Trump China trade war
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) mới đây đưa ra lời cảnh báo, tiếp tục cuộc đấu về thuế quan giữa Mỹ- Trung Quốc sẽ không giải quyết được thực sự cán cân thương mại giữa hai quốc gia.

"Nỗ lực nhằm cân bằng cán cân thương mại song phương với phương pháp sử dụng thuế quan hoặc các biến dạng khác thuế quan áp lên hàng hóa sẽ đều không "giúp ích" cho việc cân bằng kim ngạch thương mại của hai nước được cân bằng" - báo cáo của IMF nêu rõ.

Theo phân tích của tổ chức này, sự chênh lệch cán cân thương mại song phương trong 20 năm gần đây đã xảy ra do nhiều yếu tố tổng hợp từ nền kinh tế vĩ mô, chính sách tài khóa, chu kỳ tín dụng cũng như chính sách tỷ giá và trợ cấp thương mại.

Báo cáo nêu rõ: Nghiên cứu cho thấy thuế và phí trong hoạt động xuất khẩu chỉ chiếm một vai trò khá nhỏ.

Nghiên cứu của IMF cho thấy rằng, việc nhắm mục tiêu vào các đối tác cụ thể với thuế quan thương mại có thể dễ dàng giúp quốc gia thứ ba kiếm được lợi ích từ việc chuyển hướng thương mại.

Hai bên đưa ra các biện pháp thuế quan đối với đối tác song phương, lấy lý do bảo vệ thương mại của chính mình nhưng thực tế điều này có nghĩa họ sẽ phải tìm kiếm các khách hàng khác. Về bản chất nó chỉ giúp các quốc gia khác được lợi, cán cân thương mại do đó tiếp tục không thay đổi.

Nghiên cứu được đưa ra trong bối cảnh xung đột thương mại leo thang giữa Mỹ và Trung Quốc do Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố vào đầu năm 2018. Ông Trump đã tăng thuế đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc và một số quốc gia khác nhằm giải quyết thâm hụt thương mại đang gia tăng của Mỹ.

Cho đến nay, Mỹ đã đưa ra mức thuế đối với gần 250 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu của Trung Quốc. Bắc Kinh cũng đã trả đũa bằng thuế đối với 110 tỷ USD hàng hóa của Mỹ.

Đáng nói là, Tổng thống Trump không thực sự muốn nhắm vào kim ngạch thương mại Mỹ - Trung khi phát động cuộc chiến thương mại này.

Thực tế là ngay khi cuộc đối đầu thương mại diễn ra, thâm hụt thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc còn tăng cao hơn. Theo số liệu của Bộ Thương mại Mỹ, thâm hụt thương mại hàng hóa và dịch vụ của Mỹ với Trung Quốc đạt kỷ lục 419,2 tỷ USD trong năm 2018.

Tính chung các thị trường, Mỹ thâm hụt thương mại 621 tỷ USD trong năm ngoái, mức cao nhất 10 năm trở lại đây và tăng 12,5% so với năm trước đó.

Nếu tính riêng hàng hóa, con số thâm hụt cũng đạt kỷ lục 891,3 tỷ USD. Trong đó, Mỹ thâm hụt kỷ lục với Mexico và Liên minh châu Âu. Ngược lại, Mỹ đạt thặng dư kỷ lục 270,2 tỷ USD về thương mại dịch vụ.

Tổng thống Trump thường xuyên đổ lỗi cho các chính quyền trước đó vì khiến Mỹ thâm hụt thương mại liên tiếp với các đối tác. Tuy nhiên, mức thâm hụt đã tăng 119 tỷ USD trong suốt 2 năm ông Trump cầm quyền.

Điều thực sự nằm trong mục tiêu của nhà lãnh đạo Mỹ được cho là vấn đề công nghệ, sở hữu trí tuệ mà Trung Quốc đang vượt mặt Mỹ. Tập đoàn công nghệ Viễn thông Huawei là một ví dụ điển hình của mục tiêu mà Washington nhắm tới.

Giới quan sát cho rằng vai trò của Huawei trong việc thiết lập tiêu chuẩn mạng 5G đã khiến hãng trở thành tâm điểm trong cuộc đối đầu này. Các nước, từ Nhật đến Canada, đều đang cân nhắc việc cấm các thiết bị của hãng. Mỹ còn tìm cách gây sức ép với các đồng minh tẩy chay sản phẩm của Huawei.

Cuộc đối đầu này thậm chí còn ác liệt hơn cả bình diện thương mại, nếu như Trung Quốc đồng ý mua một lượng lớn hàng nông sản và năng lượng từ Mỹ, đủ để bảo đảm một thỏa thuận mới. Đó buộc phải là thỏa thuận khiến Mỹ bỏ qua vấn đề sở hữu trí tuệ và chuyển giao công nghệ.