maduro
Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro
Trong bối cảnh Mỹ công nhận và ủng hộ toàn diện về chính trị, kinh tế và quân sự cho "tổng thống Venezuela tự xưng" Juan Guaido, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tuyên bố rằng Hoa Kỳ đã sẵn sàng thay đổi thế chế chính trị không chỉ ở Venezuela mà còn cả ở Cuba, Nicaragoa và các nước khác ở Mỹ Latinh. Tuyên bố này của ông Michael Pompeo chứng tỏ Venezuela là tâm điểm cạnh tranh chiến lược của Mỹ với Nga và Trung Quốc ở Tây Bán cầu.

Vị thế địa chính trị của Venezuela, Cuba và Nicaragoa đối với Mỹ, Nga và Trung Quốc

Đối với Mỹ, Venezuela có vị trí chiến lược cực kỳ quan trọng trên tất cả các phương diện chính trị, quân sự và kinh tế. Về chính trị, Mỹ không chấp nhận tư tưởng cách mạng Bolivar, hay là "chủ nghĩa xã hội thế kỷ 21", là một học thuyết chính trị đang được hiện thực hóa ở một số nước Mỹ Latinh, trước hết là ở Venezuela. Phong trào cách mạng Bolivar với tư tưởng cốt lõi là độc lập dân tộc, quyền tự chủ của nhân dân, công bằng xã hội, giáo dục toàn dân, chống tham nhũng, chống chủ nghĩa quân phiệt và liên kết Mỹ Latinh đã từng lật đổ sự thống trị của chế độ thực dân Tây Ban Nha và giành lại độc lập dân tộc cho 6 quốc gia ở Mỹ Latinh là Venezuela, Colombia, Panama, Ecuador, Peru và Bolivia.

Cố Tổng thống Venezuela Hugo Chaves là người đi tiên phong trong việc hiện thực hóa tư tưởng cách mạng Bolivar và cũng là người đã từng tuyên bố "sẵn sàng tiến hành cuộc chiến tranh kéo dài 100 năm" nhằm chống lại sự can thiệp của Mỹ vào các nước Mỹ Latinh, trong đó có Venezuela. Sau khi Hugo Chaves qua đời, người kế tục sự nghiệp của ông là Tổng thống Nicolas Maduro đã bị Mỹ liệt vào mục tiêu hàng đầu cần loại bỏ. Vì thế, kể từ năm 2000 tới nay Washington đã tiến hành nhiều chiến dịch nhằm loại bỏ cựu Tổng thống Venezuela Hugo Chaves và đương kim Tổng thống Nicolas Maduro.

Về kinh tế, Mỹ muốn hoàn toàn kiểm soát nguồn tài nguyên dầu mỏ và khí đốt của Venezuela. Theo số liệu của OPEC công bố năm 2018, trữ lượng dầu mỏ đã được chứng minh của Venezuela vào khoảng 303 tỷ thùng, chiếm gần 25% trữ lượng của tất cả các nước thành viên OPEC, lớn hơn trữ lượng của Arab Saudi (21, 9%), của Iran (12,8%), của Iraq (12,1%), của Kuwait (8,4%). Nếu Venezuela liên minh với Iran thì họ kiểm soát 49% khối lượng dầu mỏ đang khai thác của OPEC. Nếu Mỹ kiểm soát được dầu mỏ và khí đốt của Venezuela và Iran thì họ sẽ kiểm soát 85% thị trường thế giới và sẽ kiểm soát giá dầu thế giới theo ý đồ của Washington.

Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton từng tuyên bố không cần úp mở rằng mục tiêu hướng tới của Mỹ ở Venezuela là giành quyền kiểm soát dầu mỏ của quốc gia này. Theo hướng đó, Quốc hội Mỹ đang cân nhắc để thông qua Đạo luật NOPEC (No Oil Producing and Exporting Cartels Act) nhằm ngăn cản hoạt động của Tổ chức xuất khẩu dầu mỏ OPEC. Theo NOPEC, Mỹ có quyền truy cứu trách nhiệm đối với các thành viên của OPEC về hoạt động thao túng thị trường dầu mỏ tại các tòa án của Hoa Kỳ. Nếu các thành viên OPEC không thực thi các phán quyết của tòa án Mỹ thì sẽ bị Washington cấm vận kinh tế. Ngoài ra, những quốc gia nào tiến hành giao dịch với quốc gia thành viên OPEC đã bị tòa án Mỹ ra lệnh cấm vận thì cũng sẽ bị Mỹ trừng phạt kinh tế và cô lập về chính trị. Nhiều quan chức Mỹ và các nước khác cũng như lãnh đạo các tập đoàn dầu mỏ trên thế giới phản đối Đạo luật NOPEC của Mỹ.

