netanyahu trump
© Reuters / Leah Millis
Bất chấp lẽ phải

Trao cho người khác cái mà thực chất họ đang nắm giữ là chiến thuật vốn được người Trung Quốc, trong đó có Tào Tháo, sử dụng cách đây hàng nghìn năm. Mục đích của hành động này là nhằm gây chia rẽ, thù oán và chiến tranh giữa các đối thủ, qua đó mượn tay kẻ khác tiêu diệt những kình địch của mình.

Ngày 25/3, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký tuyên bố xác nhận Cao nguyên Golan thuộc chủ quyền của Israel, một quyết định đảo ngược chính sách đã tồn tại hơn nửa thế kỷ của Mỹ tại Trung Đông.

Bước đi mới nhất của Mỹ liên quan tới vấn đề Golan có không ít điểm tương đồng với chiến thuật của nhân vật Tào Tháo của Trung Quốc mặc dù Israel vẫn được coi là đồng minh thân cận nhất của họ tại khu vực. Mỹ đã "cho" Israel Cao nguyên Golan, cái mà người Do Thái đang kiểm soát trái phép trên thực tế hàng chục năm qua. Đổi lại, Mỹ có thêm những quân bài quan trọng để "đấu" với các đối thủ như Nga hay Iran nhằm giành lại tầm ảnh hưởng đang suy giảm ở Trung Đông.

Có không ít ý kiến cho rằng Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã "ép" Tổng thống Mỹ Donald Trump phải thực hiện bước đi này. Lý do được đưa ra là cộng đồng Do Thái tại Mỹ có sức ảnh hưởng rất lớn và có thể tác động lên chính sách của Washington.

Không hoàn toàn phủ nhận ý kiến trên nhưng cũng không nên ngây thơ tin rằng Mỹ đang làm tất cả vì Israel. Đồng minh thực sự và vĩnh viễn của người Mỹ chính là lợi ích. Nếu không toan tính vì những mối lợi có thể thu về, hoặc dự đoán trước thiệt hại, Mỹ sẽ không mạo hiểm vì "đồng minh".

Tuy nhiên, có một điểm mấu chốt mà Mỹ không thể có được, đó là tính "chính danh". Nếu như nhân vật Tào Tháo trong Tam Quốc diễn nghĩa có thể "kẹp thiên tử, lệnh chư hầu" thì Mỹ đâu có khả năng chi phối Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ). Tào Tháo trao cho các đối thủ chức tước, lãnh thổ nhưng đều nằm trong khuôn khổ của nhà Hán và về danh nghĩa vẫn là "thần tử" nhà Hán.

Trong trường hợp đối với Cao nguyên Golan, Mỹ không thể đại diện cho một "thiên triều", không có đủ thẩm quyền tối cao để ra phán quyết chuyển lãnh thổ của quốc gia này cho một quốc gia khác, đặc biệt đây lại là vùng đất mà Israel đã chiếm giữ trái phép một cách quá rõ ràng.

Chưa biết Mỹ thu được lợi ích gì hoặc có thể "lợi dụng" Israel ra sao nhưng hậu quả trước mắt là Mỹ đã tự biến mình thành kẻ thù của thế giới Arab và biến đồng minh Israel thành kẻ xâm lược trên thực tế. Giờ đây, mọi mũi dùi đều chĩa về Mỹ và Israel.

Không chỉ có "khổ chủ" Syria, mà Liên đoàn Arab (AL), Iran, Thổ Nhĩ Kỳ, Nga, Liên minh châu Âu (EU) cùng hàng loạt quốc gia khác đã lên tiếng chỉ trích tuyên bố của Tổng thống Trump, một lần nữa khẳng định quyền của Syria đối với Cao nguyên Golan bị Israel chiếm đóng.

Gọi tuyên bố của ông Trump là sự tấn công cực kỳ nguy hiểm, cựu Đại sứ Thổ Nhĩ Kỳ tại Washington Faruk Logoglu nhấn mạnh: "Tuyên bố của ông Trump là một động thái tiếp theo trong chuỗi các bước phá hoại, nhằm gây bất ổn trật tự thế giới mà chúng ta chứng kiến kể từ khi ông Trump nhậm chức Tổng thống Mỹ. Điều đó mâu thuẫn với Nghị quyết 242 của HĐBA LHQ, và quan trọng hơn là đi ngược lại nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, quy định không được vi phạm sự toàn vẹn lãnh thổ của một quốc gia thông qua việc chiếm đóng".

"Chôn vùi hòa bình"?

Israel đã chiếm giữ 5 vùng lãnh thổ từ 3 quốc gia trong cuộc chiến tranh năm 1967, bao gồm Dải Gaza và Bán đảo Sinai của Ai Cập, Đông Jerusalem và Bờ Tây của Jordan và Cao nguyên Golan của Syria.

HĐBA LHQ đã thông qua nghị quyết "đất đổi lấy hòa bình", hay Nghị quyết 242, trong đó đề cập khả năng Israel đổi những vùng lãnh thổ bị chiếm đóng lấy hòa bình và sự công nhận từ các quốc gia Arab xung quanh. Tất cả thành viên của HĐBA LHQ, trong đó có Mỹ, đã thông qua nghị quyết này.

Trước cuộc chiến tranh năm 1967, có khoảng 150.000 người Syria sống ở Cao nguyên Golan, nhưng nhiều người đã phải di dời vì cuộc xung đột. Ngày nay, khu vực lãnh thổ này là nơi sinh sống của khoảng 25.000 người Arab Druze, những người tự xem mình là công dân Syria và khoảng 20.000 người định cư Do Thái tự nhận là người Israel.

