Putin Maduro
© Sputnik / Aleksey Nikolskyi
Mỹ buộc Nga phải hiện diện quân sự tại Venezuela

Việc 99 sĩ quan, nhân viên kỹ thuật quân sự Nga đến Venezuela ngày 23/3 được Mỹ xem là Nga hiện diện quân sự tại quốc gia Nam Mỹ này. Washington đánh giá hành động của Moscow làm gia tăng căng thẳng với cuộc khủng hoảng Venezuela.

Nga và Venezuela thì khẳng định điều đó nằm trong khuôn khổ thỏa thuận hợp tác quân sự được Moscow và Caracas ký kết vào năm 2001, nên các chuyên gia và nhân viên kỹ thuật quân sự Nga đến Venezuela là hoàn toàn bình thường.

Tuy nhiên, trong bối cảnh cuộc khủng hoảng hiện nay tại Venezuela thì đó là không bình thường với Mỹ. Vì vậy, Washington đã thể hiện thái độ cứng rắn với Moscow sau khi 2 máy bay Nga hạ cánh xuống sân bay quốc tế Maiquetia.

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo trong cuộc điện đàm với Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov, ngày 25/3, đã kêu gọi: "Nga hãy chấm dứt hành vi thiếu tự chủ đó. Mỹ sẽ không đứng yên khi Nga làm trầm trọng thêm tình hình Venezuela", theo CNN.

Phó tổng thống Mỹ Mike Pence khi đề cập đến sự xuất hiện của các máy bay Nga ở Venezuela, đã cho biết: "Mỹ xem việc máy bay quân sự Nga đến Venezuela là một sự khiêu khích".

Rồi ông Pence yêu cầu: "Nga dừng tất cả hành động ủng hộ Nicolas Maduro ngay hôm nay và đứng về phía Guaido, sát cánh cùng các quốc gia trên bán cầu này và trên thế giới cho đến khi tự do được khôi phục".

Trong khi đó, ngày 27/3, Tổng thống Mỹ Donald Trump - khi tiếp nhà báo Fabiana Rosales, vợ của tổng thống tự phong Venezuela Juan Guaido - đã dứt khoát: "Nga phải rời khỏi Venezuela. Nếu không thì cứ chờ xem. Tất cả lựa chọn đều để mở".


Nhận xét: Những lời đe dọa vô lý và vô nghĩa này đến từ một đất nước có binh lính hiện diện tại 150 nước trên thế giới, với tổng số quân bên ngoài biên giới Mỹ là 165.000 người. Trong khi Nga chỉ gửi 100 quân đến theo lời mời của chính phủ hợp pháp của Venezuela. Thật là những con số đáng để suy nghĩ.


Như vậy, sau hành động của Nga và phản ứng của Mỹ, cho thấy cuộc khủng hoảng Venezuela đã sang một bước ngoặt mới. Đó là là ảnh hưởng bởi yếu tố ngoại bang đã trở nên nguy hiểm hơn và hành động của Nga dường như là nguyên nhân chính.


Nhận xét: Yếu tố ngoại bang luôn tồn tại ở Venezuela. Chỉ có điều trước kia chỉ có Mỹ lăm le thôn tính, đe dọa, vây hãm, cấm vận. Nhưng thời mà Mỹ có thể tự do làm vậy đã qua rồi.


Tuy nhiên, theo giới phân tích, Nga hiện diện quân sự tại Venezuela trong bối cảnh nhạy cảm hiện nay là do Mỹ, hay nói đúng hơn là hành động của Mỹ đối với cuộc khủng hoảng tại Venezuela đã buộc Nga phải có sự hiện diện quân sự ở Caracas.

Nga có lợi ích trực tiếp tại Venezuela, nhưng qua những gì Mỹ thể hiện đối với cuộc khủng hoảng Venezuela thì lợi ích của Nga hoàn toàn có nguy cơ bị "mất trắng", nếu Moscow đứng ngoài Venezuela.

Mỹ ủng hộ Juan Guaido và tìm mọi cách lật đổ Nicolas Maduro. Đặt trường hợp chính quyền Maduro bị thay thế bởi chính quyền Guaido thân Mỹ thì quyền lợi của Nga khó có thể được bảo toàn bởi "chính quyền vi hiến này".

Bởi Moscow ủng hộ chính quyền Maduro. Mà ngay cả khi chính quyền Guaido có thừa kế trách nhiệm của chính quyền Maduro thì cũng khó có thể tin là lợi ích của Nga được bảo đảm.

Bài học 3 tỷ USD trái phiếu Châu Âu mà Ukraine vay của Nga dưới thời Tổng thống Viktor Yanukovych nhưng chính quyền của giới chính trị Maidan lại không chịu trả, khiến Moscow "khó có thể tin vào" Juan Guaido.

Trong khi Washington can thiệp ngày càng thô bạo hơn vào tình hình Venezuela, mà với khả năng của mình thì chính quyền của Tổng thống Maduro khó có thể bảo vệ tốt nhất lợi ích của Nga.

Đại diện ngoại giao nhà nước khó có thể bảo vệ lợi ích nhà nước Nga trong trường hợp Mỹ đã quyết can thiệp vào Venezuela. Sự kiện Đại sứ quán Trung Quốc ở Nam Tư bị NATO ném bom năm 1999, rồi "hoà cả làng" là bài học Nga không thể quên.

