brexit farce clown
Brexit: Hài kịch hay bi kịch ?
Hôm nay 29/3 đáng lẽ là ngày mà Anh phải rời EU theo kế hoạch đã được lập nên từ hai năm về trước. Đáng lẽ đây là ngày mà các chính trị gia và những người dân ủng hộ Brexit vui mừng, trong khi những người phản đối phải đau đớn. Nhưng điều này đã không xảy ra.

Giờ đây, do thất bại của Thủ tướng Theresa May trong việc kêu gọi Quốc hội Anh ủng hộ thỏa thuận Brexit của bà, ngày 29/3 đã trở nên hỗn loạn hơn dự kiến rất nhiều. Điều có thể thấy được đó là Brexit sẽ không xảy ra ngay bây giờ mà sẽ là trong vòng một năm tới.

Bế tắc và sự chậm trễ

Vào ngày 29/3, những người ủng hộ Brexit đã tổ chức một cuộc biểu tình ngay bên ngoài tòa nhà Quốc hội Anh vì điều mà họ mong muốn đã không trở thành hiện thực.

Theo điều kiện kéo dài thời hạn mà phía Liên minh Châu Âu (EU) đưa ra và sau đó được Quốc hội Anh chấp thuận ngày 27/3, Anh sẽ rời khỏi liên minh này sớm nhất là vào ngày 12/4 (nếu không có thỏa thuận) và muộn nhất là ngày 22/5 (nếu có thỏa thuận).Thế nhưng, dựa trên tình hình đang diễn ra ở Hạ viện Anh, rất có thể hạn chót sẽ còn được trì hoãn thêm 1 năm nữa.

Lúc này, những nỗ lực để thuyết phục các nghị sĩ Anh chấp nhận thỏa thuận Brexit của bà May cho đến giờ đang không phát huy được tác dụng. Không được sự ủng hộ từ Đảng Dân chủ Liên hiệp Anh (DUP) hay Công Đảng Anh, bà May không thể làm cho thỏa thuận của mình được chấp thuận.

Thay vào đó, chính phủ Anh đang chia thỏa thuận làm hai phần với hi vọng nó nhận được nhiều sự ủng hộ hơn. Cụ thể, các nghị sĩ Anh sẽ bỏ phiếu về thỏa thuận rời liên minh, trong khi các vấn đề khác sẽ được đàm phán và trình bày lên Quốc hội vào một thời điểm khác trong tương lai.

Cách làm này nhằm thỏa mãn hai mục đích chính. Thứ nhất, nó cho phép chính phủ bà May có thể tiếp tục kêu gọi các nghị sĩ Anh bỏ phiếu lấy ý kiến cho thỏa thuận của họ thêm một lần nữa, và thứ hai nó cũng khiến thỏa thuận này có thể coi là chấp nhận được đối với những người đã từng lên tiếng chỉ trích trích trước đây.

Nếu thỏa thuận rút khỏi EU được thông qua ngày 29/3, hạn chót của Brexit sẽ được kéo dài đến ngày 22/5, và nếu thất bại, hạn chót sẽ là 12/4. Khả năng Anh rời EU mà không đạt được bất kỳ thỏa thuận nào với liên minh vẫn rất cao.

Thế nhưng vào tối ngày 28/3, cả DUP và Công Đảng đều phản đối bỏ phiếu ủng hộ thỏa thuận rời liên minh mới nhất. Lãnh đạo Công đảng Jeremy Corbyn nói rằng nếu ủng hộ thỏa thuận này sẽ đồng nghĩa với việc ủng hộ một "tiến trình Brexit có tính chất bịt mắt" bởi nó không đề cập đến bất kỳ hình thức nào để quyết định mối quan hệ trong tương lai giữa Anh và EU.

Tại sao vẫn phải bỏ phiếu?

Có thể thấy rằng những nỗ lực trong tuyệt vọng của Thủ tướng Anh để thỏa thuận Brexit được thông qua đang có nguy cơ cao bị bác bỏ thêm lần nữa.

Vậy tại sao bà May vẫn chấp nhận để Quốc hội bỏ phiếu lấy ý kiến về thỏa thuận này? Trong bối cảnh hạn chót 12/4 đang đến gần, Anh nhiều khả năng phải chuẩn bị cho tình huống rời EU mà không có thỏa thuận. Tuy nhiên, một khả năng mong manh nữa vẫn có thể xảy ra, đó là việc các nghị sĩ Anh muốn bỏ phiếu lấy ý kiến về một kế hoạch Brexit "mềm", tức là chấp nhận rằng mặc dù đã tách khỏi EU, Anh vẫn sẽ thuộc Cộng đồng Kinh tế Châu Âu, vẫn lệ thuộc vào phán quyết Tòa án Tối cao Châu Âu và vẫn đóng góp vào ngân sách EU.

Quyết định này vẫn cần sự chấp thuận của chính phủ bà May cũng như của phía Brussels, và cả hai đều chưa chắc có thể xảy ra. Với việc nỗ lực để kêu gọi các nghị sĩ Anh bỏ phiếu cho thỏa thuận rời Brexit của mình, bà May đang chứng minh cho nguyên thủ các nước EU rằng bà đang làm mọi cách để Brexit có thỏa thuận trở thành hiện thực.

Nếu các nghị sĩ Anh bỏ phiếu phản đối một lần nữa, giống như hai lần trước đây, Anh sẽ rời EU vào ngày 12/4 tới. Song một số lời đồn đoán nói rằng EU có thể sẽ đưa ra một lựa chọn cho chính phủ bà May, hoặc là chấp nhận rời EU không thỏa thuận, hoặc chấp nhận kéo dài thời hạn Brexit thêm 1 năm. Điều này có nghĩa là Anh vẫn sẽ tham gia vào cuộc bầu cử Châu Âu vào ngày 23/5 tới, và cũng sẽ khiến những người ủng hộ Brexit tức giận.

Với việc thế bế tắc hiện nay khó có khả năng hóa giải, thật khó để hi vọng một phép màu có thể xảy ra cho Anh. Hôm qua, người đứng đầu ủy ban đàm phán Brexit của EU là ông Michel Barnier nói rằng Brexit không thỏa thuận lúc này "đang là hệ quả tất yếu", và không khó để có thể thấy được vì sao.