Thí dụ, Tổng Giám đốc điều hành của tập đoàn dầu mỏ của Anh BP (British Petroleum" gọi NOPEC là "một ý tưởng tồi" và là một sự vi phạm thô bạo chủ quyền của các quốc gia. Giám đốc Viện dầu mỏ của Mỹ (The American Petroleum Institute) Mike Sommers đã gửi Quốc hội Mỹ bức thư, trong đó trình bày quan điểm cho rằng NOPEC gây thiệt hại cho người tiêu dùng và có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng chưa thể lường trước được đối với ngành công nghiệp dầu mỏ và khí đốt của Mỹ. Bộ trưởng dầu mỏ của Tiểu vương quốc Arab thống nhất và là cựu chủ tịch OPEC cảnh báo rằng NOPEC sẽ để lại "hậu quả thảm khốc" đối với thị trường dầu mỏ thế giới. Trước hết, NOPEC sẽ tạo ra các tập đoàn dầu mỏ độc quyền của Mỹ sẽ lũng đoạn thị trường năng lượng thế giới như ExxonMobil, Chevron, Amoco, ConocoPhillips và Valero Energy.

Về quân sự, Mỹ không chấp nhận sự hợp tác quân sự giữa Venezuela với Nga. Mỹ đặc biệt lo ngại rằng sau khi họ rút khỏi Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung INF, Nga sẽ bố trí những loại tên lửa này trên lãnh thổ Venezuela để đáp trả quyết định của Mỹ biên châu Âu thành căn cứ tên lửa khổng lồ sát biên giới Nga.

Đối với Trung Quốc, hiện tại Trung Quốc là chủ nợ lớn nhất của Venezuela. Theo Trung tâm nghiên cứu đối thoại Liên Mỹ, trong những năm 2007-2016, các ngân hàng nhà nước Trung Quốc đã dành cho Venezuela 17 khoản vay với tổng giá trị lên tới 62,2 tỷ USD, nhiều hơn bất kỳ quốc gia Mỹ Latinh nào khác. Theo dữ liệu của Viện doanh nghiệp Mỹ, trong những năm 2005-2015, các công ty Trung Quốc đã đầu tư 19,15 tỷ USD vào các dự án tại Venezuela. Từ tháng 9.2018, Tổng thống Nicolas Maduro tuyên bố Venezuela có ý định tăng nguồn cung cấp dầu cho Trung Quốc lên mức 1 triệu thùng/ngày, nghĩa là sẽ tăng gấp 3 lượng dầu xuất khẩu sang Trung Quốc.

Hai bên đã ký tới 28 thỏa thuận hợp tác, hầu hết liên quan đến chế biến dầu thô, kỹ thuật năng lượng và khai khoáng. Trung Quốc đã đầu từ hàng chục tỷ USD vào các lĩnh vực tài chính, khai khoáng, công nghiệp, nông nghiệp và hạ tầng cơ sở. Trong cuộc gặp với Tổng thống Nicolas Maduro trong tháng 9.2018, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khẳng định, phát triển quan hệ với Venezuela là quyết định chiến lược đối với Trung Quốc, theo đó hai bên sẽ tăng cường tin tưởng lẫn nhau và thúc đẩy hợp tác vì lợi ích chung. Nếu Venezuela rơi vào tay Mỹ, Trung Quốc không chỉ thiệt hại rất lớn về kinh tế mà còn chịu tác động bất ổn về chính trị.

