NATO meeting in Chicago
NATO thừa nhận sự thật

Các bộ trưởng quốc phòng NATO đã lên kế hoạch gặp nhau tại Brussels trong một vài ngày tới để thảo luận về chiến dịch can thiệp quân sự của Nga tại Syria, trong bối cảnh Moscow tăng cường chiến dịch này.

Phiên họp này được kỳ vọng sẽ tạo ra nbước đột phá mới trong kế hoạch quân sự của NATO và Mỹ tại quốc gia Trung Đông này sau một loạt những bất đồng quan điểm trước đó.

Thực tế, từ khi Nga đẩy mạnh không kích nhằm vào lực lượng nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, vai trò và ảnh hưởng của Mỹ tại quốc gia Trung Đông này đã bị giảm sút đáng kể. Chính quyền tổng thống Obama dường như đang cố gắng tìm một lối thoát cho mình sau những sa lầy quân sự và chỉ trích của phe đối lập trong nước.

Trong một cuộc họp báo ngày 2/10, Tổng thống Mỹ Barack Obama thừa nhận rằng chương trình của Mỹ đã không đạt hiệu quả như dự tính vì những khó khăn trong việc tìm kiếm các đồng minh tại Syria sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ chống IS thay vì chống chế độ cầm quyền của Tổng thống Assad.

Trong khi đó, trả lời Nhật báo Phố Wall, các quan chức chính quyền, cả đương nhiệm và đã nghỉ hưu, cũng như các quan chức Lầu Năm Góc cũng thừa nhận rằng họ đã đánh giá không đúng về tình hình tại Syria.

Tổng thống Mỹ Barack Obama cũng để ngỏ khả năng làm việc với Tổng thống Nga Vladimir Putin về vấn đề Syria và làm thế nào để thoát khỏi cuộc chiến, nhưng với một điều kiện bắt buộc Tổng thống Syria Bashar al- Assad phải từ bỏ quyền lực.

Thủ tướng Đức Angela Merkel khi nói về vấn đề Syria cũng thẳng thắn: "Đây là một vấn đề đặc biệt tại Syria hiện nay. Và sẽ chỉ có hợp tác với Nga mới có thể giải quyết được vấn đề này". Tuyên bố của bà Merkel đưa ra chỉ ít ngày sau khi Nga tiến hành các cuộc không kích tại Syria nhằm tiêu diệt phiến quân IS.

Đồng quan điểm với thủ tướng Đức, trong một bài phát biểu trước Nghị viện châu Âu hôm 8/10, Tổng thống Pháp Hollande đã kêu gọi các nước cùng góp sức và phối hợp với cả Nga, Iran nhằm tìm ra một giải pháp chính trị cho tình hình khủng hoảng ở Syria.

"Những gì diễn ra ở Syria gây quan ngại vô cùng lớn cho châu Âu và nó sẽ ảnh hưởng tới sự cân bằng của toàn bộ khu vực. Nếu chúng ta để cho xung đột tôn giáo giữa người Shiite và Sunni tồi tệ hơn, nó chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến châu Âu. Đây sẽ là một cuộc chiến diễn ra ở toàn khu vực Trung Đông và buộc châu Âu phải hành động", ông Hollande cho biết.

Mới đây, trước thềm hội nghị các bộ trưởng quốc phòng NATO, Tổng thư ký Tổ NATO Jens Stoltenberg cũng phải thừa nhận: "Liên quân do Mỹ dẫn đầu cần phải đối mặt với các cuộc khủng hoảng và tình trạng mất an ninh trong bối cảnh Nga tăng cường hoạt động không kích tại Syria".

Với việc NATO và các nước thành viên ngày càng thất thế trong cuộc chiến chống IS, truyền thông phương Tây đồn đoán rằng, tại phiên họp các bộ trưởng quốc phòng NATO sắp tới diễn ra tại Brussels, nhiều ý kiến sẽ đồng tình với phương án đàm phán hợp tác với Nga trong việc giải quyết vấn đề nội chiến tại Syria đang ngày càng phức tạp hiện nay.

