giấu những hành động đen tối của các tác giả bàn cờ chính trị Kosovo.

Chiến tranh kết thúc đã 20 năm mà vẫn còn quá nhiều vụ xét xử tội ác chiến tranh ở Kosovo dang dở và có thể bị vô hiệu. Vì vậy, tháng 2/2019, Hội đồng Công tố Kosovo đã thông qua Chiến lược chống Tội ác Chiến tranh, nhằm thúc đẩy tiến trình pháp lý.

"Chúng tôi có 900 trường hợp phạm tội ác chiến tranh và 2.000 nạn nhân bị mất tích. Đây là một thách thức rất lớn đối với chúng tôi. Vì vậy chúng tôi cần một chiến lược để có thể hoàn tất tiến trình đi tìm công lý", Công viên Hajari cho hay.

Chiến lược chống Tội ác Chiến tranh Quốc gia của Kosovo đã đưa ra các ưu tiên trong việc truy tố các thủ phạm được cho là đã phạm tội ác ở Kosovo, mà sau 20 năm vẫn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật.

Chiến lược mới của Kosovo đã khoanh những tội ác mà các cựu thành viên Quân đội Giải phóng Kosovo (KLA) gây ra từ ngày 29/2/1999 đến ngày 20/6/1999 là tội ác chiến tranh. Tội ác gây ra trước và sau giai đoạn này là tội ác chống loài người.

Đặc biệt, Chiến lược chống tội ác chiến tranh mới của Kosovo đã tập trung vào hành động và trách nhiệm của các chỉ huy KLA. Điều mà Phái bộ Quản lý Lâm thời của LHQ tại Kosovo (UNMIK), Cơ quan hỗ trợ pháp lý của EU (EULEX) đã bất lực.

Công tố viên đặc biệt Drita Hajdari tiết lộ rằng, trong 20 năm qua chỉ diễn ra khoảng hơn một chục phiên tòa xét xử tội ác chiến tranh ở Kosovo và kết quả là gần như tất cả tội phạm đều được thả.

"Cho đến nay, công tố viên đã nộp hầu hết các bản cáo trạng nhằm truy tố các thành viên Quân đội Giải phóng Kosovo phạm tội ác, song tất cả chúng đều được tha bổng và sống nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật", Balkan Insight tường thuật.

Thậm chí, trong số các cựu thành viên KLA phạm tội ác và đã bị truy tố nhưng được tha bổng, có những tội phạm đã trở thành những chính trị gia nổi tiếng tại Kosovo, như các nghị sĩ Fatmir Limaj và Sami Lushtaku.

Chua chát hơn là sau hai thập kỷ gây tội ác, nhiều cựu thành viên KLA còn được tôn vinh là những "anh hùng lập quốc" của Kosovo. Bởi họ là những lực lượng tiên phong trong việc ủng hộ Kosovo tuyên bố độc lập.

Vì vậy, khi nhiều cựu du kích KLA - nhất là các thành viên người gốc Albania - bị truy tố, thì đã có hàng loạt các cuộc biểu tình của những phần tử cực đoan phản đối và tôn vinh chúng. Trong khí đúng ra những kẻ đó phải bị trừng phạt.

Đây là lý do khiến KLA vô tư phạm tội ác ở cả trong thời chiến lẫn thời hậu chiến. Chính điều này đã khiến cho việc bảo vệ các nhân chứng trở nên cực kỳ khó khăn, vì có nhiều nhân chứng bị mất tích không dấu vết.

Theo Công tố viên Drita Hajdari, để các vụ án về tội ác chiến tranh ở Kosovo được khởi tố và xét xử công bằng và có hiệu quả, sớm mang lại công lý cho các nạn nhân và gia đình của họ, thì cần phải ngăn chặn việc chính trị hoá luật pháp.

Bởi việc "biến tội phạm thành anh hùng" sẽ không bao giờ có thể xảy ra, nếu chính quyền Kosovo không can thiệp vào các tiến trình pháp lý. Và Pristina sẽ không thể làm được điều này nếu không có những sự "chống lưng".

Vì vậy, Công tố viên Hajdari cho rằng, dù Hội đồng Công tố Kosovo có thông qua Chiến lược chống Tội ác Chiến tranh Quốc gia, thì cũng không thể giúp mang lại công lý cho các nạn nhân của KLA. Và rồi thời gian sẽ xoá nhoà đi tất cả.

Sự nhơ nhuốc của Mỹ-phương Tây trong việc tạo tiền lệ pháp Kosovo

Washington và các đồng minh bị cho là tiếp tay và che đậy cho hành động gây tội ác của Quân đội Giải phóng Kosovo trong thời kỳ xảy ra cuộc Chiến tranh Nam Tư và Cơ quan Tình báo Quốc gia Kosovo (K-SHIK) sau này.

Dư luận từng đặt câu hỏi là thế lực nào đứng sau lưng hỗ trợ cho KLA và K-SHIK và các tổ chức "tội phạm" này lấy nguồn kinh phí từ đâu để hoạt động. Bởi tài chính cho hoạt động của nhà nước Kosovo luôn trong tình trạng cạn kiệt.

Và "CIA được nêu đích danh là cơ quan cung cấp, hỗ trợ về mọi mặt cho K-SHIK, từ huấn luyện kỹ thuật tình báo ban đầu cho đến tài trợ kinh phí và trang bị kỹ thuật chuyên nghiệp, vũ khí chiến đấu và chia sẻ thông tin tình báo", theo Global Post.

Mục đích CIA giúp KLA và K-SHIK được nhận diện là nhằm sử dụng các tổ chức tội phạm này để kiểm soát cả vùng Balkan, bằng việc gây tội ác. Do vậy, không ngạc nhiên khi KLA và K-SHIK vô tư gây tội ác trong cả thời chiến lẫn thời hậu chiến.

Tuy nhiên, khi tiến trình truy tố các cựu thành viên KLA diễn ra thì ngoài nguy cơ bị bại lộ, Mỹ-phương Tây còn có thể mất kiểm soát Kosovo. Thực tế đó sẽ khiến cho mức độ tàn phá của "tiền lệ pháp Kosovo" ngày càng khủng khiếp hơn.

Do vậy, Mỹ và các đồng minh được cho là tìm cách ngăn chặn, rồi sau đó sẽ vô hiệu tiến trình pháp lý, tránh đưa các cựu thành viên KLA ra ánh sáng.

Đầu tiên là giải thể ICTY - một định chế pháp lý quốc tế được thành lập để xét xử tội phạm trong chiến tranh Nam Tư, dù nhiều tội phạm - trong đó có các phần tử KLA - chưa được xét xử.

Tiếp theo là kéo dài thời gian lập phiên toà đặc biệt - thay thế cho ICTY - để xét xử các phần tử KLA và các tội phạm khác trong cuộc chiến tranh Nam Tư - mà mục đích là để chứng cứ phai nhạt, nhân chứng già yếu mất trí nhớ hay qua đời.

Cuối cùng là đứng sau ủng hộ chính quyền Pristina tích cực can thiệp vào tiến trình pháp lý, khi Cơ quan hỗ trợ pháp lý của EU bàn giao lại công việc cho cơ quan tư pháp của Kosovo.

Rõ ràng, khi "tội phạm biến thành anh hùng", thì sự nhơ nhuốc của Mỹ-phương Tây trong việc tạo "tiền lệ pháp Kosovo" đã trở thành vết đen không thể gột rửa. Và theo Công tố viên Drita Hajdari thì đó là hành động tội ác ghê tởm nhất.