Maduro
Liên minh tự nhiên của nước Nga

Ngày 19/3, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov và người đồng cấp Iran Mohammad Javad Zarif đã có cuộc điện đàm thảo luận về nhiều vấn đề của hai quốc gia. Trong đó có những thông điệp liên quan đến Venezuela.

Trong thông cáo báo chí gửi đi sau đó, Bộ Ngoại giao Nga cho biết hai bên đã thảo luận rất nhiều về tình hình của Venezuela hiện nay và khẳng định cả hai cùng nỗ lực đảm bảo hòa bình trong nước của Venezuela.

Đồng thời, Nga và Iran sẽ cung cấp các giải pháp khả thi và sớm nhất cho những vấn đề khủng hoảng tài chính của quốc gia này. Yếu tố hỗ trợ nhân đạo và viện trợ nhu yếu phẩm cũng được hai bên nhắc đến.

Hai Ngoại trưởng đã khẳng định chính quyền Moscow và Tehran có lợi ích ở Venezuela và họ sẽ hậu thuẫn chính phủ của Tổng thống Nicolas Maduro vượt qua được giai đoạn đặc biệt khó khăn này.

Như vậy, Nga đã tập hợp được dưới sự ảnh hưởng của mình một liên minh đông đảo các quốc gia ủng hộ Tổng thống Maduro. Có thể kể đến trong đó là Thổ Nhĩ Kỳ, Trung Quốc, Iran,... và có thể cả Ấn Độ. Các quốc gia trong liên minh bảo vệ Maduro này đều có tiềm lực kinh tế và tiềm ẩn mâu thuẫn với Washington.

Vì sao Nga có liên minh?

Những quốc gia giàu có này vì sao kề vai sát cánh với Nga trong công cuộc bảo vệ sự tồn tại của Tổng thống Maduro? Trước hết, tất cả các nước này đều có lợi ích gắn bó chặt chẽ với Venezuela.

Thổ Nhĩ Kỳ dù không nằm trong Top 10 đối tác thương mại trọng điểm với Venezuela, tuy nhiên, họ đang phối hợp rất tốt với Caracas về vấn đề tài nguyên vàng. Ankara nổi lên là quốc gia tiêu thụ nhiều vàng nhất của Caracas.

Ngoài ra, Thổ Nhĩ Kỳ còn giúp Venezuela vận chuyển quặng vàng ra khỏi quốc gia này về tinh chế tại lãnh thổ của mình. Đã có khoảng 10 tỷ USD vàng được Thổ Nhĩ Kỳ thu mua của Venezuela trong nửa cuối năm 2018. Cần nhớ rằng, giống như Nga và Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ đang giảm tích trữ USD và lựa chọn vàng như một kênh trú ẩn an toàn.

Với trường hợp của Trung Quốc, họ vừa là đối tác lớn của Venezuela về dầu thô, vừa là chủ nợ của quốc gia này. Bắc Kinh năm 2018 hỗ trợ Caracas một khoản đầu tư khoảng 3 tỷ USD để phát triển các dự án lọc dầu, chế biến nhiên liệu ngay tại quốc gia Mỹ Latinh này.

Ngoài ra, Trung Quốc cho chính quyền Venezuela vay số tiền tương đối lớn với những báo cáo không rõ ràng, ước tính lên tới hàng tỷ USD. Đổi lại, Bắc Kinh được trả các khoản lãi và gốc bằng dầu mỏ.

Việc ổn định chính trị tại Venezuela đảm bảo sự an toàn cho các khoản đầu tư của Trung Quốc. Đó là lý do vì sao Bắc Kinh không ngại bày tỏ quan điểm ủng hộ Tổng thống Maduro. Đặc biệt trong bối cảnh Bắc Kinh và Washington đang có nhiều mâu thuẫn liên quan đến cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế.

Ấn Độ đang là quốc gia nhập dầu của Venezuela nhiều thứ hai. Họ đã nói thẳng quan điểm không chịu sự tác động từ Mỹ hay bất kỳ bên nào để thay đổi những hợp tác mang lại lợi ích lớn cho quốc gia của họ.

Còn với Iran, có một quy ước bất thành văn: kẻ thù của Mỹ là đồng minh của Iran. Điều này đã đúng với toàn Trung Đông, và bây giờ là với trường hợp của Venezuela. Ngoài ra, Iran là một trong những nhà cung cấp năng lượng chính cho Venezuela thời điểm hiện tại (xếp sau Nga).

Tất cả các quốc gia này đều có lợi ích với Caracas, đó là lý do vì sao họ dễ đứng chung một hàng ngũ và bảo vệ chính quyền của ông Maduro đến cùng.

Còn phía bên kia chiến tuyến, dù Cố vấn Nhà Trắng John Bolton đã khẳng định Mỹ sẽ xây dựng liên minh hùng mạnh nhất để lật đổ ông Maduro, nhưng thực tế, họ chưa có bất kỳ một đồng minh thực sự nào kề vai sát cánh trong trường hợp này.

Lý do rất đơn giản, Mỹ làm chính biến Venezuela để tìm cách kiểm soát quốc gia có trữ lượng dầu mỏ lớn nhất thế giới này. Nhưng họ không nhận thấy rằng các đồng minh phương Tây của họ gần như không giao dịch với Caracas. Tương tự như vấn đề với liên minh của Nga, khi các đồng minh của Mỹ không nhìn thấy lợi ích, họ sẽ không tham gia vào cuộc cờ này.