Đối với Nga, Matxcơva không chỉ đầu tư vào ngành khai thác dầu của Venezuela mà còn là nhà cung cấp vũ khí cho nước này với tác hợp đồng trị giá 12 tỷ USD. Hiện tại, Venezuela là quốc gia nhập khẩu vũ khí của Nga lớn nhất ở Mỹ Latinh. Phía Mỹ lo ngại, với sự hợp tác này với Venezuela, Nga sẽ phát huy ảnh hưởng trên thị trường dầu mỏ của Mỹ. Về quân sự, Nga đang nghiên cứu khả năng sử dụng căn cớ quân sự trên đảo La Orchila của Venezuela trên cơ sở thỏa thuận giữa Tổng thống Nga V.Putin và Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro trong khuôn khổ hợp tác quân sự và chiến lược giữa hai nước.

Ngày 6.12.2018, Bộ trưởng quốc phòng Nga Sergei Shoigu từng cho biết Nga đang nghiên cứu khả năng sử dụng các hải cảng và sân bay của Venezuela để bảo dưỡng kỹ thuật và tiếp nhiên liệu. Đây có thể là biện pháp đáp trả sự tăng cường hiện diện quân sự của Mỹ và NATO tại những quốc gia Đông Âu đã từng là các nước xã hội chủ nghĩa sát biên giới Nga. Năm 2013, máy bay ném bom chiến lược của Nga TU-160 đã từng hạ cánh xuống Venezuela trong khuôn khổ các cuộc tập trận chung.

Cuba có vị thế địa chính trị rất quan trọng trong chiến lược địa chính trị của Mỹ, Nga và Trung Quốc. Đối với Mỹ, từ thế kỷ 20, Mỹ theo đuổi tham vọng giành quyền kiểm soát Cuba để từ đó giành quyền kiểm soát toàn bộ vùng biển Caribe ở bờ tây Hoa Kỳ. Ngoài ra, trong thời kỳ Chiến Tranh Lạnh, Cuba đã từng là nơi bố trí căn cứ quân sự của Liên Xô trong cuộc cạnh tranh địa chính trị với Mỹ. Hiện nay, tuy Nga đã rút khỏi căn cứ quân sự ở Cuba nhưng vẫn là đối tác chiến lược quan trọng của Matxcơva. Năm 2018, nhận lời mời của Tổng thống Nga V.Putin, Chủ tịch Hội đồng nhà nước và Hội đồng Bộ trưởng Cuba Miguel Diaz Canel có chuyến thăm chính thức tới Nga. Trong chuyến thăm này, hai bên dành cho nhau những ngôn từ đẹp đẽ nhất như "đối tác chiến lược", "đồng minh", "tình hữu nghị", "mối quan hệ trước sau như một không phụ thuộc vào hoàn cảnh"...

Trong bối cảnh tình hình thế giới ngày càng phức tạp, các quốc gia vì lợi ích trước mắt của mình mà sẵn sàng bỏ qua lợi ích của đối tác, không ngần ngại thực hiện các hành động đơn phương, Nga và Cuba đã chia sẻ quan điểm chung về nhiều vấn đề khu vực và toàn cầu. Hai nước khẳng định cam kết tuân thủ các quy tắc của luật pháp quốc tế được ghi rõ trong Hiến chương của Liên Hợp Quốc và Tuyên bố năm 1970 về mối quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa các quốc gia trên thế giới; nhất trí bảo vệ lợi ích chung liên quan đến việc xây dựng một mô hình trật tự thế giới bình đẳng hơn và dân chủ hơn, mang lại cơ hội phát triển bền vững cho tất cả các quốc gia.

Các nhà lãnh đạo Nga và Cuba lên án việc sử dụng các biện pháp đơn phương nhằm thay đổi các chính phủ hợp pháp, trong đó có cấm vận kinh tế hoặc gây bất ổn tình hình nội bộ. Hai bên tái khẳng định tính cần thiết của việc giải quyết các tranh chấp giữa các quốc gia bằng các biện pháp chính trị và ngoại giao, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực. Tổng thống Nga V.Putin khẳng định tình đoàn kết không thay đổi của nhân dân Nga với nhân dân Cuba trong cuộc đấu tranh đòi chấm dứt việc Mỹ phong tỏa kinh tế Cuba trong suốt 60 năm qua. Về phần mình, Chủ tịch Hội đồng nhà nước và Hội đồng Bộ trưởng Cuba Miguel Diaz Canel lên án các biện pháp trừng phạt sai trái của Mỹ và một số thành viên NATO nhằm vào Nga.

