psychopath captain America
'Murrica!
Luật của kẻ mạnh

Trang Reporter của Nga vừa đăng tải bài bình luận với tiêu đề "Tại sao cả thế giới đồng ý sống theo luật của Mỹ?". Bài viết nêu ra những công cụ giúp Mỹ thực hiện chính sách đối ngoại của mình, đặc biệt là hệ thống luật pháp mang tính áp đặt theo luật của kẻ mạnh mà người Mỹ đang thực hiện.

Theo bài viết, khi nói về các công cụ để Mỹ thúc đẩy "chính sách đế quốc xâm lược", người ta thường hay nhắc tới các thành phần nổi tiếng như sức mạnh quân sự và tài chính nhờ sự thống trị của đồng USD.

Trong khi đó, hệ thống pháp luật của Mỹ lại ít được nhắc đến hơn. Tuy nhiên, đây lại chính là một trong những công cụ mạnh nhất để Mỹ thiết lập và duy trì sự thống trị của mình.

Tờ báo Nga khẳng định, trên thực tế, cả thế giới đang phải sống theo luật của Mỹ, đúng theo nghĩa đen của từ này.

Theo luật của kẻ mạnh, Mỹ tuyên bố luật pháp của nước này mang tính toàn cầu, tức là bắt buộc đối với bất kỳ quốc gia nào. Tất nhiên không phải trong tất cả mọi trường hợp nhưng điều này đúng đối với những lĩnh vực đã được bộ máy tuyên truyền của Mỹ "thần thánh hóa" như: "Tài trợ cho khủng bố", "Rửa tiền có được thông qua phạm tội", "Tham nhũng" và cả "Vi phạm lệnh trừng phạt của Mỹ"...

Đây là một danh sách ấn tượng! Sự "láu cá" của người Mỹ nằm ở chỗ danh sách này có thể bao gồm rất nhiều hành động mà bất kỳ cá nhân hay tổ chức nào cũng có thể có "việc" với nó.

Danh sách này sẽ là ngớ ngẩn nếu người Mỹ không có trong tay những tiền đề để thực thi. Hợp đồng của bạn giao dịch bằng đồng USD thì sớm hay muộn và bằng cách này hay cách khác nó cũng đi qua New York. Như vậy, Chú Sam và cánh tay "công lý" của chú sẽ kiểm soát được hợp đồng này.

Theo tờ báo Nga, ngoài Hiệp hội viễn thông liên ngân hàng và tài chính quốc tế (SWIFT) là công cụ "khét tiếng" của những "luật sư" Mỹ, Washington còn kiểm soát các giao dịch trên thế giới bằng nhiều cách khác, trong đó có thư điện tử Gmail.

Đây cũng là lý do mà Mỹ không muốn "nhường" Trung Quốc vị trí thống trị trên thị trường viễn thông toàn cầu. Vấn đề ở đây không chỉ là tiền bạc. Việc sử dụng kỹ thuật để thu thập thông tin gần như từ mọi nơi trên thế giới giúp người Mỹ có thể gắn chiếc mũi dài quá cỡ của mình vào bất kỳ chỗ nào họ muốn.

Washington đã biến hệ thống pháp lý của riêng mình thành một cơ chế đáng tin cậy để tống tiền và đột kích quốc tế.

Theo các chuyên gia của công ty tư vấn độc lập Fenergo vốn phân tích các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với các "tội lỗi" nêu trên trong một khoảng thời gian, 2/3 trong tổng số tiền phạt 25 tỷ USD mà Mỹ áp đặt là nhằm vào các ngân hàng châu Âu. 15 ngân hàng bị phạt số tiền từ 100 triệu USD trở lên.

Như vậy, các nhà tài chính của Lục địa già hóa ra là "những kẻ rửa tiền" và vi phạm lệnh trừng phạt của Mỹ. Trong khi đó, các ngân hàng Mỹ lại là hình mẫu "trong sạch". Trong các lĩnh vực khác, như chống tham nhũng, tình hình cũng tương tự.