Điều này không hẳn là không có cơ sở bởi lẽ trong khi NATO và Mỹ bế tắc và sa lầy trong các kế hoạch quân sự nhằm vào phiến quân IS thì các cuộc không kích của chính quyền tổng thống Putin đã khiến cho đội quân đối lập hoảng loạn phải nhanh chóng tìm chỗ trú ẩn, thậm chí bỏ chạy khỏi Syria sang các nước châu Âu.

Hãng tin địa phương "Sana" của Syria hôm 6/10 đưa tin, hơn 1.000 tên khủng bố đã hạ vũ khí và đầu hàng chính quyền trong những ngày gần đây tại tỉnh Deraa, miền Nam Syria.

Trong khi đó hôm 5/10 vừa qua, hãng tin Ria Novosti dẫn một nguồn tin quân sự cho biết hơn 3.000 chiến binh IS, Al-Nusra Dzhebhat, và Jaish al-Yarmuk đã chạy từ Syria sang Jordan do lo ngại các chiến dịch tấn công của quân đội Tổng thống Bashar al-Assad và các cuộc không kích của Nga.

Cân nhắc hợp tác, đàm phán với Nga trong cuộc chiến chống IS sẽ là một lựa chọn khôn ngoan của Mỹ và NATO vào thời điểm này.

Nỗ lực của NATO để hiểu Nga

Trong một diễn biến khác, NATO và Mỹ cũng có những động thái tích cực trong việc giải quyết các vấn đề tranh chấp và khủng hoảng tại khu vực Địa Trung Hải với Nga cũng như các nước.

Ngày 7/10, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter cho biết, NATO có kế hoạch thành lập một lực lượng máy bay trinh sát không người lái (UAV) mới tại Căn cứ không quân Sigonella ở Italia vào năm 2016 để giám sát khu vực sườn phía nam đầy hỗn loạn của liên minh này.

Phát biểu trong một cuộc họp báo chung với người đồng cấp Italia Roberta Pinotti tại Rome, ông Carter nói rằng: "Vào mùa hè tới, hệ thống Giám sát mặt đất liên minh của NATO sẽ được triển khai tại Căn cứ không quân Sigonella".

Theo tạp chí Defence News, hệ thống Giám sát mặt đất liên minh (AGS) này bao gồm 5 chiếc UAV Global Hawk và các trạm căn cứ chỉ huy và kiểm soát. NATO sẽ thay mặt 28 quốc gia đồng minh vận hành và duy trì hệ thống này.

Khu vực Địa Trung Hải nằm ở phía nam các quốc gia thành viên NATO đang ngày càng trở nên bất ổn bởi các cuộc nội chiến ở Libya và Syria, mối đe dọa ngày càng tăng của lực lượng Nhà nước Hồi giáo tự xưng và các lực lượng Hồi giáo khác cũng như một cuộc khủng hoảng di cư chưa từng có đang diễn ra.

Hệ thống máy bay trinh sát không người lái mới này "sẽ cung cấp cho NATO các phương tiện tình báo, giám sát và trinh sát biến hóa, sẽ có lợi cho tất cả các đồng minh, bao gồm cả những quốc gia ở sườn phía nam này", ông Carter tuyên bố.

Trước đó, nhằm đối phó với cuộc khủng hoảng Syria, NATO đã huy động lập lực lượng phản ứng nhanh 13.000 quân sẵn sàng được triển khai tới bất cứ điểm nóng nào trên thế giới trong vòng 3-7 ngày.

New York Times ngày 8/10 dẫn lời giới chức phương Tây cho biết, chiến dịch can thiệp quân sự của Nga vào Syria là kết quả lên kế hoạch của 4 đồng minh gồm Nga, Iran, Syria và lực lượng Hezbollah ở Lebanon trong ít nhất 4-6 tháng qua.

Chiến dịch đã làm hồi sinh các lực lượng chính phủ Syria. Các đợt tấn công trên bộ ngày 7/10 lần đầu tiên đánh dấu quân đội Syria chuyển từ thế phòng thủ sang tấn công.