Đối với Trung Quốc, Cuba cũng có ý nghĩa rất quan trọng trong chiến lược phát huy ảnh hưởng ở Tây Bán Cầu, đặc biệt là trong điều kiện Bắc Kinh đang thực hiện sáng kiến "Vành đai và Con đường". Trong năm 2018, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình chào đón chuyến thăm tới Bắc Kinh lần đầu tiên của Chủ tịch Hội đồng nhà nước và Hội đồng Bộ trưởng Cuba Miguel Diaz Canel. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khẳng định, Trung Quốc và Cuba là "những người bạn tốt", "những người anh em tốt", cùng nhau trải qua nhiều trở ngại, thử thách về thời gian trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động. Trung Quốc hoan nghênh Cuba tham gia xây dựng Sáng kiến "Vành đai - Con đường".

Nicaragua từng là nơi Mỹ dự định xây dựng một kênh đào do Washington kiểm soát. Gần 400 năm trước, giới chức Mỹ và Nicaragua đã nghiên cứu khả năng xây dựng kênh đào xuyên đại dương đi qua lãnh thổ Nicaragua. Cuối cùng, Mỹ quyết định xây Kênh đào Panama và nơi đây vươn lên trở thành kênh đào chủ lực và hấp dẫn nhất trong khu vực. Hiện nay, khi Trung Quốc đang thực hiện Sáng kiến "Vành đai - Con đường" để phát huy ảnh hưởng trên khắp thế giới, kênh đào Nicaragoa trở thành tâm điểm cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc ở Tây Bán cầu.

Nga, Trung Quốc, Cuba và Venezuela đều ủng hộ dự án xây dựng kênh đào Nicaragua có chiều dài 278 km, được coi là một đối trọng với kênh đào Panama do Mỹ kiểm soát. Với độ sâu 28m và độ rộng gấp đôi so với kênh đào Panama, kênh đào Nicaragoa cho phép các tàu trọng tải lớn nhất thế giới đi qua. Điều này rất quan trọng đối với Trung Quốc và Nga vì tàu ngầm của họ có thể từ Thái Bình Dương đi qua kênh đào Nicaragoa để tới Đại Tây Dương. Như vậy, Nicaragoa đóng vai trò then chốt trong Sáng kiến "Vành đai - Con đường" của Trung Quốc ở Mỹ Latinh.

Sự can thiệp của Mỹ ở Venezuela

Venezuela được coi là khâu then chốt trong chiến lược của Mỹ nhằm thay đổi chế độ chính trị của Cuba và Nicaragoa. Núp dưới chiêu bài "chống lại chế độ độc tài" và "bảo vệ nhân quyền và quyền tự do dân chủ" ở Venezuela, Mỹ đã tổ chức nhiều chiến dịch kế tiếp nhau dưới danh nghĩa "phát triển dân chủ" ở quốc gia này để lật đổ chính thể do Tổng thống Hugo Chaves trước đây và Tổng thống Nicolas Maduro hiện nay lãnh đạo mà nguyên nhân sâu xa không chỉ là tư tưởng cách mạng Bolivar trái ngược với "các giá trị Mỹ" mà còn là cản trở lớn nhất đối với tham vọng của Washington giành quyền kiểm soát tài nguyên dầu mỏ lớn hàng đầu thế giới của Venezuela và thiết lập trật tự thế giới do Mỹ kiểm soát ở Mỹ Latinh.

Từ năm 2000 đến năm 2012, mọi tính toán của Mỹ nhằm lật đổ Tổng thống Venezuela Hugo Chaves bằng con đường "cách mạng nhung" không mang lại kết quả và Mỹ ráo riết chuẩn vị thực hiện "kịch bản Libya" để loại bỏ ông Hugo Chavez, tương tự kịch bản loại bỏ nhà lãnh đạo Libya Muammar Gaddafi. Trước tinh thần cảnh giác cao của Venezuela, kịch bản này đã thất bại.