Vì vậy, Nga chọn hiện diện quân sự tại Venezuela là phù hợp. Vừa là thực hiện thoả thuận với chính quyền hợp pháp, vừa là cách bảo vệ tốt nhất lợi ích của nhà nước Nga. Rõ ràng, trong bối cảnh nhạy cảm, chính Washington đã buộc Moscow phải hành động.

Tổng thống Putin quyết không cho Mỹ-phương Tây tái lập 'Ký ức buồn Kosovo'

Giới phân tích cho rằng, việc Nga "mượn gió" Mỹ để hiện diện quân sự tại Venezuela là một nước đi mang hiệu ứng kép của Tổng thống Putin. Vừa bảo vệ lợi ích của nhà nước Nga, vừa ngăn Mỹ tái lập "Ký ức buồn Kosovo" với Nga như 20 năm trước.

Ngược dòng lịch sử. Sau khi Liên Xô tan rã, Mỹ-phương Tây thừa thắng xông lên, đẩy Nga vào thế "phải chống không thể phòng". Trong khi đó chính quyền Boris Yeltsin lại mắc nhiều sai lầm khiến Mỹ "làm mưa làm gió" bên ngoài biên giới Nga.

Sức mạnh Mỹ, lợi ích Mỹ, giá trị Mỹ đã tạo ra lực hướng tâm Mỹ, hình thành thế giới đơn cực xoay quanh trục Mỹ. Vòng xoáy Mỹ trong thế giới đơn cực đã biến nhiều thực thể vốn là "anh em" của Nga trở thành đối thủ, thậm chí là kẻ thù của nước Nga.

Tình trạng hỗn loạn trong xã hội Nga những năm đầu thời hậu Xô Viết làm cho nước Nga không thể hiện được vai trò thừa kế Liên Xô trong quan hệ đối ngoại, điều đó khiến Mỹ và đồng minh gần như chiếm trọn mặt bằng sân khấu chính trị thế giới.

Nhiều ván cờ mới, nhiều bàn cờ mới được Mỹ-phương Tây sắp đặt mà Nga dường như chỉ còn là khán giả. Trong đó đặc biệt là bàn cờ chính trị tại Nam Tư cũ. Mà cay đắng nhất chính là phải lưu lại "Ký ức buồn" tại Kosovo, cách đây tròn 20 năm.

Phó Thủ tướng Nga Rogozin từng nhận định việc Nga không thể làm gì để giúp Nam Tư, khi đó bị NATO không kích, phá nát nước này từ tháng 3 đến tháng 6/1999, là thất bại lớn nhất của Moscow trong việc thể hiện sức mạnh Nga thời hậu Xô Viết.

Theo ông Rogozin, chính quyền Tổng thống Boris Yeltsin khi đó không giúp được đồng minh thân thiết thoát khỏi "kiếp nạn", bởi Moscow chỉ can thiệp khi mọi sự đã ngã ngũ, đó là cử 1 đội đặc nhiệm cấp tốc đánh chiếm sân bay quốc tế Pristina.

Khi đó, việc Nga đổ bộ xuống sân bay Pristina được nhìn nhận là nhằm khẳng định sự can dự của Moscow - người Nga không đứng ngoài những chuyển động tại khu vực Balkan và làm chỗ dựa để mặc cả với Mỹ-NATO

Tuy nhiên, cuộc đột kích kỳ lạ ấy chỉ thực hiện được mỗi một việc là ngăn không để các máy bay MiG của Nam Tư lọt vào tay NATO. Trong chiến dịch này, Nga đã giải cứu được 11 chiếc MiG-29 và 21 chiếc MiG-21 của không quân Nam Tư.

Nước Nga của ông Yeltsin không thể cứu được đồng minh Nam Tư và Tổng thống Slobodan Milosevic là thất bại về chiến lược của Moscow. Bởi lẽ sau khi kết thúc Chiến tranh Nam Tư, Mỹ và đồng minh đã nặn ra một thực thể chính trị tại Kosovo.

Giới chính trị tại Moscow đã thề không bao giờ để phải chứng kiến một "Ký ức buồn Kosovo" nào nữa. Sau khi Tổng thống Putin lên nắm quyền, không những không để lặp lại ký ức, Nga còn trả sòng phẳng "món nợ Kosovo" cho Mỹ-phương Tây.

Từ cuộc Chiến tranh Nga-Gruzia đến cuộc khủng hoảng Ukraine, các nước cờ của Putin không những không để tái lập ký ức buồn, mà còn buộc Mỹ-phương Tây phải "gặm nhấm nỗi buồn Kosovo" năm nào mà họ đã "gieo vào lòng người Nga".

Tuy nhiên, với tình hình Venezuela - khi khoảng cách địa lý giữa Nga và Venezuela như gần nửa vòng trái đất - hoàn toàn có thể giúp Mỹ một lần nữa gieo ký ức buồn cho Nga, nếu Moscow chậm trễ.

Do vậy, Tổng thống Putin đã hành động dứt khoát. Và khi Nga đã có sự hiện diện quân sự ở Venezuela thì kế hoạch nhằm sử dụng vũ lực để xoá bỏ chính quyền Maduro còn khó, chứ nói gì đến việc lặp lại "Ký ức buồn Kosovo" cho Nga.