Tước vũ khí nguy hiểm của Mỹ

Bài báo đã dẫn ra một ví dụ trực tiếp liên quan tới tập đoàn viễn thông MTC của Nga. MTC mới đây đã phải đồng ý trả khoản tiền phạt lên tới 850 triệu USD cho Mỹ để dàn xếp vụ kiện với cáo buộc đã hối lộ ở...Uzbekistan. Có vẻ như MTC đã hối lộ để có thể xâm nhập được thị trường địa phương và làm ăn thành công ở Uzbekistan trong suốt 8 năm qua.

Trong số 850 triệu USD nói trên, MTC phải trả 100 triệu USD "tiền phạt" và 750 triệu USD bị "tịch thu". Ngoài ra, doanh nghiệp của Nga còn phải bị "kiểm toán độc lập" trong 3 năm tiếp theo.

Trong khi đó, các tập đoàn của Mỹ lại được đối xử hoàn toàn khác. Ví dụ, tập đoàn General Electric đã tiếp quản công ty Alstom của Pháp trong những điều kiện cực kỳ bất lợi cho chủ sở hữu. Mỹ đã thực hiện "cuộc đột kích" khi mở cuộc điều tra chống tham nhũng nhằm vào Alstom. Công ty Pháp bị cáo buộc đã hối lộ để củng cố vị thế ở thị trường Indonesia.

Một số lãnh đạo của Alstom do "sơ suất" có mặt ở Mỹ đã bị bắt giam còn Alstom thì bị phạt 770 triệu USD. Tất cả đã kết thúc theo cái cách của mafia Mỹ với một lời đề nghị mà người Pháp không thể từ chối. General Eletric ngấu nghiến các đối thủ cạnh tranh...

Tờ báo Nga cho rằng, Mỹ đã sử dụng quá mức "thẩm quyền" kiểm soát trên toàn thế giới và trừng phạt cả những "người có tội" hoàn toàn không liên quan gì tới "công lý". Vụ việc CFO Huawei Mạnh Vãn Châu bị bắt tại Canada theo "lệnh" của Mỹ là một ví dụ.
huawei
Mỹ tìm mọi cách triệt hạ tập đoàn Huawei của Trung Quốc

Cái gì là "vi phạm các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Iran"? Cả thế giới đều nhìn thấy bản chất vụ bắt giữ là âm mưu của người Mỹ bằng mọi giá muốn tiêu diệt đối thủ cạnh tranh nguy hiểm nhất, không để mạng 5G "Trung Quốc" phổ biến trên thế giới.

Đây cũng là cách mà Mỹ "đối xử" với các tập đoàn lớn của "Thiên tử". Một tập đoàn viễn thông khác của Trung Quốc là ZTE cũng bị cáo buộc "vi phạm các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Iran" (khỏi phải mất công nghĩ ra lý do khác), bị phạt nửa tỷ USD và gặp hàng loạt rắc rối khác.

Tờ báo Nga trích dẫn lời thoại của một bộ phim mỉa mai: "Đây không còn là luật pháp nữa mà là một cái chùy!". Mỹ vung cái chùy này lên với bất kỳ lý do nào và vào bất kỳ đối tượng nào mà Mỹ cảm thấy có thể đe dọa tới lợi ích của mình.

Bài viết cho rằng, khi nói về sự đoàn kết quốc tế để chống lại "thế giới đơn cực" và sự "độc tài bỉ ổi" của Mỹ thì không nên chỉ giới hạn ở vấn đề phi đô la hóa nền kinh tế thế giới và ngăn chặn tham vọng quân sự của Mỹ. Lời kêu gọi được đưa ra là: "Đã đến lúc phải tước khỏi tay Mỹ cây chùy vốn được tạo ra bằng hệ thống luật pháp của nước Mỹ".

Bài viết trên được đăng tải trên báo chí Nga ít ngày sau khi Mỹ cùng các đồng minh ngày 15/3 tuyên bố áp đặt các biện pháp trừng phạt mới chống lại Nga liên quan tới vụ đụng độ giữa tàu hải quân Ukraine và Nga ở eo biển Kerch hồi tháng 11 năm ngoái.

Bộ Ngoại giao Nga đánh giá các biện pháp trừng phạt này không mới và cũng không bất ngờ, được đưa ra dựa trên những lý do "bịa đặt" nhằm "gây sức ép" đối với Nga, đồng thời cảnh báo sẽ đáp trả một cách "thiết thực".