Năm 2013, vừa đúng 5 tháng sau khi tái đắc cử tổng thống trong cuộc bầu cử tháng 10.2012, Tổng thống Hugo Chaves đã qua đời sau một thời gian lâm bệnh nặng. Trong bối cảnh đó, Mỹ đã chuẩn bị kịch bản "cách mạng nhung" với toan tính đưa thủ lĩnh của các lực lượng đối lập giành thắng lợi trong cuộc bầu cử tổng thống mới. Các lực lượng đối lập ở Venezuela đã phối hợp với các thế lực phản động từ bên ngoài ráo riết tiến hành cuộc "cách mạng nhung" như đã từng diễn ra ở Grudia (2003), Ucraina (2004), Libya (2011) và Syria (từ năm 2011), không để cho Phó Tổng thống Nicolas Maduro lên cầm quyền ở Venezuela. Bất chấp chiến dịch tuyên truyền và chống phá này, ông Nicolas Maduro vẫn đắc cử tổng thống trong cuộc bầu cử ngày 16.04.2013.

Không cam chịu thất bại trong những nỗ lực nhằm lật đổ Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro, năm 2015, Mỹ lại tiến hành chiến dịch mang tên Jericho được soạn thảo theo chỉ thị của Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Ricardo Zunnigi-một chuyên gia tình báo khoác áo ngoại giao đã từng thực hiện chủ trương của Cục tình báo trung ương Mỹ (CIA) tổ chức cuộc các bạo loạn chính trị năm 1963 và 1972 để ủng hộ tướng Lopez Arellano-một nhân vật thân Mỹ lên cầm quyền ở Honduras. Ricardo Zunnigi đã từng là Chỉ huy trưởng Phân ban của CIA ở La Habana, thủ đô của Cuba, trong những năm 2009-2011, với nhiệm vụ tuyển mộ điệp viên và cung cấp tài chính cho họ để xây dựng lực lượng đối lập nhằm chống lại Chủ tịch Cuba Fidel Castro.

Tuy được Mỹ và đồng minh chuẩn bị rất công phu, nhưng chiến dịch Jericho đã không thể qua được tinh thần cảnh giác cao độ của các chuyên gia an ninh Venezuela bởi đây không phải là lần đầu tiên họ phải đối mặt với những âm mưu tương tự. Lần theo dấu vết của những kẻ bị tình nghi, Tổng cục An ninh Venezuela đã sớm phát hiện ra chiến dịch Jericho và tiến hành theo dõi, giám sát tất cả những ai từng tham gia âm mưu giết hại Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro. Đêm ngày 11, rạng sáng ngày 12.2.2015, tất cả những thành viên chủ chốt thực hiện chiến dịch này và một điệp viên của Cục tình báo Israel Mossad đã bị bắt giữ, còn hệ thống phòng không của Venezuela đã nhận được lệnh báo động cao. Ngày 12.2.2015, đúng vào ngày chiến dịch Jericho lẽ ra phải mở màn, tất cả những kẻ tham gia đảo chính đều bị bắt giữ. Chiến dịch Jericho bị phá sản.

Hiện nay, Tổng thống Mỹ Donald Trump quyết định can thiệp trực tiếp vào Venezuela. Nhận được sự ủng hộ của Mỹ, ngày 24.1.2019 Juan Guaido lãnh đạo đối lập và là Chủ tịch Quốc hội Venezuela, tự xưng là "tổng thống lâm thời của Venezuela". Ngay lập tức, Tổng thống Mỹ Donald Trump ra tuyên bố công nhận Juan Guaido là "tổng thống hợp pháp của Venezuela" và coi Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro vừa tuyên thệ nhậm chức là "bất hợp pháp". Ông Donald Trump còn cho biết không loại trừ khả năng Mỹ sẽ can thiệp quân sự vào Venezuela để bảo vệ "tổng thống lâm thời của Venezuela".

Cần lưu ý, quyết định của Juan Guaido tự xưng tổng thống lâm thời Venezuela là vi hiến. Trong Hiến pháp Venezuela có một điều khoản mà Juan Guaido có thể dựa vào đó để tự tuyên bố là tổng thống lâm thời. Đó là Điều 233 quy định tổng thống đương nhiệm không thể thực hiện được chức trách được giao trong các trường hợp: qua đời; nghỉ hưu; bị Tòa án tối cao tước bỏ quyền lực; trạng thái sức khỏe và tâm lý được Hội đồng Y học Quốc gia xác nhận là không thể tiếp tục nắm giữ quyền lực; tổng thống đương nhiệm từ chức và được Quốc hội công nhận. Căn cứ vào tình tình thực tế ở Venezuela vào thời điểm này, Juan Guaido chỉ có thể dựa vào điều khoản "tổng thống đương nhiệm từ chức" để tự tuyên bố tổng thống lâm thời.