Kết thúc chiến tranh, không bên nào trong cuộc xung đột chịu đưa ra nhượng bộ trước. Các quốc gia Arab từ chối đàm phán chừng nào Israel rút ra khỏi các vùng chiếm đóng, trong khi đó Israel chỉ đồng ý rút khỏi các vùng chiếm đóng khi mà các quốc gia Arab đàm phán một thỏa thuận hòa bình. Chính vì vậy, Israel tiếp tục chiếm đóng 5 vùng lãnh thổ và xây dựng các khu định cư ngay sau khi cuộc chiến tranh kết thúc.

Năm 1973, Ai Cập và Syria đã phát động một cuộc chiến chống lại Israel, tiến vào Bán đảo Sinai và Cao nguyên Golan nhằm chiếm lại các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng. Tuy nhiên, với sự giúp đỡ của Mỹ, Israel vẫn giữ được quyền kiểm soát những vùng lãnh thổ này.

Vào cuối cuộc xung đột, Mỹ làm trung gian đàm phán giữa Israel, Ai Cập và Syria trong nỗ lực giải quyết các tranh chấp lãnh thổ đang tiếp diễn. Sau đó, Ai Cập lấy lại Sinai để đổi lấy hoà bình với Israel sau khi ký kết Hiệp ước hòa bình Ai Cập-Israel theo Thỏa thuận Trại David.

Tuy nhiên, 4 vùng lãnh thổ còn lại, bao gồm Cao nguyên Golan, vẫn nằm dưới sự kiểm soát của Israel. Năm 1981, chính phủ Israel tuyên bố sáp nhập Đông Jerusalem và Cao nguyên Golan, vĩnh viễn mở rộng đường biên giới bao trùm cả hai khu vực chiếm đóng này.

Phản ứng trước hành động trên của Israel, HĐBA LHQ đã thông qua Nghị quyết 497, trong đó lên án việc sáp nhập lãnh thổ Syria, tuyên bố đây là hành vi vi phạm luật pháp quốc tế.

Israel và Syria đã tham gia nhiều vòng đàm phán về Cao nguyên Golan, bao gồm cả các cuộc đàm phán bí mật gần đây như hồi năm 2010 mà có thể dẫn đến việc Israel rút toàn bộ binh sĩ khỏi đây. Tuy nhiên, cuộc nội chiến Syria bắt đầu xảy ra hồi năm 2011 đã làm gián đoạn các cuộc đàm phán.

Syria tiếp tục yêu cầu Israel trả lại Cao nguyên Golan và cho tới nay không một quốc gia nào công nhận tuyên bố chủ quyền lãnh thổ của Israel đối với cao nguyên này.

Toàn bộ khu vực Cao nguyên Golan dài khoảng 65km từ Bắc tới Nam với độ cao chiến lược nhìn ra Syria và Thung lũng Jordan. Khu vực này có ý nghĩa quan trọng về mặt quân sự đối với cả Syria và Israel, và Israel cũng coi khu vực lãnh thổ này là một "vùng đệm" có thể giúp để tự vệ.

Ngoài giá trị về mặt quân sự, Cao nguyên Golan còn là một tài sản chiến lược với nguồn tài nguyên nước và đất đai màu mỡ. Khu vực này có lưu vực thoát nước sông Jordan, hồ Tiberias, sông Yarmuk và tầng ngậm nước ngầm. Israel khai thác 1/3 nước từ Cao nguyên Golan. Ở một khu vực tương đối khô hạn trên thế giới, việc kiểm soát nguồn cung cấp nước Golan là điều vô cùng có ý nghĩa.

Cao nguyên Golan cũng có thể chứa tài nguyên dầu. Khoan thăm dò cho thấy trữ lượng dầu ở khu vực này có thể lên tới hàng tỷ thùng.

Theo giới phân tích quốc tế, hành động mới nhất của Mỹ, sau tuyên bố công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel vào tháng 12/2017, có thể "khích lệ" các cường quốc khác sáp nhập lãnh thổ, hủy hoại kế hoạch hòa bình lâu năm của Mỹ tại Trung Đông và đẩy Israel trở lại xung đột với các nước láng giềng Arab.

Giáo sư Fawaz Gerges, chuyên ngành quan hệ quốc tế tại Trường Kinh tế London, bình luận: "Donald Trump đã khiến Israel chắc chắn sẽ vướng vào một cuộc đối đầu liên miên với các nước Arab láng giềng trong nhiều thập kỷ. Điều mà ông làm chẳng khác nào việc đóng thêm một chiếc đinh vào cỗ quan tài chôn vùi tiến trình hòa bình và hòa giải Arab-Israel. Đây là một bước ngoặt quan trọng, chẳng còn gì để mà thảo luận nữa".

AP dẫn lời Eric Goldstein, Giám đốc phụ trách Trung Đông và Bắc Phi của tổ chức Quan sát Nhân quyền, cho rằng có vẻ như Tổng thống Trump muốn làm xói mòn những quy định và luật pháp quốc tế tại Cao nguyên Golan, và điều này có thể sẽ càng khích lệ "các quốc gia chiếm đóng tăng cường những nỗ lực đánh chiếm đất đai, xây dựng các khu định cư và khai thác tài nguyên".