Richard Grenell
© Sylvain Gaboury / Getty ImagesĐại sứ Thiên triều Richard Grenell
Một nội dung được nhiều nghị sĩ thuộc Đảng Cánh tả của Đức đệ trình lên Quốc hội nước này, yêu cầu tổ chức cuộc bỏ phiếu nhằm trục xuất đại sứ Mỹ Richard Grenell.

Nhóm nghị sĩ đệ đơn đã cho rằng vị đại sứ này đã can thiệp quá nhiều và tiêu cực vào các quyết định quan hệ kinh tế và chính trị của Đức. Tờ Bild của Đức trích dẫn thông điệp của các nghị sĩ Đức cho rằng Đại sứ Mỹ đe dọa cắt chia sẻ dữ liệu tình báo Mỹ-Đức để yêu cầu Berlin ngừng hợp tác với Huawei, và cảnh cáo các công ty của Đức có liên quan đến Nord Stream 2...

Ngoài Đảng cánh tả, Đảng Dân chủ tự do FDP cũng yêu cầu tương tự. Phó chủ tịch Đảng này, ông Wolfgang Kubicki đã yêu cầu cần mạnh tay hơn với Đại sứ Mỹ.

"Bất cứ ai hoạt động như một nhà ngoại giao cần biết rằng sự khoan dung của chúng ta có giới hạn và tốt hơn hết họ nên đừng vượt qua lằn ranh đó" - phát biểu trên trang cá nhân của ông Kubicki.

Grenell là người được đích thân Tổng thống Donald Trump chọn cho vị trí Đại sứ Mỹ tại Đức vào tháng 5/2018. Ông Grenell đã gây ra sự khó chịu ngay từ những ngày đầu nhận trách nhiệm khi liên tiếp đưa ra các tweet rằng công ty Đức nên dừng kinh doanh với Iran sau khi Mỹ tuyên bố rút khỏi thỏa thuận hạt nhân với quốc gia Trung Đông.

Mới đây, Grenell đã chỉ trích Berlin vì không đáp ứng mục tiêu 2% GDP cho ngân sách quốc phòng khi Đức lên kế hoạch ngân sách năm 2020. Đầu tháng 3, Đại sứ Grenell cũng cảnh báo Đức rằng chính quyền Mỹ sẽ hạn chế chia sẻ dữ liệu tình báo với Berlin nếu Huawei tiếp tục tham gia vào các cơ sở hạ tầng mạng 5G..

Thậm chí, Đại sứ Grenell còn thực hiện một hành động được báo chí Đức mô tả là "khiêu khích liều lĩnh" khi ông này gửi thư cho một số công ty Đức và bày tỏ Washington sẽ đưa ra các biện pháp trừng phạt vì ủng hộ dự án đường ống dẫn khí Nord Stream 2.

Việc các nghị sĩ đồng loạt lên tiếng cho thấy sự bất mãn của Đức với vị Đại sứ Mỹ ngày càng gia tăng. Thực tế, đây không chỉ đơn thuần là sự tức giận với một cá nhân, mà còn là sự khó chịu với cách hành động và quan điểm của chính quyền Washington.

Có thể thấy, những yêu sách mà Grenell đã đại diện cho Washington đưa ra với Đức đã can thiệp khá sâu vào tất cả những đường lối đối ngoại, kinh tế của quốc gia này. Đồng thời, sức ép mà Washington tạo ra đang muốn nắn các đường lối của Berlin phải hòa vào với cách hành động và quan điểm của Mỹ. Điều này tạo cảm giác Đức là một quốc gia không có chủ quyền.

Thực tế, việc trục xuất một Đại sứ đồng nghĩa với việc chấm dứt quan hệ ngoại giao giữa hai quốc gia. Điều này sẽ khó xảy ra trong mối quan hệ đồng minh của Berlin - Washington. Tuy nhiên, nó cho thấy sự tức giận của Berlin đã đến mức giới hạn và Mỹ cần dừng lại các hành động can thiệp của mình.

Trong một diễn biến khác, Đại sứ Slovenia tại Moscow, ông Branko Rakovec khẳng định mọi hợp đồng mà nước này ký với Gazprom của Nga về cung cấp khí đốt trong 5 năm tới sẽ không có gì thay đổi, bất chấp việc Mỹ đang tìm mọi cách đẩy mạnh thị trường tiêu thụ khí hóa lỏng (LNG) tại châu Âu.

"Đó là một hợp đồng đã được cố định. Nó sẽ không thay đổi và sẽ được thực hiện theo thỏa thuận đến ngày cuối cùng. Slovenia không quan tâm đến việc Mỹ đang bán LNG ở châu Âu thế nào. Đây chỉ đơn thuần là các quốc gia đang bán sản phẩm của họ cho các quốc gia khác muốn mua. Vấn đề cơ bản nhất là chất lượng và giá cả. Điều đó quá rõ ràng" - Đại sứ Rakovec cho biết.

Động thái này của Slovenia một lần nữa cho thấy quan điểm của Đức đã đúng. Họ hợp tác với Nga về dự án Nord Stream 2 hay với Huawei về dự án 5G... chỉ hoàn toàn phục vụ vấn đề kinh tế. Nó được hoạt động theo nguyên tắc cạnh tranh chất lượng và giá thành.

Mỹ muốn can thiệp vào nội bộ của Đức hay các quốc gia châu Âu để phục vụ những lợi ích của riêng họ sẽ chỉ gây thêm ức chế và mâu thuẫn giữa đôi bên.