Do đó, để hợp pháp hóa tuyên bố tự xưng tổng thống lâm thời của Juan Guaido, báo chí Mỹ và phương Tây tung tin "do bị người dân phản đối, Nicolas Maduro bỏ chạy sang Nga trên một chuyến bay đặc biệt". Tình huống này được dàn dựng theo kịch bản đảo chính ở Ukraine trong năm 2014, trong đó Mỹ và các nước phương Tây cũng tung tin "tổng thống Ukraine Yanukovich bỏ chạy sang Nga". Rõ ràng, Juan Guaido là hiện thân của một cuộc đảo chính do Mỹ và đống minh của họ dàn dựng, hoàn toàn đi ngược lại Hiến pháp Venezuela. Trước khi Juan Guaido đi tới quyết định bất ngờ đó, ông đã có cuộc điện đàm với Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence và nhận được cam kết ủng hộ từ Washington. Cũng theo The Wall Street Journal, thay đổi chế độ cầm quyền của Venezuela, Triều Tiên và Iran là những ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại của Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Quyết định hành động của Tổng thống Donald Trump ở Venezuela chỉ là sự tiếp nối chuỗi dài các hành động can thiệp của Washington vào chính trị nội bộ của quốc gia này. Tiếp theo quyết định của Tổng thống Mỹ Donald Trump, nhiều nước là đồng minh và đối tác của Mỹ như Argentina, Brazil, Costa Rica, Ecuador, Guatemala, Chile, Colombia, Paraguay, Tây Ban Nha, Pháp, Anh, Đức, Thụy Điển, Phần Lan, Hà Lan, Áo, Bồ Đào Nha và Đan Mạch công nhận ông Juan Guaido là "tổng thống hợp pháp duy nhất của Venezuela".

Trong khi đó, nhiều nước như Nga, Trung Quốc, Iran, Thổ Nhĩ Kỳ, Cuba, Bolivia... chỉ công nhận ông Nicolas Maduro là tổng thống hợp hiến duy nhất của Venezuela. Và người phát ngôn của Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres khẳng định Liên Hợp Quốc công nhận tính chính danh của Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro và coi đây là nguyên thủ duy nhất của quốc gia này. Tình hình này đẩy cuộc cạnh tranh địa chính trị ở Venezuela giữa một bên là Mỹ với bên kia là Trung Quốc và Nga leo thang lên đỉnh cao mới và có nhiều nét tương đồng với sự cạnh tranh giữa Mỹ và Nga ở Ukraine và Syria.

Đáp trả tuyên bố của chính quyền Mỹ thừa nhận tổng thống lâm thời tự xưng Juan Guaido, Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro tuyên bố cắt đứt quan hệ ngoại giao với Mỹ. Bộ trưởng Bộ quốc phòng Venezuela Vladimir Padrino tuyên bố:"Các binh sĩ quốc gia không chấp nhận một tổng thống tự xưng bị áp đặt bởi những lợi ích mơ hồ. Các lực lượng vũ trang Venezuela sẽ bảo vệ hiến pháp và chủ quyền quốc gia".

Ngày 29.1.2019, Tòa án tối cao Venezuela ra lệnh cấm Juan Guaido rời khỏi đất nước hoặc chuyển tài sản ra nước ngoài, đồng thời đóng băng các tài khoản ngân hàng của ông ta. Tòa án tối cao Venezuela còn mở cuộc điều tra về tội phạm của Juan Guaido trong các vụ bạo loạn ngày 22.1.2019. Động thái này được đưa ra sau khi Washington tuyên bố trao quyền kiểm soát tài sản của Venezuela tại Mỹ cho Juan Guaido với lý do "vì lợi ích của người dân Venezuela".

Bộ Ngoại giao Mỹ thông báo Washington đã cấp phép cho "chính quyền lâm thời" của thủ lĩnh đối lập Venezuela Juan Guaido kiểm soát một số tài sản nhất định của Venezuela mà Cục dự trữ liên bang Mỹ nắm giữ hoặc các ngân hàng được Mỹ bảo hiểm. Giấy phép sẽ áp dụng đối với một số tài sản nằm trong các tài khoản thuộc về Chính phủ Venezuela hay Ngân hàng trung ương nước này. Còn Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton cho biết Washington sẵn sàng can thiệp quân sự vào Venezuela. Quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Patrick Shanahan cũng cho biết không loại trừ khả năng Washington sẽ đưa quân đến Colombia hoặc một nơi khác trong khu vực trước tình hình bất ổn hiện nay ở Venezuela. Trước đó, Mỹ đã triển khai 5.000 quân ở Colombia - quốc gia láng giềng của Venezuela.

Để gia tăng sự ủng hộ trực tiếp cho "tổng thống tự xưng" Juan Guaido, Mỹ ráo riết xúc tiến sự can thiệp vào Venezuela núp dưới khẩu hiệu "can thiệp nhân đạo" theo học thuyết "trách nhiệm bảo vệ". Theo kịch bản này, Mỹ núp dưới chiêu bài "chuyển hàng viện trợ nhân đạo cho người dân Venezuela" để đưa lực lượng và vũ khí vào quốc gia này nhằm mục đích gây ra cuộc nội chiến. Từ đó, tổng thống lâm thời Juan Guaido sẽ kêu gọi Mỹ can thiệp quân sự trực tiếp nhằm tiêu diệt Tổng thống Nicolas Maduro, theo kịch bản Libya hoặc Syria. Tuy nhiên, trước tinh thần cảnh giác của chính phủ Venezuela, có được sự ủng hộ của Nga, Trung Quốc, Cuba và một số nước khác, chiến dịch "can thiệp nhân đạo" này bước đầu đã bị phá sản.

Sau khi chiến dịch "can thiệp nhân đạo" thất bại, Mỹ chuyển sang thực kiện "Kịch bản B", theo đó Washington Mỹ chuyển sang thực hiện chiến dịch điên cuồng phá hoại tiềm lực kinh tế nhằm gây bất ổn chính trị ở Venezuela. Hành động đầu tiên là Mỹ sử dụng các hacker tấn công phá hoại hệ thống điều khiển điện của Venezuela, gây tình trạng mất điện trên khắp cả nước. Ngay lập tức, "tổng thống tự xưng" cáo buộc chính phủ của Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro "không có khả năng quản lý đất nước và cần phải được loại bỏ". Dự báo, sắp tới đây Mỹ sẽ sử dụng các lực lượng đối lập tiến hành nhiều hoạt động phá hoại kinh tế khác. Chính phủ của Tổng thống Nicolas Maduro và Cuba ra tuyên bố cáo buộc Mỹ đang tiến hành các hoạt động khủng bố ở Venezuela.

Chủ tịch Tập Cận Bình tuyên bố với Tổng thống Nicolas Maduro rằng Trung Quốc sẵn sàng giúp đỡ Venezuela khắc phục hậu quả và khôi phục lại hoạt động bình thường của hệ thống điện của quốc gia này sau vụ bị các hacker Mỹ tấn công. Tổng thống Nga Putin quyết định viện trợ khẩn cấp lương thực và thực phẩm thiết yếu và sẵn sàng giúp khôi phục lại toàn bộ hệ thống cung cấp năng lượng cho Venezuela.

Nhận định về khả năng Mỹ can thiệp quân sự vào Venezuela, tương tự như ở Syria, giới phân tích quân sự cho rằng nếu Washington liều lĩnh thực hiện kịch bản này thì Hoa Kỳ sẽ gặp phải "một Việt Nam thứ hai ở Mỹ Latinh". Vì thế, Tổng thống Mỹ Donald Trump không thể mạo hiểm đưa sự nghiệp chính trị của mình vào đánh cược ở Venezuela. Do đó, có nhiều khả năng, Mỹ sẽ sử dụng các lực lượng đồng minh của họ ở Mỹ Latinh để thực hiện cuộc chiến tranh ủy nhiệm ở Venezuela. Ngay cả theo kịch bản này, Mỹ cũng đứng trước khả năng thất bại.